Chung tay cùng tiêm chủng để bảo vệ cộng đồng

15/06/2018 - 12:44
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,7 triệu trẻ em ra đời và hơn 95% trẻ trong số này được tiêm vaccine miễn phí phòng 10 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của tiêm vaccine nên chần chừ đưa trẻ đi tiêm chủng, có thể khiến trẻ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm chết người.

Sáng 15/6, tại Đắk Lắk, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng quốc gia năm 2018. Tuần lễ tiêm chủng là sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới về bảo vệ cuộc sống bằng vaccine phòng bệnh thông qua tiêm chủng. Tuần lễ tiêm chủng năm nay có chủ đề “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng”.

Hoạt động trên nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của tiêm chủng, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch nhằm đảm bảo mỗi trẻ em đều được tiếp cận kịp thời với tiêm chủng phòng bệnh; khẳng định tiêm vaccine phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh và nâng cao sức khỏe cho công đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tại Việt Nam, Chương trình Tiêm chủng mở rộng được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985. Hơn 30 năm qua, hàng trăm triệu liều vaccine đã được tiêm chủng miễn phí cho trẻ em và phụ nữ. Với việc đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao trên 95%, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và bảo vệ thành công kết quả này từ đó đến nay. Đồng thời nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván... cũng được hạn chế và từng bước loại trừ.

a12_2078-2.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kêu gọi chung tay cùng tiêm chủng để bảo vệ cộng đồng

Bên cạnh đó, với thành công trong chiến dịch tiêm vaccine sởi và rubella cho 20 triệu trẻ em từ 1-14 tuổi, Việt Nam đã tiếp tục khống chế không để bùng phát căn bệnh nguy hiểm này. Cho dù năm 2018 một số quốc gia trong khu vực bùng phát dịch sởi.

Theo TS Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, hầu hết vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam được sản xuất trong nước. Điều này giúp Việt Nam chủ động triển khai các hoạt động tiêm chủng đáp ứng phòng chống dịch.

GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, tuy đã đạt được nhiều thành quả nhưng công tác tiêm chủng hiện gặp không ít khó khăn như nhận thức của người dân về lợi ích của tiêm chủng còn hạn chế, nhiều ông bố bà mẹ chưa đưa con đi tiêm chủng đúng lịch...

Ví như tại Đắk Lắk, theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, hàng năm ngành y tế tỉnh tiến hành tiêm chủng thường xuyên các loại vaccine phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, viêm gan B cho khoảng hơn 30.000 trẻ em dưới 1 tuổi; tiêm vaccine phòng bệnh uốn ván cho khoảng 30 ngàn phụ nữ có thai, phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ... Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn nhiều vùng lõm trong tiêm chủng vì địa hình và nhận thức của người dân về lợi ích của tiêm vaccine còn hạn chế.

img_9224.JPG
Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ em tại Trạm Y tế phường Tân An, TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk

Vì thế, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, cần chung tay cùng tiêm chủng để bảo vệ cộng đồng. Các bậc cha mẹ hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch vì sức khỏe của con em mình; hãy coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn trách nhiệm đối với cộng đồng.

Ngoài ra, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng của nước ta đạt tỷ lệ trên 95% trên phạm vi toàn quốc, song vẫn còn tình trạng trẻ không được tiêm chủng đầy đủ, tiêm chủng muộn. Vì vậy, theo Thứ trưởng Long, trong năm 2018, các địa phương cần chỉ đạo giải quyết dứt điểm những “vùng lõm” về tiêm chủng, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt tỷ lệ trên 95% trên quy mô xã.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị chính quyền các cấp, ban ngành, đoàn thể cần quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa, đặc biệt đảm bảo đủ kinh phí để triển khai công tác tiêm chủng tiêm chủng mở rộng, kinh phí cho công tác phòng chống dịch những bệnh có vaccine như sởi, bạch hầu, dại...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm