Chuyện Đức Phúc phẫu thuật thẩm mỹ: Tốt gỗ hay tốt nước sơn?

05/08/2017 - 13:50
Chưa từng có nhân vật nào trong showbiz gây chấn động cho công chúng sau phẫu thuật thẩm mỹ như Đức Phúc. Một lần nữa, câu chuyện về tốt gỗ hay tốt nước sơn ở thời đại nghe nhìn lại được luận bàn rôm rả.
3.jpgĐức Phúc xuất hiện với ngoại hình mới vào ngày 31/7

Đức Phúc đang là hiện tượng mạng xã hội trong những ngày qua. Có hẳn một ứng dụng “gương mặt bạn sẽ thay đổi như thế nào khi phẫu thuật thẩm mỹ” lan truyền trên Facebook để ăn theo hiện tượng này. So với thời điểm đăng quang ngôi vị Quán quân Giọng hát Việt 2015, Đức Phúc rõ ràng đã nổi tiếng gấp bội phần. Chỉ nhờ vào một cuộc lột xác ngoạn mục sau dao kéo.

Đức Phúc là học trò của Mỹ Tâm trong chương trình Giọng hát Việt 2015. Anh đăng quang ngôi vị Quán quân trong tranh cãi. Nhưng không phải tranh cãi về tài năng mà về… nhan sắc. Cộng đồng mạng đã mang bức ảnh Đức Phúc khóc khi đăng quang ra chế giễu với những lời lẽ xúc phạm thậm tệ. Nam ca sĩ cũng thường xuyên nhận được những miệt thị trên mạng xã hội vì ngoại hình trời sinh của mình. Đến mức khi ra sản phẩm âm nhạc đầu tay, anh còn không dám in ảnh chân dung trên bìa đĩa hay poster quảng bá. Đàm Vĩnh Hưng đã chia sẻ một cách thực lòng với “đàn em” rằng: “Nếu khán giả thay đổi gu nghe nhạc, chỉ nghe thôi đừng nhìn, Đức Phúc mới có cơ hội tỏa sáng".

Hai năm sau đăng quang, Đức Phúc đã ý thức nỗ lực thay đổi diện mạo, từ việc giảm 15kg, chăm chỉ tập gym để có vóc dáng đẹp đến làm răng và đầu tư cho phong cách thời trang…, song hình ảnh của Quán quân Giọng hát Việt chẳng cải thiện là bao trong mắt cộng đồng mạng. Họ vẫn vô tư chế giễu một gương mặt không đẹp theo tiêu chuẩn từ những “ù pa” Hàn Quốc. “Nhiều khi Phúc tự hỏi tại sao lại phải chịu những tổn thương về tinh thần như vậy?”, câu hỏi đó chính là lý do khiến Đức Phúc quyết tâm can thiệp thẩm mỹ bất chấp những hệ quả xấu có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật.

Đức Phúc đã lột xác thành “trai đẹp”. Anh hài lòng. Cùng với giọng hát mượt mà là của hiếm trong dòng nhạc thị trường, Đức Phúc hẳn sẽ thành công. Cộng đồng mạng thì như phát sốt với Đức Phúc. Dĩ nhiên, họ phản ứng tích cực. Những phản ứng đó đã bộc lộ sâu sắc sự cai trị của chủ nghĩa hình thức trong thời đại nghe nhìn.

0.jpg
Đức Phúc trước khi phẫu thuật thẩm mỹ

Không thể tránh ai trong số những cư dân mạng đã “lên đồng” vì cái sự xấu trai của Đức Phúc và tiếp tục “lên đồng” với ngoại hình “trai đẹp” của Đức Phúc. Bởi họ chỉ là nạn nhân của truyền thông về cái đẹp. Các trang bìa tạp chí từ Đông sang Tây với những cô gái được nhào nặn cho hoàn hảo từng centimet bằng phần mềm chỉnh sửa ảnh. Những nghệ sĩ thần tượng Hàn Quốc trăm người đều “đẹp hơn hoa” với mặt V-line, mũi S-line, mày ngài mắt 2 mí. Những ngôi sao showbiz đã đủ xinh đẹp rồi vẫn chỉnh sửa để trở nên hoàn hảo “không góc chết”, hoặc gọt hàm, hoặc gọt môi, hoặc nhấn mí, hoặc cắt bỏ bọng mắt, hoặc nâng mũi, hoặc nâng ngực, hoặc nâng mông… Từ bao giờ, vẻ đẹp công nghiệp trở thành chuẩn mực của cái Đẹp trên truyền thông.

Song sự lên ngôi của chủ nghĩa hình thức không phải là không có lý do. Con người vốn luôn tham vọng, bao gồm cả tham vọng về sự hoàn hảo. Chẳng thế mà trong mọi câu chuyện cổ tích, nhân vật chính luôn là trai xinh gái đẹp. Nếu không phải là sinh ra đã có nhan sắc đệ nhất thế gian như Bạch Tuyết, thì nhất định sẽ có cây đũa thần nào đó biến cô gái Lọ Lem thành trang tuyệt sắc mỹ nhân, hay chí ít cũng phải có đám xương cá bống biến cô Tấm quê mùa trở nên lộng lẫy. Con người từ thủa hồng hoang đã ưa chuộng hình thức. Tấm và Cám giết nhau từ kiếp này qua kiếp khác cũng chỉ bắt đầu từ việc tranh nhau một cái yếm đỏ làm duyên.

Nhưng trước đây, hình thức là thứ mà người ta tin rằng do tạo hóa sắp đặt và không thể thay đổi, chỉ có nội dung là can thiệp được để trở nên tốt đẹp hơn và người ta buộc phải đầu tư cho nội dung nếu muốn tiệm cận sự hoàn hảo. Còn ngày nay, người ta không phải bó tay ngồi chờ phép màu của bà tiên mà tự tạo ra đũa thần. Công nghê thẩm mỹ chính là đũa thần để chạm vào đâu thì thứ đó sẽ trở nên “đẹp từng centimet”. Người ta dễ dàng đạt được tham vọng của mình về cái Đẹp hình thức thì cớ gì phải vất vả chật vật với việc thay đổi nội dung?

Thế thì, tốt gỗ hơn hay tốt nước sơn hơn? Câu trả lời là nên tốt cả hai. Gỗ tốt và nước sơn xấu thì phí gỗ, bán chẳng ai mua. Thà rằng gỗ xấu mà nước sơn tốt còn bán được giá. Thời đại của thức ăn nhanh, tiện dụng thì cái Đẹp cũng phải nhanh và tiện dụng. Cứ ngồi chờ sửa tâm để mong một ngày kia cái tướng mình thay đổi đẹp đẽ theo thì chờ đến bao giờ.

Song, con người ta lựa chọn cái gì thì cũng phải chấp nhận hệ lụy của cái đó. Giống như thức ăn nhanh thì ít dinh dưỡng, lắm hóa chất độc hại, Đẹp nhanh chả có lẽ lại khác?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm