Chứng khoán tuần 24 - 28/2/2025: VN-Index tiến tới 1.300 điểm

Tuệ Anh
24/02/2025 - 09:30
Chứng khoán tuần 24 - 28/2/2025: VN-Index tiến tới 1.300 điểm

Ảnh minh họa

VN-Index tăng tuần thứ 5 liên tiếp; Cổ phiếu nữ đại gia Việt Kiều ra tòa án quốc tế; Thế giới Di động đặt mục tiêu giành thị phần Top 1 tại "đất khách"; Lịch trả cổ tức.

VN-Index tiến gần 1.300 điểm

Thị trường đánh dấu tuần tăng điểm thứ 5 từ vùng giá 1.220 điểm lên vùng áp sát 1.300 điểm.

VN-Index điều chỉnh nhẹ trong phiên đầu tuần, sau đó, tăng vượt vùng giá cao nhất 2 tháng qua, quanh 1.285 điểm nhờ nhóm cổ phiếu bất động sản.

Thanh khoản tăng tích cực trong phiên cuối tuần với khối lượng khớp lệnh lớn hơn mức trung bình 20 phiên, tăng 19,3%, đóng cửa với 1.296,6 điểm, cao nhất trong 4 tuần qua.

Chứng khoán tuần 24 - 28/2/2025: VN-Index tiến tới 1.300 điểm- Ảnh 1.

Nhóm Ngân hàng, Bất động sản dẫn dắt thị trường tăng mạnh, song, có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các cổ phiếu (Nguồn: SSI iBoard)

Sắc xanh chiếm ưu thế với 15/21 nhóm ngành tăng điểm, tập trung ở nhóm ngành vốn hóa lớn và có độ nhạy cao với thị trường, như: Ngân hàng, Chứng khoán, Xây dựng, Bất động sản,...

Còn tại khối ngoại, động thái bán ròng vẫn được duy trì với 192 tỷ đồng trên sàn HOSE vào phiên cuối tuần qua, tâm điểm thuộc về FPT (FPT, HOSE) với 148 tỷ đồng, KDH (Nhà Khang Điền, HOSE) và STB (Sacombank, HOSE) theo sau với trên 50 tỷ đồng. Trong đó, GVR được mua mạnh nhất với 38 tỷ đồng.

Theo nhiều ý kiến đánh giá, thị trường đang phản ánh kỳ vọng tích cực, nhà đầu tư nên giữ trạng thái nắm giữ danh mục và bắt đầu chốt lời từng phần khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự 1.307 – 1.327 điểm. Ngoài ra, có thể mở rộng thêm vị thế mua mới ở các mã bứt phá mạnh trong các phiên tới khi thị trường chung rung lắc.

Thế Giới Di Động muốn giành Top 1 thị phần điện máy tại Indonesia

CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG, HOSE) mới đây đã công bố mục tiêu sở hữu 150 cửa hàng điện máy EraBlue tại Indonesia trong năm 2025. Đây hiện đang là thị trường nước ngoài duy nhất mà doanh nghiệp đang đầu tư. Dự kiến doanh thu chuỗi này tăng trưởng 50% và mang về lợi nhuận trong năm nay.

Chứng khoán tuần 24 - 28/2/2025: VN-Index tiến tới 1.300 điểm- Ảnh 2.

Thế giới di động áp dụng chiến lược "lấy nông thôn vây thành thị" tại Indonesia (Ảnh: Internet)

Indonesia là thị trường tiềm năng với gần 300 triệu dân. Trong cuộc họp nhà đầu tư vào tháng 8/2024, Thế Giới Di Động bày tỏ sự tự tin chinh phục thị trường này nhờ nhu cầu lớn nhưng còn phân mảnh, trong khi chuỗi lớn nhất tại đây cũng chỉ có 60 cửa hàng. Ngoài ra, Indonesia có nét tương đồng với Việt Nam khi người dân chủ yếu di chuyển bằng xe máy, nhưng các cửa hàng điện máy lại nằm trong trung tâm thương mại.

Hơn nữa, MWG áp dụng chiến lược "lấy nông thôn vây thành thị", mở rộng ở vùng ven thay vì vào trung tâm, chiến lược đã từng được Viettel áp dụng thành công.

Theo đó, năm 2004, Viettel bước chân vào thị trường viễn thông trong bối cảnh Vinaphone và Mobifone đã chiếm 95% thị phần tại các đô thị lớn. Vì vậy, Viettel đã tập trung xây dựng hạ tầng ở nông thôn, vùng hải đảo, miền núi - những khu vực chưa được khai thác nhưng chiếm gần 80% dân số cả nước. Nhờ đó, Viettel dần trở thành nhà mạng lớn nhất Việt Nam.

Cổ phiếu nữ đại gia Việt kiều ra tòa án quốc tế

Mới đây, Tân Tạo (ITA) đã gửi văn bản lên Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) để giải trình về việc bị đình chỉ giao dịch, đồng thời thông báo khởi kiện vụ hủy niêm yết cổ phiếu ITA ra tòa án quốc tế.

Theo đó, Tân Tạo đang khởi kiện vụ cổ phiếu ITA bị hủy niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) ra tòa án quốc tế, yêu cầu các bên liên quan chịu trách nhiệm về toàn bộ thiệt hại của công ty và cổ đông theo phán quyết.

Tân Tạo cho rằng, các quyết định cảnh báo, hạn chế, đình chỉ giao dịch và hủy niêm yết cổ phiếu ITA của UBCKNN và HOSE, dù công ty đã giải trình về tình trạng bất khả kháng, đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, ngân hàng ngừng cấp tín dụng, nhà đầu tư dừng đàm phán mua bán, thuê đất đai và nhà xưởng, gây thiệt hại lớn cho công ty.

Trong văn bản này, công ty cũng đề cập việc UBCKNN đình chỉ tư cách của 4 kiểm toán viên từng ký báo cáo tài chính năm 2021, 2022 và bán niên 2023. Theo Tân Tạo, động thái này là bất thường, thiếu minh bạch và khiến các công ty kiểm toán khác không dám hợp tác với doanh nghiệp.

Được biết, chủ tịch Tân Tạo là bà Đặng Thị Hoàng Yến (tên khác Maya Dangelas) - người có quốc tịch Mỹ và đang sinh sống tại Mỹ, bà hiếm khi xuất hiện trước truyền thông.

Chứng khoán tuần 24 - 28/2/2025: VN-Index tiến tới 1.300 điểm- Ảnh 3.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến (Ảnh: Internet)

Trước khi nhận "cái kết" hủy niêm yết, ITA từng là một trong những cổ phiếu blue-chips và là công ty có giá trị vốn hóa lớn trên sàn chứng khoán Việt Nam. ITA bị hủy niêm yết do không công bố được các báo cáo tài chính kiểm toán trong giai đoạn 2023 - 2024. Khi chuyển sang UPCoM của HNX, ITA tiếp tục bị đình chỉ giao dịch do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.

Cổ phiếu ITA có phiên giao dịch cuối cùng vào ngày 25/9/2024, dừng ở mức 2.300 đồng/cp, với vốn hóa 2.158 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần 376 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 140 tỷ đồng, lần lượt giảm 34% và 46% so với cùng kỳ.

Trong giai đoạn 2009 - 2024, ITA chỉ thua lỗ duy nhất vào năm 2022 với khoản lỗ 258 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty không chia cổ tức cho cổ đông, dù bằng cổ phiếu hay tiền mặt. Lượng tiền mặt của doanh nghiệp cũng không đáng kể, chỉ còn 57 tỷ đồng.

Nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Tại Hội nghị chuyên đề và định hướng phát triển thị trường chứng khoán ngày 21/2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, các cơ quan quản lý đang nỗ lực cao nhất nhằm hoàn thiện các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Đồng thời, ông nhấn mạnh, năm 2024, Việt Nam đạt tăng trưởng GDP 7,09%, quy mô nền kinh tế 476 tỷ USD, và nợ công được kiểm soát chặt chẽ. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ biến động toàn cầu, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn duy trì thanh khoản tốt, tăng trưởng ổn định và minh bạch.

Hơn nữa, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu phát triển TTCK ổn định, an toàn, bền vũng và hội nhập quốc tế, kỳ vọng nâng hạng thị trường mới nổi trong năm 2025. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8%, Việt Nam cần huy động hơn 4 triệu tỷ đồng (160 tỷ USD) từ thị trường vốn.

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ tạo cú hích mạnh mẽ, giúp thu hút dòng vốn ngoại và củng cố vị thế của TTCK Việt Nam trên bản đồ tài chính toàn cầu.

Nhận định và khuyến nghị

Ông Phạm Duy Hiếu, chuyên viên tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset nhận định, VN-Index tiếp tục ghi nhận một tuần giao dịch sôi động, khép lại phiên thứ 6 tại 1.296,75 điểm, chỉ còn cách ngưỡng 1.300 điểm một bước chân; thanh khoản thị trường đã có sự cải thiện mạnh mẽ, vượt qua mức trung bình 20 ngày, những điều này cho thấy sự gia tăng niềm tin từ các nhà đầu tư (NĐT).

Chứng khoán tuần 24 - 28/2/2025: VN-Index tiến tới 1.300 điểm- Ảnh 4.

Thị trường tăng tích cực, NĐT cần tránh mua đuổi giá cao, ưu tiên giải ngân từng phần

Tuy nhiên, sự phân hóa giữa các nhóm ngành ngày càng rõ nét. Đặc biệt, nhóm Ngân hàng tiếp tục dẫn dắt đà tăng. Mặc dù khối ngoại tiếp tục bán ròng và chưa có dấu hiệu suy giảm, nhưng nhóm cổ phiếu này vẫn tỏ ra hấp dẫn với triển vọng tích cực trong trung hạn.

Về tình hình vĩ mô, Chính phủ đã khẳng định quyết tâm sử dụng mọi nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, việc bơm tiền vào nền kinh tế là điều khó tránh khỏi, đồng nghĩa với việc áp lực lạm phát có thể gia tăng.

Vì vậy, 3 yếu tố cần chú ý trong giai đoạn này là tỷ giá, lạm phát và tăng trưởng GDP. Nếu tỷ giá ổn định, GDP duy trì đà tăng trưởng mạnh và lạm phát được kiểm soát, thị trường chứng khoán sẽ có cơ hội phát triển ổn định. Tuy nhiên, nếu lạm phát không được kiềm chế tốt, chứng khoán có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Trong giai đoạn này, NĐT cần tránh mua đuổi ở vùng giá cao. Thay vào đó, nên ưu tiên giải ngân từng phần khi thị trường có nhịp điều chỉnh, nhóm ngành chú ý sẽ là ngân hàng: CTG (VietinBank, HOSE), TCB (Techcombank, HOSE), STB (Sacombank, HOSE).

Theo dõi sát sao dòng tiền, thanh khoản và hoạt động giao dịch của khối ngoại để có thể điều chỉnh danh mục linh hoạt. Khi thị trường xác nhận xu hướng bứt phá, việc giữ vững cổ phiếu thuộc nhóm ngành tiềm năng sẽ giúp tối ưu hóa lợi nhuận và hạn chế rủi ro.

Chứng khoán Asean cho rằng, VN-Index đã phá vỡ vùng kháng cự 1.275 điểm trong tuần qua với thanh khoản tăng mạnh, động lực phục hồi chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu dẫn dắt như Ngân hàng, Chứng khoán và Bất động sản.

Nhìn chung, VN-Index có khả năng tiếp tục xu hướng phục hồi, tuy nhiên, ngưỡng kháng cự 1.300 điểm vẫn là vùng cần lưu ý. NĐT có thể cân nhắc giải ngân từng phần với các cổ phiếu lớn có nền tảng cơ bản và triển vọng kinh doanh tích cực.

Chứng khoán Phú Hưng đánh giá, dù thị trường đang hồi phục tích cực trở lại nhưng rủi ro về sự phân hóa và có thể xuất hiện hiện tượng "xanh vỏ, đỏ lòng" vẫn tiềm ẩn. Do vậy, NĐT chưa vội hưng phấn, thị trường cần sự đồng thuận tốt hơn để vượt cản, nên theo dõi thêm phản ứng khi tiếp cận ngưỡng tâm lý 1.300 điểm, chiến lược chung tiếp tục nắm giữ.

Lịch trả cổ tức tuần này

Theo thống kê, có 7 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức tuần 24-28/2, trong đó, 6 doanh nghiệp trả bằng tiền mặt và 1 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu.

Tỷ lệ cao nhất là 16%, thấp nhất là 3%.

1 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu:

Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB, HOSE), ngày giao dịch không hưởng quyền là 26/2, tỷ lệ 11%, tương ứng với 100 cổ phiếu sẽ được thêm 11 cổ phiếu mới.

Lịch trả cổ tức bằng tiền

*Ngày GDKHQ: là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng vẫn hưởng quyền tham dự đại hội cổ đông.

SànNgày GDKHQNgày THTỷ lệ
CCIHOSE25/29/416%
REEHOSE27/24/410%
PSDHNX27/228/310%
BDBHNX27/227/65%
BSTHNX28/217/310%
HTCHNX28/220/33%
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm