Chuyển đổi số trong hoạt động Hội: Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Minh Châu
31/10/2024 - 14:19
Chuyển đổi số trong hoạt động Hội: Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Bà Nông Thị Kim Tuyến (thứ 2 bìa phải) giới thiệu các sản phẩm OCOP của huyện Tương Dương trong "Ngày phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2024"

Đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, Hội LHPN huyện Tương Dương (Nghệ An) đã nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội, vượt qua trở ngại về địa lý ở một huyện vùng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Xóa nhòa khoảng cách địa lý

Bản Cà Moong cách UBND xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An) khoảng 30km. Tuy nhiên, để đến được bản người Khơ Mú sinh sống này, phải mất nhiều tiếng đồng hồ. Thực tế, có một con đường bộ vắt qua đỉnh núi dựng đứng nối bản Cà Moong với trung tâm xã Lượng Minh. Thế nhưng, do địa hình phức tạp, đường bị sạt lở, xuống cấp, nhiều năm không được tu sửa nên từ lâu người dân đã không còn đi trên con đường này và Cà Moong như một ốc đảo.

Muốn ra bên ngoài, người dân phải đi 3 chặng đường. Chặng thứ nhất từ bản xuống hồ thủy điện Bản Vẽ, sau đó đi thuyền mất khoảng 30 phút, chặng cuối cùng là từ bến Thượng Lưu (hồ thủy điện Bản Vẽ) đi xe máy ra UBND xã hay trung tâm huyện Tương Dương. Điều tương tự cũng xảy ra với bản Xốp Cháo. Vì giao thông cách trở nên người dân tại những bản này đi lại vô cùng khó khăn.

Chị Lô Thị Chi,  Chủ tịch Hội LHPN xã Lượng Minh chia sẻ: Trước đây chưa có sóng điện thoại, mỗi lần họp hành rất vất vả khi phải gửi giấy mời cho trưởng bản hoặc Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ qua những người dân khi họ có việc ra bên ngoài. Thường giấy mời phải gửi đi trước mấy ngày.

"Hiện nay sóng điện thoại và điện lưới quốc gia đã phủ khắp 10/10 bản trên địa bàn xã Lượng Minh. Khoảng cách về địa lý với những bản xa xôi như Bản Đửa, Minh Tiến, Minh Thành, Chẳm Puông hay Xốp Cháo đã như được xóa nhòa. Bây giờ khi Hội LHPN xã tổ chức họp hay có chỉ đạo từ cấp trên, chúng tôi chỉ cần thông tin vào nhóm Zalo, Facebook chung, các Chi hội trưởng lập tức nắm được và triển khai đầy đủ, kịp thời", chị Lô Thị Chi nói.

Chuyển đổi số trong hoạt động Hội: Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm- Ảnh 1.

Con đường đến bản Cà Moong đầy gian nan vất vả. Nhờ CNTT mới xóa nhòa khoảng cách về địa lý

Bà Nông Thị Kim Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tương Dương cho biết: Tương Dương là huyện miền núi, vùng cao phía Tây Nghệ An, có tổng chiều dài đường biên giới với nước bạn Lào là 67,069 km. Toàn huyện có 17 xã, thị trấn và 146 bản, làng, khối, có 6 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống (Thái, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu, Tày Pọong, Kinh). Xã xa nhất là Nhôn Mai, cách trung tâm huyện Tương Dương 150km.

Hội LHPN huyện Tương Dương hiện có 18 tổ chức cơ sở Hội phụ nữ thuộc 17 Hội LHPN các xã, thị trấn và 1 Hội phụ nữ Công an huyện, có 146 Chi hội phụ nữ. Hiện tại tổng số hội viên là 14.353; tỉ lệ tập hợp hội viên của Hội cơ sở có 14/17 đơn vị đạt tỉ lệ tập hợp trên 60%.

Với địa bàn huyện rộng, số cơ sở Hội đông, để thực hiện tốt Chủ đề năm 2024 "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động Hội", cơ quan chuyên trách Hội LHPN huyện Tương Dương đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề về "Giải pháp ứng dụng CNTT trong hoạt động Hội" gắn với thực hiện khâu đột phá "Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động Hội".

Hội đã tập trung hướng dẫn, hỗ trợ Hội phụ nữ cơ sở trong việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, điều hành và tổ chức các hoạt động như: Cập nhật, quản lý phần mềm hội viên; tận dụng tối đa ưu thế của mạng xã hội trong tổ chức các hoạt động, như sử dụng các trang mạng xã hội để tuyên truyền, sử dụng công nghệ trong sinh hoạt Hội. Đến nay đã có 15/17 xã, thị trấn được trang bị máy vi tính, máy in phục vụ hoạt động Hội; 100% cơ sở Hội tham gia cuộc thi "Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt Hội" và đã lựa chọn 1 sản phẩm dự thi cấp tỉnh.

Chuyển đổi số trong hoạt động Hội: Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm- Ảnh 2.

Bà Tuyến (thứ 2 bìa trái) cùng cán bộ Hội LHPN huyện Tương Dương thăm hỏi, tặng quà cho hội viên bị thiệt hại do bão, lũ

Cán bộ trong cơ quan Hội sử dụng thành thạo chữ ký số; các UV Ban Thường vụ, Ban chấp hành sử dụng thành thạo các hệ thống phần mềm Office trong việc cập nhật, xử lý các văn bản đi - đến, v.v… điều này đã giúp xử lý công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm được thời gian và hạn chế kinh phí trong việc in ấn tài liệu, tránh được việc thất lạc văn bản, công văn gửi đi.

Hiện tại 100% cán bộ Hội chuyên trách cấp huyện và cấp xã được tập huấn, hướng dẫn sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác Hội và sử dụng phần mềm quản lí hội viên. Các cấp Hội lập trang Zalo, Fabook, Fanpage nhằm trao đổi thông tin, lan tỏa,… kịp thời nắm bắt thông tin dư luận xã hội.

Các cấp Hội từ huyện đến cơ sở đã chủ động, tham mưu xây dựng được nhiều tin, bài hay và chất lượng phát sóng tuyên truyền về hoạt động của tổ chức Hội được đăng trên bản tin Phụ nữ Nghệ An. Có nhiều bài đăng trên cổng thông tin và bản tin nội bộ của huyện.

Cụ thể, Hội LHPN huyện Tương Dương đã có 25 bài được đăng trên cổng thông tin và bản tin nội bộ của huyện, Hội cơ sở có 1.563 bài đăng trên các trang Facebook của Hội cấp huyện và Hội cơ sở. Công tác quản lý, hướng dẫn cán bộ Hội và tổ trưởng tổ vay vốn ứng dụng App thông tin quản lý tín dụng chính sách của NHCSXH trong hoạt động ủy thác được dễ dàng, hiệu quả.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Bà Nông Thị Tuyến nói rằng, thành quả của việc triển khai ứng dụng CNTT đối với các cấp Hội trên địa bàn huyện Tương Dương chính là việc nắm bắt thông tin kịp thời, từ đó có thể đưa ra định hướng, chỉ đạo công tác hiệu quả hơn.

Chuyển đổi số trong hoạt động Hội: Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm- Ảnh 3.

Các Chi hội trưởng và cán bộ Hội LHPN huyện Tương Dương có thành tích xuất sắc được Hội LHPN tỉnh Nghệ An biểu dương

"CNTT giúp Hội tiếp cận và truyền tải thông tin đến hội viên, phụ nữ một cách nhanh chóng, hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các hoạt động của Hội. CNTT cũng giúp hội viên, phụ nữ dễ dàng kết nối, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy sự chủ động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh", bà Tuyến chia sẻ.

Cũng theo bà Tuyến, tại huyện Tương Dương số hội viên phụ nữ đi làm ăn xa có hơn 2.727 người nên việc triển khai kết nối CNTT trong sinh hoạt giúp cho nhiều hội viên, phụ nữ dễ dàng kết nối, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Thông qua các buổi sinh hoạt phát trực tiếp, chị em dễ dàng tiếp cận, kịp thời nắm được thông tin tại địa phương. 

"CNTT giúp phụ nữ tiếp cận thông tin về thị trường, nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, từ đó có thể khởi nghiệp và phát triển kinh tế hiệu quả hơn. Hội LHPN huyện đã gửi 2 ý tưởng khởi nghiệp tham gia Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" năm 2024 (Rượu Nếp cẩm; Ớt hiểm muối; Thịt chua ống nứa Hà Phương; Gạo Nếp cẩm Nga My)", nữ Chủ tịch Hội LHPN huyện Tương Dương cho biết thêm.

Chuyển đổi số trong hoạt động Hội: Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm- Ảnh 4.

Hội LHPN huyện Tương Dương là một trong những huyện hội thực hiện thành công Chương trình “Mẹ đỡ đầu”.

Tuy nhiên theo bà Tuyến, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động Hội tại Tương Dương vẫn còn một số hạn chế như: Việc tuyên truyền, biểu dương các điển hình là cá nhân, tập thể lên trang mạng xã hội để nhiều người biết và học hỏi chưa nhiều. Một số cán bộ Hội, HVPN chưa thành thạo sử dụng trang Fanpage, Zalo, Facebook; vẫn còn một số cán bộ, hội viên, phụ nữ chưa có sử dụng điện thoại thông minh nên không tiếp cận được thông tin.

Mặt khác, nhiều cơ sở còn thiếu trang thiết bị CNTT cần thiết như máy in, máy chiếu, máy tính có nhưng cấu hình thấp,... dẫn đến việc ứng dụng CNTT còn hạn chế. Hệ thống mạng và internet tại một số Hội chưa ổn định, tốc độ truy cập chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin…

Để đáp ứng hơn nữa yêu cầu chuyển đổi số, bà Tuyến cho biết, mỗi hội viên, phụ nữ trên địa bàn vẫn không ngừng nỗ lực, tự trau dồi, trang bị kiến thức, kỹ năng về công nghệ, ứng dụng công nghệ trên mọi lĩnh vực của đời sống nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm