Tôi là người không giỏi tính toán, ít nhất là trong cái khoản “chọn chồng”. Bởi thế, tôi đã lấy một anh không những nghèo mà còn rất trẻ nữa. Cưới nhau về tôi mới phát hiện ra chồng có cái tính “vô tư như sống giữa núi rừng”. Ban ngày để xe ngoài đường không cần khóa cổ. Buổi tối đi ngủ không cần đóng cửa nhà. Mái dột không cần sửa, tìm đường dẫn nước chảy ra sân là đủ. Có cái giường cũ, mọt ăn cót két, bao nhiêu lần vợ lên tiếng nhờ dọn bỏ vẫn cứ còn đó, giờ con mọt ăn sang bàn học, chén nốt cả cái cửa phòng...
Cô thấy "nản" vì lấy phải người chồng vô tư tới mức vô tâm. Ảnh minh họa |
Nhiều lúc tôi tức đến phát khùng nhưng nói mãi chồng chẳng chuyển nên đành lặng lẽ đi sau dọn hậu quả. Thôi thì cũng chỉ là chạy ra khóa thêm cái khóa cổ, kiểm tra lại cái khóa nhà, chẳng lẽ lại vì mấy con mọt mà sứt mẻ tình cảm vợ chồng, nghĩ cũng không đáng. Nhưng khổ nỗi, chồng tôi nào có biết là tôi đang cố gắng. Thấy vợ im im, hắn lại ngỡ mình hoàn hảo rồi. Hắn càng ngày càng lười, càng hời hợt, vô trách nhiệm. Tôi đã định bụng mấy lần là sẽ bảo hắn, nhưng khổ nỗi hắn còn trẻ quá, nhạy cảm và cứ hay buồn.
Sáng nay hắn trở dậy đi làm, được chừng khoảng 2 tiếng đồng hồ thì gọi điện về cho vợ. Nghe giọng hắn là lạ “Buồn quá em à!”. Tôi giật thột “Vì sao buồn?”. ”Hôm nọ mất 3 thùng sơn, hôm nay mất thêm 4 thùng nữa”. Sau khi trình bày vấn đề, hắn bắt đầu đổ lỗi. Nào thì, tại sếp vì thợ làm xong sếp không cho trả sơn ngay mà còn giữ lại công trường. Nào thì, tại ông bảo vệ vô trách nhiệm không coi tối chỉ coi ngày. Tại đội thợ nào tham lam đi lấy trộm...
Tôi không đủ kiên nhẫn, hỏi dồn dập: “Thế sếp anh hay là anh quản lý ở công trường? Thế anh gửi bảo vệ có giao hẹn giấy tờ gì không? Thế lúc mất 3 thùng trước anh xử lý thế nào mà để giờ mất tiếp 4 thùng nữa?”. Cả bằng ấy câu hỏi chồng tôi đều không giải thích được. Thế là tội đúng là tội của chồng mình rồi. Tôi mới hỏi hắn câu cuối cùng: “Tổng cộng đền hết bao nhiêu tiền thế?”. “Hai mươi mốt triệu?”. Tôi la lên oai oái: “Anh có để cho em sống mà nuôi con nữa không?”.
Nhiều lúc cô phát khùng nhưng chồng cũng chẳng thay đổi. Ảnh minh họa |
Sau khi cúp điện thoại cái rầm, tôi bắt đầu khóc. Mãi đến khi sưng húp cả mắt, không còn sức nấc, tôi mới lên mạng tìm người trút. May quá, gặp ngay cô em làm cùng, tôi bảo với nó:“Chắc chị chẳng sống được với lão chồng chị nữa đâu mày ạ”. Rồi tôi kể cho nó nghe đầu đuôi câu chuyện và nỗi tuyệt vọng của mình. Mới đầu nghe xong nó cũng hốt hoảng la lên “21 triệu, chị có đùa em không đấy?”. Nhưng sau một lúc bình tĩnh, nó nói: “Em nghĩ, trong gần 2 năm quen chị, anh ấy cũng thay đổi nhiều. Muốn tốt hơn cũng cần thời gian và cả bài học nữa. 21 triệu thì 21 triệu. Để anh ấy tự chịu trách nhiệm”.
Chỉ mấy lời thôi mà làm cho tôi tỉnh ra mấy phần. Đúng là lúc nghe chồng thông báo, tôi lập tức nghĩ đến chuyện chính mình sẽ khắc phục hậu quả, xem đào đâu ra tiền để giúp chồng bù vào số sơn đã mất đó? Tôi hốt hoảng, thậm chí còn không hỏi chồng xem anh ấy định sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào. Tôi nhận ra mình và lối “suy nghĩ hộ” của mình chính là một trong những yếu tố tiếp tay, khiến cho chồng ỷ lại.
Nếu trước đây tôi kiên trì nhắc nhở và đấu tranh với chồng trong mỗi việc nhỏ thì ngày hôm nay có thể anh đã không để xảy ra sự việc đáng tiếc như thế này. Nhưng sẽ chẳng giải quyết được gì nếu tôi cứ khóc lóc và làm cho mọi thứ trở nên căng thẳng. Lần này, nhất định tôi sẽ không cả nể, tuyệt đối không nhúng tay mà để lão chồng tự giải quyết và tìm thấy cách trưởng thành trong vấn đề của chính mình.