Chứng khoán tuần 19-25/2: VN-Index hướng tới 1.250 điểm?

Minh Anh
19/02/2024 - 08:33
Chứng khoán tuần 19-25/2: VN-Index hướng tới 1.250 điểm?

Chứng khoán tuần 19-25/2: VN-Index tiếp tục đà tăng, cơ hội hướng tới 1.250 điểm. Ảnh minh họa

Hai phiên giao dịch đầu năm Giáp Thìn khởi sắc giúp VN-Index vượt 1.200 điểm. Chứng khoán bật tăng cùng với thanh khoản tốt đã tạo ra tâm lý phấn chấn cho các nhà đầu tư kỳ vọng vào mức điểm 1.250.

VN-Index trở lại mốc 1.200 điểm sau gần 5 tháng

Hai phiên giao dịch trên thị trường chứng khoán đầu năm Giáp Thìn khởi sắc, VN-Index vượt 1.200 điểm ngay phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, chốt tuần với 1.209,7 điểm.

Thanh khoản được cải thiện tốt, riêng sàn HOSE đạt hơn 17.500 tỷ đồng/phiên. Toàn thị trường đạt khoảng 20.000 tỷ đồng/phiên.

Làn sóng tích cực từ ngành ngân hàng dần được lan tỏa ra toàn ngành, nổi bật là dòng tiền vào nhóm cổ phiếu bất động sản.

Bộ đôi cổ phiếu họ Vingroup: VIC (Vingroup, HOSE) và VHM (Vinhomes, HOSE) cùng đóng góp mạnh tới thị trường. VIC đóng góp gần 1 điểm, đứng vị trí thứ 2, VHM đóng góp 0,5 điểm.

Nối tiếp là NVL (Novaland, HOSE) và KBC (Phát triển Đô thị Kinh Bắc, HOSE) cũng lần lượt tăng hơn 1,14% và 1,29% lần lượt đóng góp cho chỉ số tăng của VN-Index.

Chứng khoán tuần 19-25/2: VN-Index hướng tới 1.250 điểm?- Ảnh 1.

Sức nóng từ nhóm ngân hàng được lan tỏa ra thị trường: bất động sản, bán lẻ, tiêu dùng,... (Nguồn: SSI iBoard)

Bên cạnh nhóm bất động sản, VNM (Vinamilk, HOSE) gây bất ngờ khi đã có một phiên giao dịch bùng nổ cuối tuần qua. Cổ phiếu tăng 3,55%, thị giá đạt mức 70.000 đồng/cp, cao nhất trong 3 tháng qua. Khối lượng giao dịch tăng đột biến lên trên 11 triệu đơn vị, đây cũng là khối lượng giao dịch lớn thứ 2 trong lịch sử VNM, sau phiên kỷ lục ngày 23/6/2023.

Nhận định và khuyến nghị tuần này

Chứng khoán BSC đánh giá, VN-Index có thể hướng tới ngưỡng 1.250 điểm bởi ngoài đà tăng dẫn dắt thị trường từ các ngành như Bất động sản, Háo chất, Bảo hiểm, mức thanh khoản đang dần trở lại, tạo động lực thêm cho thị trường tăng điểm.

Chứng khoán MAS nhận định, mốc tâm lý 1.200 điểm đã chính thức được xác lập sau phiên 16/2. Theo phân tích, ngưỡng 1.215 - 1.225 điểm là vùng nhà đầu tư cần quan tâm trong ngắn hạn. Nhà đầu tư cần lưu ý, đây là vùng điểm VN-Index xác nhận bước vào xu hướng giảm điểm trong nhịp giảm từ hồi tháng 9 - 11.2023, chỉ số từ 1.250 điểm giảm về 1.020 điểm.

Dù vậy, khả năng VN-Index giảm điểm vẫn cần được lường trước. Chứng khoán Yuanta cho rằng, thị trường có thể đối mặt với nhịp điều chỉnh đầu tuần khi VN-Index giao dịch trong vùng kháng cự 1.200 - 1.210 điểm. Xu hướng ngắn hạn vẫn duy trì ở đà tăng, nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.

Chứng khoán VCBS khuyến nghị, nhà đầu tư nên giữ tâm lý thận trọng, hạn chế mua đuổi cổ phiếu ở vùng giá cao, nên có chiến lược giao dịch ngắn hạn, hiện thực hóa những cổ phiếu đã có nhịp tăng tốt và theo dõi các biến động rung lắc để có thể mua cổ phiếu ở vùng giá tốt hơn.

Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc nâng hạng thị trường chứng khoán trước ngày 30/6

Tại chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới, thời gian báo cáo kết quả thực hiện là trước ngày 30/6/2024.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 1/2, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính đã nêu ra các nhiệm vụ cần thực hiện tốt trong năm 2024 để đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán sớm nhất.

Bao gồm: Vấn đề về yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch; Cần có sự minh bạch và rõ ràng về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp; Minh bạch thông tin của các doanh nghiệp bằng song ngữ; Đưa hệ thống giao dịch chứng khoán mới vào vận hành và bảo đảm yêu cầu của giao dịch thanh toán lưu ký.

Hòa Phát được dự báo lãi hơn 11.000 tỷ đồng năm 2024

Cùng với xu hướng tích cực của thị trường đầu năm, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện mua ròng hơn 34,6 triệu đơn vị. Trong đó, "ông lớn" thép Hòa Phát (HPG, HOSE) chiếm phần lớn danh mục khối ngoại gom ròng từ đầu năm 2024 với 27,5 triệu đơn vị (khoảng 800 tỷ đồng).

Chứng khoán tuần 19-25/2: VN-Index hướng tới 1.250 điểm?- Ảnh 2.

HPG được khối ngoại gom ròng mạnh từ đầu năm 2024 (Nguồn: SSI iBoard)

Báo cáo phân tích của chứng khoán SSI cho biết, HPG được dự báo đang bước vào chu kỳ lợi nhuận mới với kỳ vọng phục hồi năm 2024, đặc biệt là thị trường trong nước. Lợi nhuận ròng HPG năm 2024 có thể đạt 11,2 nghìn tỷ đồng, tăng 64,5% so với năm 2023, nhờ sự phục hồi cả về sản lượng tiêu thụ và giá thép.

Nhà đầu tư được khuyến nghị, do giá cổ phiếu mới chỉ phản ánh một phần triển vọng lợi nhuận năm 2024, nhà đầu tư có thể chờ các nhịp điều chỉnh để mua vào cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn với việc giá thép đã chạm đáy và kỳ vọng sự đóng góp của dự án Dung Quất mở rộng từ năm 2025.

Hoàng Anh Gia Lai liên tục biến động sau loạt tín hiệu tích cực

Năm 2023, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG, HOSE) đã thiết lập nhiều kỳ lục kinh doanh kể từ khi lên sàn chứng khoán: Lợi nhuận 2023 đạt hơn 1.800 tỷ đồng, cao nhất trong 12 năm qua; xử lý được khoảng 20.000 tỷ đồng nợ vay tài chính, đưa cơ cấu tài sản về mức tương đối an toàn;...

Mới đây, HAG ghi nhận loạt biến động:

Bà Đoàn Hoàng Anh - con gái ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Hoàng Anh Gia Lai) đã bán ra 2 triệu cổ phần, giảm sở hữu xuống còn 9 triệu cổ phần, tỷ lệ sở hữu còn 0.97%.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc thông qua hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ của HAG. Theo đó, HAG đã chốt kế hoạch phát hành riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.300 tỷ đồng.

Hoàng Anh Gia Lai bất ngờ bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Thắng vào vị trí Tổng Giám đốc thay thế ông Võ Trường Sơn sau khi nhận đơn từ nhiệm từ ông Võ Trường Sơn. Được biết, tân Tổng Giám đốc, ông Nguyễn Xuân Thắng sinh năm 1977, cử nhân kinh tế ngành Tài chính doanh nghiệp và không sở hữu bất kỳ cổ phiếu HAG nào.

Lịch trả cổ tức tuần này

Theo thống kê, có 10 doanh nghiệp thông báo chốt quyền cổ tức trong tuần này. Trong đó, 8 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt, 1 doanh nghiệp thưởng cổ phiếu và 1 doanh nghiệp thực hiện quyền mua.

Tỷ lệ trả cổ tức cao nhất là 35%, thấp nhất là 5%.

CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB, HOSE) thực hiện quyền mua cổ phiếu với ngày chốt giao dịch không hưởng quyền là 19/2, tỷ lệ trả cổ tức 50%.

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGB, UPCoM) thưởng cổ phiếu với ngày chốt giao dịch không hưởng quyền là 22/2, tỷ lệ trả cổ tức 40%.

Lịch trả cổ tức bằng tiền mặt của các doanh nghiệp từ 19/2 - 25/2

* GDKHQ: Giao dịch không hưởng quyền - là ngày giao dịch mà người mua không được hưởng quyền có liên quan (quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền tham dự đại hội cổ đông...). Mục đích là để chốt danh sách cổ đông sở hữu cổ phiếu của công ty hiện tại.

Mã CKSànNgày GDKHQNgày THTỷ lệ
VHCHOSE19/229/220%
HMRHNX19/228/49,7%
USDUPCOM19/26/310,4%
DTVUPCOM20/219/415%
HTLHOSE20/28/320%
SVCHOSE21/229/25%
CCIHOSE21/28/413%
HGMHNX23/225/335%
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm