pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy lùi cây chứa chất ma túy ở Sơn La
Mô hình trồng chè mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Vân Hồ, Sơn La.
Huyện Mộc Châu là một trong những điểm nóng về ma túy và nguy cơ tái trồng cây có chứa chất ma túy rất cao. Triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ các hộ dân tại địa bàn khó khăn, có nguy cơ cao về tái trồng cây có chứa chất ma túy, UBND huyện đã thực hiện hỗ trợ các tổ chức, các nhân sản xuất nông nghiệp, trong đó dự kiến hỗ trợ 700 triệu đồng để thực hiện 10 mô hình nông nghiệp tại 10 bản biên giới của xã Lóng Sập, Chiềng Khừa, Chiềng Sơn - địa bàn tiềm ẩn nguy cơ cao về tái trồng cây có chứa chất ma túy.
UBND huyện Mộc Châu cũng đã chủ động đầu tư, lồng ghép các chương trình, dự án như: Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sử dụng kinh phí nguồn sự nghiệp kinh tế huyện cho việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi và xây dựng các mô hình sản xuất, đầu tư cây giống, phù hợp với điều kiện từng địa phương vừa đem lại hiệu quả về kinh tế.
Tương tự là huyện Vân Hồ, trong năm 2023, UBND tỉnh, UBND huyện đã phân bổ kinh phí với tổng số tiền là 51.248 triệu đồng cho Chương trình MTQG xây dựng NTM 653 triệu, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 6.423 triệu đồng, Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và MN 43.164 triệu đồng…
Thực hiện hỗ trợ phân bón hữu cơ thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ bằng nguồn quản lý, sử dụng đất trồng lúa năm 2023, với tổng diện tích 52,2 ha tại xã: Quang Minh, Mường Tè. Triển khai chuỗi măng tre Bát độ tại xã: Chiềng Xuân, Xuân Nha, Tân Xuân, quy mô 350 ha, dự kiến 557 hộ tham gia.
Triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm Mít liên kết theo chuỗi giá trị (quy mô liên xã) tại xã: Chiềng Xuân, Suối Bàng, Quang Minh, Mường Tè với 214 hộ, quy mô 102,33 ha; dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà liên kết theo chuỗi giá trị đang hoàn thiện hồ sơ trình các phòng, UBND huyện xem xét quyết định.
Tại huyện Mai Sơn, chính quyền địa phương cũng nghiên cứu, đề xuất triển khai các hoạt động sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân vùng sâu, vùng xa và sản xuất bền vững trên đất dốc tại những điểm, vùng có nguy cao tái trồng cây thuốc phiện như Chiềng Nơi, Phiêng Cằm, Phiêng Pằn,...
Với hàng loạt mô hình sản xuất phù hợp đã góp phần đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi cộng đồng khu dân cư. Những điểm nóng về trồng và tái trồng cây chứa chất ma túy đã không còn, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.