Chuyện ghi ở bãi giữa sông Hồng: “Chung cư 3 tầng” - nơi an nghỉ của những “thiên thần nhỏ”

Nguyễn Văn Duẩn
07/09/2023 - 08:18
Chuyện ghi ở bãi giữa sông Hồng: “Chung cư 3 tầng” - nơi an nghỉ của những “thiên thần nhỏ”

Bà Trần Thị Hải, người trông coi miếu dưới bãi giữa sông Hồng

Một buổi chiều muộn cách đây 2 năm, người dân sinh sống tại bãi giữa sông Hồng thấy một người đàn ông trung tuổi mặc áo Grab một tay xách theo một túi nilon màu đen, tay còn lại cầm một túi đồ lỉnh kỉnh nào là bim bim, đồ chơi, vàng mã... vội vã đi vào bãi rác nằm dưới chân cầu Long Biên… Tại vị trí đó, ít lâu sau, người dân phát hiện thi thể của 9 hài nhi.

Nơi an nghỉ của 9 hài nhi

Men theo cây cầu Long Biên có một con dốc nhỏ dẫn xuống nơi được nhiều người dân ví như một "ốc đảo" giữa lòng Hà Nội. Ẩn nấp dưới những cánh đồng cây cối tươi tốt là nơi cư ngụ của hơn 30 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu. Xóm nhỏ ấy có cái tên mong manh, trôi nổi như phận đời của những con người đang sinh sống ở đây - xóm Phao.

Nơi đây cũng là điểm dừng của rất nhiều người đã mất, trôi dạt về và hình thành nên những nấm mộ vô danh, không người thân đến nhận. Nằm trên những bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm, những nấm mộ được người dân nơi đây góp tiền chôn cất, hương khói quanh năm.

Trong số những nấm mộ nằm lạnh lẽo dưới chân cầu Long Biên, chỉ có duy nhất một ngôi mộ được xây dựng theo kết cấu 3 bậc. Dù nằm thu mình dưới chân một cột đỡ của cây cầu nhưng ngôi mộ này lại khiến nhiều người chú ý khi có nước sơn nổi bật với nhiều màu sắc sặc sỡ. Ngôi mộ này được người dân xóm Phao gọi bằng cái tên mỹ miều là "chung cư 3 tầng". Đây cũng là nơi an nghỉ của 9 hài nhi.

Chuyện ghi ở bãi giữa sông Hồng: “Chung cư 3 tầng” – nơi an nghỉ của những “thiên thần nhỏ” - Ảnh 1.

Dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội) có nhiều ngôi mộ vô danh

Bà Lê Ngọc Anh (54 tuổi, chủ quán nước dưới chân cầu Long Biên) gợi mở câu chuyện về "chung cư 3 tầng" bằng một chất giọng buồn buồn pha nỗi xót xa. Bà bảo rằng cách đây chừng vài năm, tình trạng chôn trộm thai nhi dưới chân cầu Long Biên vẫn thường xảy ra.

Chỉ tay về phía "chung cư 3 tầng", bà Ngọc Anh cho biết 9 hài nhi đang an nghỉ bên dưới cũng bị chôn trộm và được người dân phát hiện cách đây chừng 2 năm. Bán nước dưới chân cây cầu Long Biên được gần 10 năm và trước tình trạng chôn trộm thai nhi nên bà Ngọc Anh thường hay để ý những người lạ mặt xuống bãi giữa sông Hồng.

Bà Ngọc Anh còn nhớ, vào một buổi chiều muộn cách đây khoảng 2 năm, bà để ý thấy có 1 người đàn ông trung tuổi mặc áo Grab một tay xách theo một túi nilon màu đen, tay còn lại cầm một túi đồ lỉnh kỉnh nào là bim bim, đồ chơi, vàng mã... vội vã đi vào bãi rác nằm dưới chân cầu Long Biên…

Chuyện ghi ở bãi giữa sông Hồng: “Chung cư 3 tầng” – nơi an nghỉ của những “thiên thần nhỏ” - Ảnh 2.

Bà Lê Ngọc Anh chia sẻ với PV về ngôi mộ là nơi an nghỉ của 9 hài nhi

"Tò mò, tôi có hỏi thì người đàn ông này bảo rằng có 1 người nhờ ông ta chôn hộ con chó của gia đình mới chết. Tôi thấy rất lạ bởi chôn chó gì mà phải mang theo cả vàng mã, bim bim và đồ chơi nhưng rồi do có khách nên tôi cũng không hỏi thêm nữa", bà Ngọc Anh chia sẻ.

Người đàn ông di chuyển vào bãi rác nằm dưới chân cầu Long Biên và ở đó một lúc rồi trở ra sau đó đi ngược lên cầu. Ít lâu sau, trong quá trình dọn dẹp, bà Ngọc Anh cùng 4 người khác tá hỏa khi phát hiện tại vị trí bãi rác là một túi nilon có chứa 9 hài nhi.

"Các bé đều đã thành hình. Ngoài thi thể, chúng tôi còn phát hiện 9 bảng nhựa có ghi tên nghi là tên của các bé. Phát hiện sự việc, chúng tôi đã báo cáo lên chính quyền địa phương và đắp lại một nấm mồ khác cho các cháu", bà Ngọc Anh nhớ lại.

Chuyện ghi ở bãi giữa sông Hồng: “Chung cư 3 tầng” – nơi an nghỉ của những “thiên thần nhỏ” - Ảnh 3.

“Chung cư 3 tầng” - nơi an nghỉ của 9 những “thiên thần nhỏ”

Cứ mỗi khi có khách đến uống nước, bà Ngọc Anh lại kể câu chuyện về 9 hài nhi ấy. Xót thương cho số phận của những "thiên thần nhỏ", những người khách lại gửi tiền nhờ bà Ngọc Anh hương khói, quà bánh cho các cháu. Gần 1 năm sau, "chung cư 3 tầng" được xây dựng bằng những "tấm lòng thơm thảo" của người dân và trở thành ngôi nhà mới của 9 hài nhi.

"Ban đầu, chúng tôi định xây dựng 9 tầng (mỗi cháu bé 1 tầng) nhưng sau đó rút xuống còn 3 tầng. Do các cháu còn nhỏ nên bên ngoài ngôi mộ chúng tôi sơn nhiều màu sắc để phù hợp với độ tuổi của các cháu. Hiện tại, có 8 ngôi mộ nằm rải rác ở bãi giữa sông Hồng. Cứ đến mùng 1 và ngày rằm hàng tháng, những người dân như chúng tôi đều mua hương hoa đến thắp như để an ủi những vong hồn người xấu số", bà Ngọc Anh tâm sự.

Nửa đêm gọi cửa nhờ chôn cất hộ con gái

Là người trông coi miếu dưới bãi giữa sông Hồng, bà Trần Thị Hải (43 tuổi) từng tận mắt chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng tại đây. Sinh sống ở nơi đây được vài năm nên những người dân xóm Phao hay những người tham gia Câu lạc bộ bơi sông Hồng bà Hải đều nhớ hết.

Bà Hải kể, vào mùng 1 và ngày rằm hàng tháng, đặc biệt là những ngày tháng 7 âm lịch, có nhiều người lạ mặt tìm đến nhang khói cho những ngôi mộ ở bãi giữa sông Hồng. Thậm chí, có nhiều người vừa khấn vái, vừa khóc thút thít. Hành động của những người này khiến bà Hải đặt ra trong đầu nhiều câu hỏi nghi vấn.

Trông coi ngôi miếu Hai Cô ở bãi giữa sông Hồng nên bà Hải từng chứng kiến có nhiều người nửa đêm mang theo thi thể người thân xuống miếu để nhờ bà cùng người thủ từ chôn cất hộ. "Đa số họ đều trình bày có hoàn cảnh khó khăn, không thể đưa thi thể người thân đã khuất về quê chôn cất nên nhờ chúng tôi mai táng hộ. Những trường hợp này chúng tôi đều từ chối vì pháp luật không cho phép", bà Hải chia sẻ.

Chuyện ghi ở bãi giữa sông Hồng: “Chung cư 3 tầng” – nơi an nghỉ của những “thiên thần nhỏ” - Ảnh 4.

Ngôi mộ của bé Đỏ nằm dưới chân cầu Long Biên

Cũng theo người phụ nữ, nhiều trường hợp khi nhờ an táng người thân không được nên họ lén lút đào bới rồi vùi thi thể xuống đất rồi bỏ đi. Bà Hải kể rằng: "Cứ mỗi buổi sáng thức dậy, dạo quanh khu vực mà phát hiện thấy chỗ nào đất mới bị sới lên, đắp thành ụ phía trên có cắm hương là y như rằng có thi thể được người ta chôn trộm", bà Ngọc Anh chia sẻ.

Dưới chân cây cầu Long Biên có một ngôi mộ được ốp gạch trắng, nằm hướng ra con sông Hồng, đó là ngôi mộ của bé Đỏ. Câu chuyện về bé Đỏ đã trôi qua nhiều năm nhưng đến bây giờ bà Hải vẫn nhớ như in.

Trong trí nhớ của bà Hải, đó là một đêm trời rét căm căm. Khi ấy khoảng chừng 23h30', bà cùng người thủ từ đang ở trong miếu Hai Cô thì bất ngờ nghe thấy tiếng gõ cửa cùng tiếng người gọi thất thanh. Mở cửa ra, bà Hải thấy một người đàn ông dáng gầy, khuôn mặt thất thần đang ôm theo một thùng nhựa.

"Qua nói chuyện, người này cho biết vợ anh ta trở dạ sinh tại nhà nhưng không may cháu bé bị tử vong do ngạt. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh ta để thi thể con gái vào thùng nhựa rồi đến bãi giữa sông Hồng nhờ chúng tôi chôn cất giúp. Khi chúng tôi từ chối, người này đã hỏi mượn một chiếc cuốc rồi ra bãi đất trống gần cầu Long Biên đào một chiếc hố tạm rồi để thi thể đứa trẻ xuống đó", bà Hải nhớ lại.

Xót thương cho số phận của đứa trẻ tội nghiệp, bà Hải cùng nhiều người khác đã vận động góp tiền dựng một nấm mộ cho bé gái. Họ đặt tên cho bé gái là bé Đỏ. Cũng từ đó đến nay, mặc dù nằm lẩn khuất dưới chân một trụ của cây cầu Long Biên nhưng vào mùng một hoặc ngày rằm, nhiều người vẫn tới lui thắp hương an ủi linh hồn cô bé xấu số.

Trông coi ngôi miếu Hai Cô từ nhiều năm trước năm trước và từng chứng kiến không ít những cảnh tìm kiếm và vớt xác người ở ngay bãi giữa sông Hồng, nhưng câu chuyện thi thể bé gái bị bỏ rơi trong một đêm mưa gió với lá thư để lại cách đây hơn 5 năm khiến ông Cao Văn Hùng (73 tuổi) nặng lòng nhất.

Ông Hùng kể, đó là một buổi sáng ngày thứ 7, khi vừa tới miếu, ông thấy khói hương nghi ngút, rồi thì một số người tụ tập xung quanh một mô đất ở phía sân sau miếu. Quan sát kĩ thì thấy đó là nấm mộ vừa đắp vội, phía trên còn kèm một lá thư.

Chuyện ghi ở bãi giữa sông Hồng: “Chung cư 3 tầng” – nơi an nghỉ của những “thiên thần nhỏ” - Ảnh 6.

Ông Cao Văn Hùng từng chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng ở bãi giữa sông Hồng

"Vợ chồng cháu ở xa quá, không có điều kiện mang cháu về quê chôn cất. Hàng ngày cũng không thể đi làm mà đeo cháu trên lưng. Cháu biết đây là nơi thờ cúng các cô, chúng cháu không được phép. Nhưng thực sự vợ chồng cháu không còn cách nào. Cháu mong ông bà thương xót và hương khói cho bé gái này, một ngày nào đấy cháu sẽ đến tạ lỗi với con", ông Hùng chia sẻ về nội dung bức thư. Phía cuối lá thư còn để lại số điện thoại và vài trăm nghìn, tất cả được để trong một phong bì đã ướt nhòe vài phần vì cơn mưa trước đó.

Ngay buổi sáng hôm ấy, mọi người cùng nhau đào mộ, chở gạch, cát và xây mộ cho cháu bé, ngôi mộ nằm phía sân sau, trên bia mộ ghi "Ún Tiểu" cũng là cái tên do mọi người tự đặt cho cháu bé xấu số.

Ngôi mộ của cháu bé ấy được ông Hùng cẩn thận chụp hình và gửi cho cặp vợ chồng nọ để họ yên tâm. Tuy nhiên, người chồng chỉ nhắn lại là đã biết rồi và không nói thêm gì nữa. Cũng kể từ đó, 49 ngày của cháu bé hay cả rằm tháng Bảy, ông Hùng không hề thấy bóng dáng vợ chồng ấy về thăm con mình.

                                                                                                                                       (Còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm