Chương trình mới giảm tải kiến thức cho người học

20/01/2018 - 18:29
Giảm tải kiến thức khó, nội dung đánh đố lắt léo, trải rộng thời gian học (tiểu học), tổ chức lại nội dung dạy học… là những cách thức giảm tải kiến thức, theo tinh thần của dự thảo chương trình môn học mới vừa được Bộ GD&ĐT công bố.

Tăng thời gian học cũng là cách giảm tải?

Thông tin với báo chí, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới - GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay, 20 chương trình môn học mới được xây dựng trên cơ sở hướng đến hình thành phẩm chất, năng lực người học. Ở mọi môn học, ban soạn thảo đều phải xác định được năng lực chuyên môn của môn học, phân giải năng lực đó, từ đó xác định nội dung cần dạy.

Một trong những mục tiêu tiệm cận với những năng lực mới của học sinh là giảm tải những kiến thức học hàn lâm, nặng nề không cần thiết, tăng thời gian thực hành trải nghiệm cho học sinh. Theo GS Thuyết, có rất nhiều cách để đạt được mục tiêu giảm tải.

Học sinh sẽ được giảm tải đáng kể việc học kiến thức nặng nề, đánh đố theo chương trình mới. Ảnh minh họa: D.H

“Đầu tiên là sẽ cắt giảm các nội dung kiến thức không cần thiết. Ví dụ, ở môn Toán, chương trình mới sẽ không còn những bài toán lắt léo đánh đố học sinh, lược bỏ những kiến thức không thiết thực như tứ giác nội tiếp, số phức...” – ông nói.

Việc tổ chức lại nội dung dạy học cũng là một cách để giúp thầy trò giảm tải. Ví dụ đối với môn Lịch sử, chương trình mới sẽ có cách tổ chức khác nhau ở các cấp học. Bậc tiểu học sẽ được học Lịch sử qua các câu chuyện lịch sử (ký ức sử), cấp THCS sẽ được học thông sử và cấp THPT sẽ học theo chủ đề.

Dạy học tích hợp cũng là một trong những cách giảm tải, trong đó bậc THCS thay vì phải học các môn riêng biệt thì sẽ chỉ còn một môn duy nhất là Khoa học tự nhiên.

Hoặc giảm tải theo phương pháp đào tạo, nghĩa là dạy học gắn với thực hành, vận động để bớt việc học lý thuyết khô cứng.

Đặc biệt, cấp tiểu học vẫn giữ nguyên 2 buổi học/ngày nhưng khối lượng kiến thức sẽ được giảm đi. Việc nới rộng thời gian học trong một lượng kiến thức không đổi, thậm chí ít đi đã gián tiếp thực hiện khâu giảm tải chương trình học.

Tháng 4 có thể chính thức ban hành môn học mới

Bộ GD&ĐT sau khi công bố dự thảo 20 chương trình môn học mới sẽ có 2 tháng để lấy ý kiến rộng rãi dư luận. Việc tiếp thu và điều chỉnh được thực hiện ngay trong quá trình lấy ý kiến.

Sau 2 tháng, ban soạn thảo sẽ tổng hợp lại các đóng góp, báo cáo Bộ những ý kiến có thể tiếp thu cũng như giải trình những ý kiến không tiếp thu. Mỗi môn học đều có hội đồng thẩm định riêng, sau khi hội đồng thẩm định quốc gia thông qua, chương trình sẽ được ban hành chính thức.

“Chúng tôi hy vọng có thể ban hành chính thức chương trình môn học vào tháng 4. Sau khi có chương trình môn học, ban chỉ đạo chương trình còn rất nhiều việc phải làm như biên soạn tài liệu và tổ chức tập huấn cho người viết sách giáo khoa, người thẩm định sách giáo khoa, cán bộ quản lý, giáo viên” – ông nói.

Theo kế hoạch, chương trình phổ thông mới sẽ được áp dụng tuần tự trong từng cấp học, áp dụng cho các lớp đầu cấp: Từ năm học 2019-2020 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2020-2021 với cấp THCS và từ năm học 2021-2022 đối với cấp THPT.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm