Chuyên gia bày cách bổ sung dinh dưỡng cho mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kỳ

26/06/2018 - 11:35
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng tăng đường huyết thời kỳ mang thai. Thường gặp từ tuần thứ 24-28 của thai kỳ. Tình trạng tăng đường huyết lúc mang thai có thể gây ra những hậu quả cho mẹ cũng như thai nhi ở các mức độ khác nhau.

Theo ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hương, Phó khoa Thận - Tiết Niệu, Bệnh viện Nội tiết TƯ, khi bị đái tháo đường thai kỳ, các mẹ bầu không nên quá lo lắng bởi chế độ dinh dưỡng lành mạnh và luyện tập như đi bộ, bơi lội… có thể khắc phục tình trạng này.

Lập kế hoạch cho các bữa ăn

BS Nguyễn Thị Thu Hương cho rằng, các mẹ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý ít tinh bột, đường, bởi nhóm thức ăn này chứa nhiều carbonhydrat sẽ làm đường máu tăng nhanh. Để đảm bảo đủ năng lượng cho mẹ và bé phát triển khỏe mạnh, cần chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa 1 ngày với 3 bữa chính và 2-4 bữa phụ. Ngoài ra, nên ăn các bữa vào một thời gian cố định với khối lượng tương tự nhau giữa các ngày sẽ giúp duy trì đường huyết tốt hơn.

nhung-thuc-pham-tot-cho-me-bau.jpg

Điều cần lưu ý nhất trong khẩu phần ăn của mẹ bầu chính là lượng carbonhydrat. Bao gồm 2 loại cacbonhydrat đơn và carbonhyrat phức. Carbonhydrat đơn có trong các loại thức ăn như bánh mì, bánh ngọt, cơm trắng, xôi, nước ngọt, kẹo… được hấp thu rất nhanh vào trong máu làm tăng nhanh đường huyết, do đó mẹ bầu nên hạn chế loại thức ăn này. Ngược lại, carbonhydrat phức có tốc độ hấp thu đường chậm, ổn định đường huyết hơn do đó mẹ bầu nên ăn loại thực phẩm này hơn, bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh, đậu bắp…

Tùy theo BMI (dựa theo chiều cao, cân nặng) của người mẹ trước khi mang thai mà lượng carbonhydrat cho bữa chính có thể dao động từ 30-60g, bữa phụ từ 15-30g. Một chế độ ăn lành mạnh là chế độ ăn được bổ sung đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng.

Tính lượng carbonhydrat trong mỗi bữa ăn

Cách tốt nhất để biết được lượng carbonhydrat đưa vào cơ thể là đếm carbonhyrat bằng các xem nhãn của loại thực phẩm. Hiện nay, các hãng thực phẩm đều cho biết thành phần chi tiết trên bao bì của thực phẩm đóng gói nên mẹ bầu thông thái hãy làm theo hướng dẫn sau để tính lượng carbonhydrat nên ăn cho phù hợp.

Với những loại thức ăn thông thường, mẹ bầu hãy ước lượng số gam carbonhydrat dựa vào hướng dẫn dưới đây. Lưu ý lượng carbonhydrat có thể khác nhau trong cùng 1 loại thức ăn tùy theo khối lượng của nó.

BS Thu Hương cho biết, nhóm tinh bột-1 suất ăn tương đương với 15g carbonhydrat có trong: 1/3 bát cơm trắng/mì ống; 1 lát bánh mì (25g); nửa chiếc bánh Hamburger; nửa lạng bánh phở/bún; nửa chén ngô hoặc đậu xanh/đậu đen; nửa lạng khoai lang.

Còn nhóm trái cây, mẹ bầu nên ăn trái cây tươi hằng ngày, cho các bữa phụ. 1 suất ăn tương đương với 15g carbonhydrat có trong: 1 quả táo tây/quả cam/quả kiwi hay quả đào cỡ vừa; nửa quả chuối/xoài hoặc lê; nửa chén nho tươi; 1 lát dưa hấu (150g).

Mẹ cũng nên uống sữa và ăn sữa chua hằng ngày. Tương đương với 15g carbonhydrat có trong: 240ml sữa tươi tách chất béo hoặc ít chất béo, sữa chua trắng (làm từ sữa tươi nguyên chất).

Nhóm thực phẩm ít ảnh hưởng đến đường máu

Gồm các loại rau xanh, chất đạm và chất béo. Mẹ bầu có thể ăn thoải mái các loại rau, củ không tinh bột như rau diếp, rau cải, cần tây, súp lơ xanh, cà rốt… Bởi 1 khẩu phần ăn nhóm này chỉ chứa 5g carbonhydrat mà hầu hết lượng carbonhydrat này đến từ chất xơ.

thieu-mau-hong-cau-nho-khi-mang-thai-la-gi-1.jpg
Khi thực hiện chế độ ăn khoa học mà không kiểm soát được đường huyết, mẹ bầu nên đi khám để được tư vấn

 

Đối với chất đạm, mẹ bầu nên ăn những loại đạm giàu protein như thịt lợn, gà, bò… trứng, đậu và các sản phẩm được chế biến từ sữa, tránh ăn loại có chứa nhiều chất béo bão hòa như: xúc xích, thịt xông khói.

Chất béo có nguồn gốc từ thực vật như dầu oliu, dầu lạc, dầu đậu nành… là những chất béo có lợi cho sức khỏe bởi nó giúp hấp thu các vitamin, chống oxy hóa là loại mà mẹ bầu nên ăn.

Kiểm tra đường máu hằng ngày

Những nỗ lực của mẹ bầu trong việc điều chỉnh chế độ ăn uống có đạt được mục tiêu hay không thể hiện ở kết quả đo đường máu. Mục tiêu đường máu cho phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ trước bữa ăn là dưới 5.3 mmol/l, sau ăn 1 giờ là dưới 7.8 mmol/l và sau ăn 2 giờ là dưới 6.7 mmol/l. Hãy ghi lại chế độ ăn và kết quả đường máu hằng ngày, nếu không đạt mục tiêu kiểm soát đường huyết, mẹ bầu cần đến bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn, giúp đỡ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm