pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chữa lành tinh thần bằng...Bonsai
Liệu pháp chữa bệnh
Bà Amy Liang sinh ra trong một gia đình danh giá ở miền Bắc Đài Loan. Bà không chỉ xinh đẹp, tao nhã mà còn rất tài năng. Bà kết hôn với một bác sĩ sản phụ khoa nổi tiếng. Bà bị trầm cảm lâm sàng vài năm sau khi kết hôn. Mặc dù chồng đã cố gắng giúp đỡ bà trong những năm tháng khó khăn này nhưng vô ích. Cuối cùng, bà đã khỏi bệnh trầm cảm sau khi cha bà giới thiệu cho con gái đến với nghệ thuật trồng cây cảnh.
Sau khi vượt qua bệnh tật, Amy Liang đã dành phần lớn thời gian và sức lực của mình cho việc trồng và quảng bá nghệ thuật Bonsai trong hơn 5 thập kỷ qua. Dần dần, bà trở thành một bậc thầy Bonsai. Do những đóng góp to lớn của bà cho nghệ thuật, cộng đồng Bonsai quốc tế và lòng nhân ái đối với người khác, bà rất được mọi người trong giới cây cảnh trong và ngoài nước quý trọng.
Bà Amy Liang đã dành phần lớn cuộc đời của mình để tạo ra nhiều bộ sưu tập Bonsai. Bà được cho là nghệ sĩ Bonsai độc nhất vô nhị ở Đài Loan vì rất ít phụ nữ gắn bó với nghề làm vườn, cây cảnh - một lĩnh vực thường đòi hỏi lao động nặng nhọc ngoài trời. Bà Amy Liang nhấn mạnh rằng, trồng Bonsai là một sở thích tuyệt vời có thể giúp cải thiện sức khỏe, mang lại an bình và hòa hợp xã hội. Bonsai có thể định nghĩa là một sự hòa hợp giữa thiên nhiên và nghệ thuật …
Để quảng bá hơn nữa nghệ thuật Bonsai và để nhiều người biết đến vẻ đẹp của Bonsai, bà đã biến khu vườn Bonsai của mình thành một bảo tàng có tên là Amy Liang Bonsai Museum. Ngày 3/11/2017, bảo tàng đã được khai trương, nằm ở ngoại ô thành phố Đài Bắc. Đây còn được gọi là "Zi Yuan" (Khu vườn màu tím) có diện tích 8.925 mét vuông, nơi có bộ sưu tập cá nhân với khoảng 500 cây bonsai trong một số 100 loài được trưng bày. Những chậu cây cảnh nhỏ xinh được cắt tỉa đẹp mắt mang hình dáng uốn lượn, uyển chuyển, tinh tế, được tạo hình trong chậu và mỗi một chậu cây được tạo nên mang một câu chuyện và ý nghĩa khác nhau. Chính vì vậy, nếu không phải trong giới yêu bonsai thì người xem chỉ ngắm nhìn được phần ngoài mà không thấu hết vẻ đẹp ẩn chứa bên trong. Bản thân bà Liang đã dành thời gian và óc thẩm mỹ chăm bẵm lâu ngày mới tạo nên được những chậu cây có dáng vóc độc đáo.
Khu vườn bảo tàng được phân chia thành 4 khu vực với khu vực trưng bày chính là các cây Bonsai, bộ sưu tập cây Shohin (mini Bonsai) cực đẹp và một khu trên tầng cho các cây nhiệt đới. 5 cây trong bộ sưu tập của bảo tàng đã được chọn để in trên tem bưu chính Đài Loan và 1 cho ảnh tem bưu chính Mỹ. Trung bình, có khoảng 3.000 người đến thăm bảo tàng này mỗi năm.
Nổi tiếng trong giới trồng cây cảnh
Là 1 trong 8 bậc thầy Bonsai thế hệ đầu tiên ở Trung Quốc, từ năm 1991, bà Amy Liang đã thực hiện các khóa đào tạo bonsai cho hơn 6.400 sinh viên Trung Quốc. Bà Liang còn mở nhiều khóa đào tạo Bonsai miễn phí cho công chúng tại Bảo tàng Bonsai Zi Yuan.
Năm 1995, bà Liang được trao danh hiệu bậc thầy nghệ thuật Bonsai Trung Quốc và đã nhận được Giải thưởng "Cống hiến trọn đời" cho giao lưu văn hóa Bonsai giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Bà cũng được bổ nhiệm làm Chủ tịch danh dự của Hiệp hội nghệ sĩ Hòn non bộ Trung Quốc. Ngoài việc giảng dạy về cây cảnh và thiết kế sân vườn tại trường Đại học Quốc gia Đài Loan, Đại học Văn hóa Trung Hoa, Đại học Seattle Pacific và trường Cao đẳng Cộng đồng Nam Mỹ, bà Liang đã giảng dạy ở hơn 20 quốc gia ở các châu lục, bao gồm châu Mỹ, châu Âu, châu Phi và châu Á.
Từng là Chủ tịch của Hiệp hội Bonsai Quốc gia Đài Loan (NBAT) và Liên đoàn Hữu nghị châu Á - Thái Bình Dương (ABFF), bà Liang đã được trao tặng Giải đóng góp cho Thế giới Bonsai của Liên đoàn Hữu nghị Bonsai Thế giới (WBFF) và được bổ nhiệm làm chuyên gia tư vấn quốc tế cho WBFF. Bà là người Đài Loan đầu tiên được mời thuyết trình và trình diễn cây cảnh tại Bảo tàng Cây cảnh và Hòn non bộ Quốc gia Mỹ vào năm 1988. Bà Amy Liang đã viết tổng cộng 11 cuốn sách liên quan đến cây cảnh. Trong đó, "Nghệ thuật Sống của Bonsai: Nguyên tắc & Kỹ thuật Trồng trọt & Nhân giống" đã được chọn là 1 trong 10 cuốn sách hay nhất của năm tại Mỹ vào năm 1991 và đã được sử dụng làm sách giáo khoa về Bonsai ở hơn 23 quốc gia. Một cuốn sách khác mang tên "Nghệ thuật Bonsai" đã mang về cho bà Giải thưởng Golden Tripod hai lần. Đây là giải thưởng cao nhất trong ngành công nghiệp xuất bản ở Đài Loan.