Chung tay xóa nghèo trên Cao nguyên trắng (Kỳ 1): Cả hệ thống chính trị vào cuộc

27/08/2019 - 13:06
Nhắc đến Mộc Châu (Sơn La), nhiều người thường nghĩ, đời sống người dân trên cao nguyên này khá no đủ nhưng thực tế, cuộc sống của người dân 15 xã, thị trấn của huyện còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Trước tình hình đó, các cấp chính quyền, đảng viên trong huyện đã chung tay giúp nhiều người dân nơi đây đẩy lùi đói nghèo.
cao-nguyen-moc-chau-2.jpg
Mộc Châu còn được nhiều người gọi là Cao nguyên trắng, bởi cứ độ xuân về, nơi đây lại bạt ngàn hoa mận

Mộc Châu còn được nhiều người gọi là Cao nguyên trắng, bởi cứ vào dịp cuối năm hay đầu xuân, cao nguyên này lại bạt ngàn hoa cải, hoa mơ và hoa mận. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Hà Trung Chiến, Bí thư Huyện ủy Mộc Châu nói, nhiều người đi qua trung tâm huyện vùng cao này hoặc thăm trung tâm Thị trấn Nông trường Mộc Châu, sẽ nghĩ Mộc Châu khá no đủ. Điều này chỉ đúng một phần, vì không nhiều người dân ở Thị trấn Mộc Châu và Thị trấn Nông trường Mộc Châu có đời sống khấm khá nhờ buôn bán, chăn nuôi bò sữa, kinh doanh dịch vụ du lịch và trồng chè… Nhiều người dân ở các bản xa của 2 thị trấn trên và 13 xã còn lại đời sống còn khá khó khăn, vì ở vùng sâu, xa, giáp biên và làm nông nghiệp.

Mộc Châu có tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp và du lịch rất lớn. Huyện Mộc Châu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia năm 2014, quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2030. Tuy nhiên, Mộc Châu vẫn còn nhiều hộ nghèo.

Câu chuyện của ông Chiến đưa chúng tôi về những tháng ngày cách đây mấy năm, khi mà ông cùng Ban Thường vụ Huyện ủy Mộc Châu trăn trở tìm cách giúp người dân thoát nghèo. “Đất đai Mộc Châu màu mỡ, khí hậu đa dạng phù hợp với nhiều cây trồng, vật nuôi, nhưng vì sao tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao là bài toán đặt ra cần phải giải quyết tận gốc. Vì thế từ cuối năm 2016, Đảng bộ, chính quyền huyện đã vào cuộc quyết liệt để giúp người dân thoát nghèo”, ông Chiến chia sẻ.

ong-ha-trung-chien.JPG
Ông Hà Trung Chiến, Bí thư Huyện ủy Mộc Châu cho biết, từ cuối năm 2016, Đảng bộ, chính quyền huyện đã vào cuộc quyết liệt để giúp người dân thoát nghèo

Để có “kim chỉ nam” cho các hoạt động giảm nghèo, Ban Thường vụ Huyện ủy Mộc Châu đã ban hành Kết luận số 321 ngày 6/6/2016 về tăng cường lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững trên địa bàn, giai đoạn 2016 – 2020; ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo huyện do Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban.

“Sau khi rà soát vào cuối năm 2016, toàn huyện Mộc Châu vẫn còn gần 4.000 hộ nghèo. Chúng tôi đã chỉ đạo các phòng, ban, chính quyền xã đến từng hộ để tìm hiểu nguyên nhân nghèo của từng gia đình và phân loại thành 6 nhóm nghèo, bao gồm: Nghèo do không có đất sản xuất; không biết làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình để có thể thế chấp vay vốn phát triển sản xuất; nhóm có đất và sức lao động nhưng không biết cách phát triển kinh tế từ quỹ đất; nhóm có sức lao động nhưng không có công ăn việc làm; nhóm nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế nhưng không biết cách tiếp cận ngân hàng; có nhu cầu vay vốn, nhưng chưa biết cách tiếp cận với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng”, ông Chiến cho biết thêm.

Giao trách nhiệm cho từng đoàn thể

Sau khi xác định lí do cụ thể dẫn đến nghèo đói của người dân, Huyện ủy Mộc Châu chỉ đạo Đảng ủy các xã, thị trấn ban hành quyết định phân công các ban, ngành, đoàn thể: Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc cấp xã và cấp bản, tiểu khu hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo theo phương châm cần gì giúp đấy. Có nghĩa là, nếu hộ dân đó nghèo do không có đất sản xuất thì hỗ trợ đất sản xuất; không biết cách vay vốn thì hướng dẫn các thủ tục vay và kết nối với ngân hàng; không có bìa đỏ thì lên danh sách, Huyện ủy giao ngành tài nguyên - môi trường, xã bố trí và giúp đỡ làm bìa đỏ đất ở và đất nông nghiệp để người dân có thể thế chấp ngân hàng vay vốn phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập và dần thoát nghèo.

1.JPG
Cán bộ xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu (phải), chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế để tăng thu nhập cho người dân trong xã

Ông Dương Anh Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sơn (Mộc Châu) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, xã đã ra soát toàn bộ hộ nghèo trên địa bàn. Chiềng Sơn có trên 2.200 hộ dân, năm 2017, xã có gần 150 hộ nghèo. Sau khi rà soát, lãnh đạo xã đã giao cho từng đoàn thể phụ trách giúp đỡ một số hộ nghèo nhất định. Đến đầu năm 2018, số hộ nghèo của xã giảm còn 102 và hiện xã còn 88 hộ nghèo. Các hộ này đang được tiếp tục giúp đỡ để thoát nghèo.

Theo ông Nguyễn Quốc Hòa, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Mộc Châu, đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo của huyện, đến nay, toàn huyện đã hỗ trợ 50 hộ nghèo mượn gần 25 ha đất cộng đồng để sản xuất; kết nối với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 1.215 hộ nghèo vay 52.263 tỷ đồng vốn phát triển sản xuất. 56 hộ nghèo đã được hướng dẫn lập hồ sơ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển quyền sử dụng đất với diện tích 35.157m2.

img_2160.JPG
Nhờ được hỗ trợ từ chính quyền, hộ gia đình bà Lê Thị Thanh, ở xã Chiềng Sơn đã có thêm thu nhập, cải thiện đời sống nhờ trồng chanh leo

“Từ năm 2016 đến 2018, huyện có trên 1.900 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,68% năm 2015 xuống 6,98% năm 2018. Năm 2019, Mộc Châu đặt mục tiêu giúp gần 500 hộ thoát được nghèo. Đến hết năm 2020, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%, đúng như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mộc Châu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 đưa ra”, ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết.

Cũng theo ông Hòa, từ 2016 đến nay, toàn huyện Mộc Châu đã làm được 480km đường giao thông nông thôn. Giao thông thuận lợi giúp người dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Nếu năm 2015 toàn huyện có 2.500 ha cây ăn quả thì đến tháng 6/2019, Mộc Châu đã có trên 7.000ha cây ăn quả, rất nhiều mô hình trồng cây ăn quả của các hộ trước kia nghèo nay đã thoát nghèo.

“Để giúp đỡ người nghèo không có việc làm, 3 năm gần đây, huyện đã tổ chức 17 hội nghị tư vấn xuất khẩu lao động cho hơn 2.000 lượt người, đã hỗ trợ gần 1.000 lượt người đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tổ chức cho 1.156 hộ nghèo đi học tập các mô hình phát triển kinh tế”.

Ông Nguyễn Quốc Hòa, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Mộc Châu.

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm