pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10: Cơ hội mới cho phụ nữ trong phát triển sản xuất, kinh doanh
Hội viên, phụ nữ ứng dụng công nghệ số để tham gia các hoạt động Hội và phát triển kinh tế
Trên mạng xã hội, Chảo Thị Yến (xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) là một cái tên được nhiều người biết đến. Từ bản làng xa xôi, vượt qua nhiều khó khăn và định kiến, cô đã thử sức trong lĩnh vực kinh doanh với homestay du lịch cộng đồng, bảo tồn văn hóa và tạo giá trị kinh tế.
Nhờ mạng xã hội, Chảo Thị Yến trở thành một "người nổi tiếng" và sản xuất nhưng video kể lại nhiều câu chuyện thú vị của cộng đồng người Dao Tuyển về ẩm thực, trang phục, phong tục tập quán, cuộc sống hàng ngày của miền sơn cước… để quảng bá những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Thời gian gần đây, cô còn tận dụng những lợi thế của mạng xã hội để quảng bá nông sản của quê hương.
Chảo Thị Yến chia sẻ: "Xuất thân là dân nghiên cứu, học thạc sĩ chuyên ngành quản lý tài nguyên rừng bền vững nên những kiến thức về công nghệ số hay bán hàng online với mình gần như là số 0. Kênh của mình xây dựng với mục đích truyền cảm hứng nhưng khi bản thân mình chưa thực sự thành công và có những thành quả thiết thực giúp cộng đồng thì mãi mãi chỉ là "cảm hứng" trên giấy mà thôi. Vì thế, mình quyết định phải làm giàu, kiếm được tiền và tạo được sinh kế cho cộng đồng thì mới có chỗ đứng nhất định. Khi có chỗ đứng thì tiếng nói của mình mới có trọng lượng hơn".
Nhận thấy tiềm tiềm năng bán hàng trên nền tảng mạng xã hội, Chảo Thị Yến đã có hướng dẫn cho các nhóm nông dân, phụ nữ dân tộc thiểu số để họ bước đầu tiếp cận với nền tảng bán hàng số. Từ những việc nhỏ, nhờ biết các tận dụng công nghệ số, cô gái dân tộc Dao đã mang về lợi nhuận kinh tế và tạo sinh kế cho cộng đồng tại địa phương.
Là Phó Giám đốc hợp tác xã HTX thịt chua Thanh Sơn, sản xuất và cung ứng thịt chua - một loại đặc sản của người dân tộc Mường tại huyện miền núi Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, chị Hà Thị Ngọc Điệp cho biết: "Nhờ ứng dụng công nghệ số để bán hàng trên website và trên sàn thương mại điện tử, kênh Youtube, Instagram, Tiktok, Fanpage…, hợp tác xã đã tận dụng được cơ hội để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, kênh tiêu thụ phù hợp. Dù trong những giai đoạn khó khăn nhất là thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp vẫn ổn định việc bán hàng. Chị còn sử dụng mạng xã hội để đưa thịt chua Thanh Sơn đến tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài nước".
Hai câu chuyện trên là minh chứng rõ nét cho thấy trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, chuyển đổi số vừa là yêu cầu tất yếu, vừa là cơ hội để các nữ doanh nhân, phụ nữ khởi nghiệp tiến nhanh, tiến xa hơn trong sản xuất, kinh doanh, giữ vững và khẳng định vị thế của mình trong tình hình mới.
Chuyển đổi số không chỉ mang đến cơ hội cho chị em tiếp cận với các mô hình kinh doanh mới, thị trường mới và cơ hội việc làm mới mà còn tạo điều kiện cho chị em tham gia vào các nền tảng giao dịch thương mại, tiếp cận khách hàng, quản lý hoạt động một cách hiệu quả hơn.
Đặc biệt, với các chị em phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo, nhờ có công nghệ số, các sản phẩm của hội viên, phụ nữ được đi xa hơn. Những sản phẩm vùng miền do chính chị em làm ra không chỉ còn được phục vụ địa phương mà đã có mặt trên cả nước. Từ đó, giá trị của sản phẩm được nâng cao, kinh tế gia đình cải thiện. Đây cũng là cách thức giúp nhiều hội viên khởi nghiệp thành công.
Hỗ trợ hội viên, phụ nữ nắm bắt các cơ hội từ chuyển đổi số
Nắm rõ được cơ hội của chuyển đổi số, chiến lược phát triển Hội LHPN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã xác định: Phát triển bền vững tổ chức Hội bao hàm sự phát triển, đổi mới sáng tạo, lấy việc ứng dụng công nghệ làm cơ sở, điều kiện, tiền đề để Hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động.
Tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Hội LHPN Việt Nam đã xác định: "Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội" là khâu đột phá quan trọng nhằm giúp hội viên, phụ nữ và tổ chức Hội tận dụng được cơ hội của chuyển đổi số, và tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, Hội LHPN Việt Nam cũng xác định: Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong kinh tế số là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong lĩnh vực kinh tế.
Bà Phạm Thị Hương Giang - Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (Trung ương Hội LHPN Việt Nam) cho biết: Thời gian qua, các cấp Hội đã tổ chức nhiều chương trình đa dạng hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh do nữ làm chủ nâng cao năng lực; hỗ trợ tiếp cận tín dụng, thị trường, thông tin, công nghệ, tác động chính sách; tổ chức nhiều hoạt động liên kết, hợp tác, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh như quản trị kinh doanh; kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, thông qua phối hợp với Bưu điện Việt Nam, sàn thương mại điện tử Postmart, Tiki, Shopee…
Để hỗ trợ phát triển tư duy và nâng cao kỹ năng thời kinh tế số cho hội viên, phụ nữ, nhiều chương trình tập huấn, hỗ trợ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi tư duy thời kinh tế số đã được thực hiện tại các địa phương. Các cấp Hội tập trung hỗ trợ phụ nữ tiếp cận kinh tế số gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, bán hàng trên nền tảng công nghệ số, kết nối, xúc tiến thương mại điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm do phụ nữ làm ra, cung ứng trong và ngoài địa phương.
"Thông qua các khóa tập huấn, hội viên, phụ nữ chúng tôi có thêm kiến thức, kỹ năng trong việc vận dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động, góp phần cải thiện thu nhập, chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững", chị Hoàng Thị Hà (tỉnh Lào Cai) chia sẻ.
Quyết định số 505/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Chuyển đổi số quốc gia đã quyết định ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số Quốc gia. Chủ đề của Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2023 là "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị".
Các hoạt động được tổ chức trong Ngày Chuyển đổi số quốc gia và tháng 10 hướng tới mục tiêu đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ, thực hiện có hiệu quả chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở tất cả các cấp và toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.