Sáng nay 30/7, Tổ điều hành thị trường trong nước họp thường kỳ tháng 7, tại Hà Nội. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là đưa ra các nhận định về giá cả thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu và các kiến nghị nhằm bình ổn cung cầu thị trường những tháng cuối năm.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết: Thị trường hàng hóa tháng 7 tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị. Đặc biệt là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung kéo dài đã gây áp lực lên cung cầu, giá cả của nhiều hàng hóa trên thế giới.
Còn tại thị trường trong nước, tháng 7 nhìn chung thị trường không có biến động lớn, nhu cầu tiêu dùng nhiều mặt hàng thiết yếu không cao nên giá tương đối ổn định. Theo Vụ Thị trường trong nước, tháng 7, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt hơn 400 ngàn tỷ đồng (tăng 1,66% so với tháng trước). Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ 7 tháng đạt hơn 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 11,56% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt hàng đầu vào là xăng dầu tuy có tăng giá nhưng mức tăng thấp hơn biến động giá thế giới do tiếp tục được điều hành theo quy định. Các mặt hàng thiết yếu khác như gạo có mức tiêu thụ tốt, giá bắt đầu tăng nhẹ. Còn thịt lợn do ảnh hưởng dịch bệnh, lượng thịt ở khu vực phía Bắc giảm mạnh nên giá thịt tăng. Ngược lại, ở phía Nam giá thịt lợn đang giảm nhẹ do dịch bệnh đang lây lan, nhiều hộ chăn nuôi đang bán tháo để tránh dịch. Đến nay, cả nước đã tiêu hủy tới 3,7 triệu con lợn. Nguồn cung tổng đàn lợn giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, dự báo từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt tăng cao, cung sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu sẽ tạo áp lực tăng giá thịt lợn.
Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo trong những tháng tới, tình hình chinh trị và thương mại trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ tác động lên giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu; cộng thêm giá xăn dầu tăng, lương cơ bản được điều chỉnh tăng tác động đến chi phí sản xuất đầu vào của doanh nghiệp, khiến giá nhiều mặt hàng bị tác động.
Đặc biệt, tình hình khan hiếm nguồn thịt lợn cuối năm dự báo sẽ xảy ra, vì vậy cơ quan chức năng khuyến cáo các doanh nghiệp tích cực chuẩn bị tích trữ nguồn thịt lợn sạch. Cùng với đó, các hộ dân nuôi lợn đẩy mạnh chuyển sang chăn nuôi các nguồn thịt khác như bò, gia cầm để bổ sung nguồn cung thịt thay thế.
Tổ điều hành thị trường trong nước cũng đề nghị các Bộ, ngành địa phương cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả hàng hóa thiết yếu; phối hợp thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận.