pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyên gia cảnh báo 8 kiểu phụ nữ này dễ mắc ung thư vú
Đại đa số bệnh nhân ung thư vú là phụ nữ, và hầu hết những phụ nữ này đều có những đặc điểm sau:
1. Phụ nữ có tiền sử gia đình mắc bệnh
Khoảng 15% phụ nữ mắc ung thư vú có tiền sử gia đình có người bị ung thư vú trước đó. Nếu trong gia đình có một người bị ung thư vú (mẹ, dì, chị em gái ruột) thì nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp đôi. Có hai người bị bệnh ung thư vú nguy cơ sẽ tăng gấp 3 lần. Phụ nữ có cha hoặc anh em trai bị mắc bệnh có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn người bình thường khác.
2. Những phụ nữ độc thân, có kinh sớm và mãn kinh muộn
Qua một nghiên cứu cho thấy, 60% ung thư liên quan đến nội tiết. Nếu nội tiết quá mạnh hoặc cao quá sẽ gây ra ung thư. Những phụ nữ có tiền sử có kinh sớm (trước 13 tuổi) và độc thân (ít quan hệ tình dục) và tắt kinh muộn (sau 55 tuổi) thì có khả năng bị ung thư vú cao hơn. Do đó, những người sống độc thân, có kinh nguyệt sớm cần thường xuyên đi khám sàng lọc bệnh ung thư để có thể phát hiện ung thư sớm nhất.
3. Phụ nữ không có con hoặc sinh con muộn
Theo một cuộc điều tra dịch tễ học, những phụ nữ không có con hoặc sinh con đầu lòng trên 30 tuổi sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn đáng kể, và nạo phá thai cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Quan hệ tình dục và cho con bú sau khi sinh con có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú.
4. Phụ nữ tuổi cao
Sự gia tăng của tuổi tác là một yếu tố nguy cơ quan trọng của ung thư vú. Độ tuổi trung bình của bệnh ung thư vú ở Trung Quốc là từ 45 đến 55 tuổi. Tỷ lệ mắc ung thư vú ở các nhóm tuổi là khác nhau, tỷ lệ mắc bệnh dưới độ tuổi 40 là khoảng 0,4%, từ 40 đến 59 tuổi là 3,86%, từ 60 đến 69 tuổi là 3,51% và trên 70 tuổi là 6,95%. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ trên 40 tuổi nên đi khám vú hàng năm để phát hiện sớm, chẩn đoán sớm và điều trị sớm.
5. Sử dụng lâu dài các sản phẩm có chứa nội tiết tố ngoại sinh
Hormone giới tính là hormone gây khối u quan trọng, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng sinh của tế bào trong quá trình hình thành ung thư vú. Do đó, phụ nữ tiếp xúc với các hormone ngoại sinh trong thời gian dài, chẳng hạn như sử dụng lâu dài các mỹ phẩm hoặc sản phẩm sức khỏe chứa estrogen, thuốc tránh thai và hormone thay thế (đặc biệt là sự kết hợp của estrogen và progesterone), có thể làm tăng ung thư vú ở mức độ nhất định.
6. Bản thân mắc bệnh lý về tuyến vú hoặc từng bị ung thư
Xơ vú, áp xe vú... nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những tổn thương khó hồi phục ở vùng vú và tiến triển thành ung thư. Hơn nữa việc chẩn đoán ung thư vú sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu bệnh nhân mắc thêm những bệnh lý về tuyến vú này.
Những người từng bị ung thư như ung thư buồng trứng, phúc mạc, vòi trứng hoặc đã từng xạ trị vùng ngực cũng có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn người bình thường.
7. Phụ nữ có lối sống không lành mạnh
Một số lối sống không lành mạnh như chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều calo, ít chất xơ có thể gây ra những thay đổi trong chuyển hóa nội tiết của con người và làm tăng nguy cơ ung thư vú. Béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng của ung thư vú. Ngoài ra, uống rượu và hút thuốc (kể cả hút thuốc lá thụ động) cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.
8. Phụ nữ thường xuyên bị mệt mỏi, stress kéo dài
Mệt mỏi, stress chủ yếu đến từ công việc và cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là chị em văn phòng hoặc những người nội trợ, phụ nữ đang cho con bú… Thế nhưng ít người biết rằng, tình trạng mệt mỏi, stress kéo dài không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú mà còn ảnh hưởng xấu tới tinh thần và toàn bộ sức khỏe.
Một số biểu hiện ung thư vú?
Bệnh ung thư nào cũng có thể chữa được khi được phát hiện ở giai đoạn đầu và khó chữa hơn khi được chẩn đoán muộn. Hãy cảnh giác khi phát hiện những biểu hiện bất thường sau đây ở vú:
- Đau hoặc đỏ vú, tụt núm vú, da vùng vú bị lồi lõm, sần sùi, co kéo bất thường.
- Chảy dịch vú, thay đổi màu sắc trên da của vú, một bên vú dày, chắc hơn bên kia.
- Có hạch nách hoặc hố thượng đòn.
Ngoài việc tự kiểm tra vú hàng tháng, chị em phụ nữ cần tập cho mình thói quen đi khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư vú thường có thể phát hiện các tổn thương ở vú ở giai đoạn sớm, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao mắc ung thư vú, nên thực hiện khám vú ít nhất 1 lần/năm.