Chung cư tại TPHCM bị nứt tường nghi do dư chấn động đất: Sở Xây dựng nói gì?

Đình Hưng
04/04/2025 - 09:37
Chung cư tại TPHCM bị nứt tường nghi do dư chấn động đất: Sở Xây dựng nói gì?

Khu vực hành lang chung cư Diamond Riverside (quận 8, TPHCM) bị bong tróc, phồng gạch sau dư chấn do động đất tại Myanmar. Ảnh: A.T

Theo Sở Xây dựng TPHCM, bước đầu đánh giá các vết nứt, bong tróc được ghi nhận tại các căn hộ chung cư Diamond Riverside (quận 8) có độ sâu và chiều dài khác nhau; đồng thời đã yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các biện pháp khắc phục kịp thời.

Liên quan đến việc hơn 300 căn hộ tại tại chung cư Diamond Riverside (quận 8, TPHCM) xuất hiện nhiều vết nứt, nền gạch bong tróc nghi do ảnh hưởng từ trận động đất tại Myanmar (ngày 28/3), Sở Xây dựng TPHCM cho biết đã tiếp nhận thông tin và phối hợp UBND quận 8 khảo sát thực tế chung cư Diamon Riverside vào ngày 31/3. 

Trong buổi khảo sát, sở đã trao đổi với ban quản trị chung cư, chủ đầu tư, chính quyền địa phương và các bên khác liên quan; đánh giá bước đầu, các vết nứt, bong tróc được ghi nhận có độ sâu và chiều dài khác nhau. Phát hiện các vết nứt trên tường (có chức năng bao che, ngăn chia không gian); chưa phát hiện nứt kết cấu (cột, dầm, sàn).

Theo Sở Xây dựng, ý kiến của đại diện chủ đầu tư cho hay, kết cấu công trình được thiết kế theo các tiêu chuẩn xây dựng, đảm bảo đủ điều kiện chịu lực; công trình đã được Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng kiểm tra, chấp thuận nghiệm thu.

Chung cư tại TPHCM bị nứt tường nghi do dư chấn động đất: Sở Xây dựng nói gì?- Ảnh 1.

Chung cư bị bong gạch lát nền nghi do ảnh hưởng bởi dư chấn động đất tại Myanmar ngày 28/3

Ban Quản trị chung cư sẽ phối hợp với chủ đầu tư và các bên liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn đối với các cấu kiện, hạng mục công trình có xảy ra hiện tượng nứt theo phản ánh của cư dân. Việc kiểm tra, đánh giá và xử lý để đảm bảo an toàn sẽ được thực hiện đúng quy trình bảo trì công trình theo định.

Sở Xây dựng TPHCM cho biết cũng sẽ yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các biện pháp khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho cư dân và sẽ tiếp tục cập nhật thông tin cho đến khi có kết luận chính thức và mong muốn người dân an tâm trong việc đảm bảo an toàn cho nơi ở của mình.

Cũng theo Sở Xây dựng TPHCM, ngoài trường hợp chung cư Diamon Riverside ở quận 8, đến nay, sở chưa nhận được phản ánh trường hợp khác xuất hiện những vấn đề tương tự. Đồng thời, đã yêu cầu các quận, huyện, TP. Thủ Đức tiến hành triển khai rà soát, thống kê các công trình tập trung đông người trên địa bàn có bị ảnh hưởng dư chấn từ trận động đất tại Myanmar.

Từ kết quả rà soát, sẽ yêu cầu các chủ sở hữu, đơn vị quản lý, ban quản trị các công trình thuê đơn vị có năng lực kiểm tra kết cấu chịu lực của công trình để phát hiện hư hỏng, đánh giá về việc đảm bảo an toàn chịu lực, đề xuất phương án khắc phục (nếu có).

Không sử dụng thang máy khi xảy ra động đất

Theo Sở Xây dựng TPHCM, việc xây dựng các tòa nhà cao tầng phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành của Việt Nam, trong đó có các quy định về an toàn chống động đất. Các quy chuẩn này nhằm đảm bảo sự an toàn cho người và tài sản trong trường hợp xảy ra động đất.

TS Nguyễn Tấn Tiên, giảng viên chuyên ngành cơ học và phân tích kết cấu, Điều phối viên chương trình kỹ thuật và quản lý xây dựng, trường Đại học Việt - Đức, cho biết, hiện nay, Việt Nam đang áp dụng các tiêu chuẩn động đất dựa trên các tiêu chuẩn cao của Châu Âu, tuy nhiên việc áp dụng các tiêu chuẩn này cho các công trình là một bài toán khó. 

Vấn đề ở chỗ chi phí xây dựng cho công trình có cấu tạo chống động đất và không chống động đất là rất khác nhau. Công trình có cấu tạo kháng chấn đòi hỏi chi phí xây dựng cao hơn trong khi xác xuất xảy ra động đất là khá thấp ở khu vực có địa chất ổn định như Việt Nam.

Chung cư tại TPHCM bị nứt tường nghi do dư chấn động đất: Sở Xây dựng nói gì?- Ảnh 2.

Người dân, nhân viên tại các tòa nhà cao tầng chạy xuống mặt đất khi xảy ra dư chấn động đất tại Myanmar ngày 28/3

Trường hợp, nhà bị ảnh hưởng bởi động đất mức độ nhẹ có thể quan sát bằng mắt thường như các vết nứt nhỏ trên tường, cửa bị lệch hoặc các vật dụng dịch chuyển nhẹ. Đây là những vấn đề nhỏ, không ảnh hưởng đến kết cấu công trình và có thể xử lý dễ dàng.

Những ảnh hưởng lớn hơn có thể thấy như cột bê tông bị nứt, sàn nhà bị võng, lún, khung kết cấu nhà bị cong vênh, tòan bộ nhà bị nghiêng có nguy cơ sụp đổ. Đây là những hư hại khó khắc phục và có thể ảnh hưởng đến chất lượng kết cấu và tính an toàn của tòa nhà. Trường hợp tòa nhà bị lún đều ở tất cả các phương thì có thể coi là an toàn, tuy nhiên nếu một hướng nào bị hư hỏng, lún xuống khiến kết cấu bị mất cân bằng sẽ mất an toàn và khó xử lý. Do đó, tùy vào mức độ nghiêm trọng và tùy vào vị trí mà có phương án khắc phục theo hướng xử lý đảm bảo an toàn hoặc xem xét có nên sử dụng tòa nhà không.

Theo ông Tiên, khi xảy ra động đất, những người sống ở tầng cao thường hoảng loạn và có xu hướng chạy xuống tầng trệt để thoát hiểm. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Do đó, người dân phải tuyệt đối giữ bình tĩnh, giữ nguyên vị trí và cố gắng tìm chỗ trú ẩn an toàn và đánh giá tình hình trước khi hành động.

"Nếu đang ở văn phòng làm việc, tránh xa khu vực có các cửa sổ, gương kính, đèn trần, tủ sách vì có thể rơi vỡ hoặc ngã. Hãy cố gắng bám vào nơi cố định, hạ thấp trọng tâm người và lấy tay hoặc vật cứng che đầu, cổ. Không sử dụng thang máy và hạn chế dùng cầu thang bộ. Đảm bảo rằng khi hết dư chấn, tòa bộ nhà không bị rò rỉ gas, chập điện, cháy nổ. Nếu có lệnh sơ tán, di chuyển đến nơi an toàn và tuân thủ theo chỉ dẫn", TS Nguyễn Tấn Tiên khuyến cáo. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm