Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, một nữ sinh viên 19 tuổi của Học viện Ngân hàng, trọ tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa) vừa tử vong do sốt xuất huyết (SXH).
Trước đó, nữ bệnh nhân được đưa vào BV Bệnh Nhiệt đới TƯ điều trị. Tại đây, bệnh nhân được xác định dương tính với virus Dengue type 1. Dù được cấp cứu, nhưng bệnh nhân đã tử vong.
Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 23.000 ca mắc SXH, trong đó có 9 ca tử vong. Riêng tại Hà Nội, đã có trên 700 trường hợp mắc SXH (gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, quận Đống Đa là nơi có số ca mắc SXH cao nhất với 165 ca.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Dengue gây ra, với 4 tuyp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 tuyp gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch.
Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành. Bệnh lưu hành rất phổ biến tại các tỉnh, thành trong cả nước, xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa.
Khi bị SXH, người bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; nổi mẩn, phát ban. Trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân sẽ xuất hiện chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi cầu phân đen. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cho biết, SXH hiện chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Để phòng bệnh SXH cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Hằng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.