Chung cư Happy Star: Có nên cứ mâu thuẫn, bất đồng là cắt điện, cắt nước?

12/03/2019 - 23:01
Như Báo Phụ nữ Việt Nam đã đưa, một số hộ dân tại tòa chung cư Happy Star (phường Giang Biên, Q.Long Biên, Hà Nội) bị cắt điện, cắt nước, phải sống trong cảnh tối tăm giữa Thủ đô. Chủ đầu tư của dự án này – lãnh đạo Công ty TNHH Vintep Hà Nội đã trao đổi, làm rõ những bức xúc của người dân.
Theo như đơn thư của các hộ dân tại chung cư này ngày 1/3/2019 gửi lãnh đạo UBND Hà Nội và các ban ngành và cơ quan báo chí, để phản ánh những sai phạm của chủ đầu tư là Công ty TNHH Vintep Hà Nội.
 
Cụ thể, các hộ dân cho biết: Chuyển về từ đầu 2017, dù đã thanh toán 95% tổng giá trị hợp đồng, tuy nhiên chủ đầu tư không làm thủ tục và biên bản bàn giao chính thức căn hộ khiến cho các hộ dân gặp nhiều vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền cơ bản như: Không làm thủ tục đăng ký tạm trú để làm hồ sơ cho các cháu đi học; không được ký hợp đồng sử dụng điện nước sinh hoạt với các nhà cung cấp, phải mua lại điện từ chủ đầu tư với giá sản xuất kinh doanh rất cao.
 
Các hộ dân cũng phản ánh kết quả đo đạc diện tích căn hộ thực tế của đơn vị độc lập cho thấy hầu hết các căn hộ đều thiếu hụt diện tích trên 1% (vượt quá giới hạn cho phép trong hợp đồng). Tuy nhiên, chủ đầu tư liên tục trì hoãn việc công bố công khai với người dân, không đưa ra phương án xử lý đối với phần diện tích thiếu hụt. Toàn bộ các căn hộ chưa được cấp sổ đỏ sau hơn 2 năm sinh sống.
 
chung-cu-happy-star-giang-bien-5.jpgMột trong các hộ dân tại chung cư Happy Star (Giang Biên, quận Long Biên - Hà Nội) bị chủ đầu tư cắt điện, cắt nước. Ảnh H.H
 
Cư dân cho rằng, chất lượng công trình không đảm bảo, nhiều căn hộ bị nứt lớn, không có biện pháp khắc phục triệt để mặc dù cư dân nhiều lần yêu cầu.
 
Theo như hợp đồng thì các hộ dân đồng ý với phí dịch vụ là 5.000đồng/m2/tháng. Các hộ dân cho rằng, lúc ký hợp đồng, phí dịch vụ mà họ đồng ý là do họ thấy nó tương xứng với các tiện ích mà chủ đầu tư thông báo. Tuy nhiên, trên thực tế chất lượng công trình không như vậy (đặc biệt là vấn đề tường bị nứt), vì thế các hộ dân không đồng ý đóng phí này.
 
Người dân tại chung cư Happy Star cũng “tố” chủ đầu tư “quảng cáo gian dối” về những tiện ích không đúng sự thật để bán giá cao, như có Sky Garden với hơn 1.000m2 trên tầng thượng được bố trí là những không gian cafe, khu vui chơi cho trẻ em, vườn nướng BBQ; sân tennis, đài phun nước cổng chính, sân tập dưỡng sinh…. nhưng chủ đầu tư không thực hiện.
 
Mặc dù đã đủ điều kiện về số lượng cư dân sinh sống nhưng chủ đầu tư cố tình trì hoãn việc tổ chức hội nghị chung cư lần đầu để bầu ban quản trị tòa nhà và chuyển giao quỹ bảo trì 2% về ban quản trị, kéo dài mức thu phí dịch vụ vận hành tòa nhà một cách không hợp lý; không công khai quỹ bảo trì đã thu.
 
Mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và người dân trở nên căn thẳng khi người dân phản đối bằng cách không đóng phí dịch vụ. Còn chủ đầu tư tiến hành cắt điện, nước với một số hộ dân hơn 10 ngày liên tục vào cuối tháng 2/2019.
 
ong-nguyen-thanh-nam-giam-doc-cong-ty-tnhh-vintep-hn.jpgÔng Nguyễn Thanh Nam, Giám đốc Công ty TNHH Vintep Hà Nội - Chủ đầu tư dự án chung cư Happy Star. Ảnh H. Hòa
 
Có nên cứ mâu thuẫn, bất đồng là cắt điện, cắt nước?
Trao đổi với PV Báo Phụ nữ Việt Nam, Chủ đầu tư dự án chung cư Happy Star, ông Nguyễn Thanh Nam, Giám đốc Công ty TNHH Vintep Hà Nội, cho biết: Về việc chưa bàn giao sổ hồng căn hộ cho hộ dân nên các gia đình không đăng ký tạm trú tạm vắng được để cho con trẻ đi học, “Việc này chủ đầu tư đã cho ban quản lý tòa nhà đi làm đăng ký tạm trú, tạm vắng, hồ sơ cho các hộ dân. Cuối tháng 3, chủ đầu tư sẽ “bàn giao đợt đầu tiên là 20 sổ hồng cho các hộ”, ông Nam khẳng định.
 
Với ý kiến bức xúc của người dân về chất lượng công trình, ông Nguyễn Thanh Nam lý giải: Việc tường các căn hộ bị nứt, chủ đầu tư đang trong quá trình sửa lại cho các hộ dân. Do gạch nhẹ có độ co giãn nên tạo ra các khe hở, cần thời gian để xử lý. “Mấy năm trước Bộ Xây dựng đã yêu cầu đưa gạch nhẹ vào xây, nếu không đưa gạch đó vào xây thì sẽ bị phạt, nên chủ đầu tư phải theo”, ông Nam phân bua.
 
Về phí dịch vụ tại chung cư này, Giám đốc công ty Vintep Hà Nội cho biết: Việc thu phí dịch vụ tạm tính của các hộ dân dựa trên hợp đồng ký kết, năm đầu tiên tạm tính là 5.000 đồng/m2/tháng, sau đó thành lập ban quản trị sẽ tính lại. Theo ông Nam, mức phí này là “quá rẻ so với phí dịch vụ trong khu vực, thậm chí thu không đủ bù chi” và trong khung phạm vi quy định của thành phố cho phép (khung giá dịch vụ nhà chung cư có thang máy, tối thiểu là 1.200 đồng/m2 – tối đa là 16.500 đồng/m2/tháng).
 
Việc để người dân vào ở từ đầu năm 2017 khi chưa đủ điều kiện cho phép, ông Nguyễn Thanh Nam phân trần: “Đưa cư dân vào ở trước là lỗi sai của chủ đầu tư do vội vàng! Đây là việc đã qua. Cơ quan quản lý đã xử phạt rồi”.
 
Còn việc thành lập ban quản trị tòa nhà, chủ đầu tư tính công trình được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2018, “như vậy chưa hết thời hạn 12 tháng để thành lập ban quản trị như quy định, chủ đầu tư sẽ xúc tiến tổ chức hội nghị cư dân sớm”, ông Nam nói.
 
Còn những tiện ích đi kèm như Sky Garden trên tầng thượng được bố trí là những không gian cafe, khu vui chơi cho trẻ em, vườn nướng BBQ; cạnh đó là sân tennis, đài phun nước cổng chính, sân tập dưỡng sinh…. lại không có như quảng cáo khi bán hàng. Ông Nguyễn Thanh Nam cho biết: “Không có những hạng mục này trong thiết kế được phê duyệt và cấp phép của tòa nhà”. Những tiện ích đó là “do các đơn vị bán hàng quảng cáo, nói quá lên”(?!).
 
Khi được hỏi về việc có hợp tình, hợp lý khi giải quyết mâu thuẫn, bất đồng thì chủ đầu tư “cắt điện, cắt nước” – những nhu cầu tối thiểu cơ bản của người dân, để ép họ? Ông Nguyễn Thanh Nam phân trần: “Cực chẳng đã” chủ đầu tư mới phải cắt điện, cắt nước với những hộ dân cố tình không chấp hành, đóng phí dịch vụ trong thời gian dài.
 
Mặc dù trong hợp đồng mua bán 2 bên đã ký kết thì chủ đầu tư có quyền ngừng cung cấp, yêu cầu nhà cung cấp ngừng cung cấp điện, nước nếu chủ sở hữu căn hộ không thực hiện đầy đủ, đúng hạn chi phí vận hành. Đây là sự tự nguyện thỏa thuận trong hợp đồng đã được ký kết mà các gia đình mua căn hộ đã đặt bút ký.
 
Qua đây có thể thấy, “cắt điện, cắt nước” là “công cụ” nhiều chủ đầu tư sử dụng để giải quyết những bất đồng với cư dân, khiến mâu thuẫn càng trở nên căng thẳng, mà chưa chú trọng tới giải pháp tích cực hơn như sớm đối thoại, thỏa thuận để giải quyết, thay vì “siết nhu cầu dịch vụ sống tối thiểu” của cư dân.
 
Và người dân vẫn luôn đứng về thế yếu khi xảy ra tranh chấp. Chính vì thế, hễ bức xúc người dân chỉ còn biết xuống đường, “căn băng rôn” để phản đối chủ đầu tư… 
 
chung-cu-happy-star-giang-bien-3.jpgChung cư Happy Star

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm