Trước băn khoăn không nhỏ về đội ngũ giáo viên đáp ứng một loạt các thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới - lực lượng mang tính “sống còn” của đổi mới giáo dục - đại diện Bộ GD&ĐT đã thông tin sâu về quá trìn chuẩn bị đào tạo giáo viên để bắt đầu giảng dạy từ 2020 - 2021 với lớp 1 (theo lộ trình) và tiếp tục các năm sau đó.
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT, ví von cách tập huấn giáo viên xưa nay theo lối truyền thống là “F1, F2, F3”, nghĩa là đại diện giáo viên đi tập huấn, sau đó về truyền lại kiến thức cho các giáo viên đại trà theo từng cấp. Điều này dẫn đến việc nội dung được học, được đào tạo thường bị “tam sao thất bản”, gây tốn kém mà không hiệu quả.
Đây cũng là bài toán đặt ra với chương trình phổ thông mới. Theo đó, việc đào tạo giáo viên kiểu này sẽ chấm dứt.
“Chúng tôi tiến hành bồi dưỡng tập trong cho đội ngũ giáo viên cốt cán ở trung ương được chọn lọc theo chuẩn nghề nghiệp và các tiêu chí cần thiết, các bài dạy được cung cấp trực tiếp theo dạng số hóa. Cùng với đó sẽ là bồi dưỡng đại trà, cuốn chiếu ở địa phương thông qua quản lý trên mạng internet”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, ưu việt của cách đào tạo này chính là đột ngũ giáo viên cốt cán sẽ thay vì cầm tay chỉ việc, sẽ trực tiếp trao đổi, thảo luận, tháo gỡ và kết nối với giáo viên ở cấp địa phương.
Giáo viên chủ yếu tự học qua mạng internet với các gói bài giảng trên mạng chứ không còn đào tạo theo kiểu F1, F2, F3. Với đồng bào khó khăn, lực lượng cốt cán sẽ được tính kỹ hơn, hỗ trợ trực tiếp nhiều hơn với đội ngũ cốt cán thuộc vùng khó khăn, cùng với đó là mạng internet nên các thầy cô có thể kết nối bất cứ lúc nào, bất cứ đâu.
“Mô hình trường học kết nối thi trước nay giáo viên đã được làm quen rồi và cho thấy hiệu quả tốt. Việc sử dụng mạng internet để tự bồi dưỡng và được hỗ trợ đã được làm 5 năm nay thậm chí trước đó. Cùng với sự hoàn thiện khả năng tương tác qua mạng, chúng tôi chắc chắn giáo viên đủ cơ sở và nền tảng để đáp ứng yêu cầu hỗ trợ kịp thời khi có nhu cầu”, ông Minh cho hay.
Cũng theo ông Minh, "từ năm 2020 mới bắt đầu áp dụng chương trình lớp 1 nên Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch chọn lọc giáo viên kinh nghiệm nhất để có thể dạy được lớp cuốn chiếu ban đầu, phải là giáo viên tốt nhất cho các khối”.
Liên quan đến việc sắp xếp giáo viên tránh tình trạng thừa thiếu cục bộ, ông Minh cho biết, Bộ GD&ĐT đã rà soát quy hoạch lại hệ thống sư phạm để việc đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng, rà soát với Bộ Nội vụ để bổ sung kịp thời giáo viên đang thiếu. “Nguồn cung giáo viên không thiếu, trường sư phạm cũng đã xây dựng mã ngành đào tạo mới theo khung chương trình mới nên không lo việc thiếu giáo viên có chuyên môn”, ông Minh khẳng định.