Chuyên gia cảnh báo nhiều trẻ bị viêm phổi khi trời chuyển lạnh

PV
31/10/2021 - 15:06
Chuyên gia cảnh báo nhiều trẻ bị viêm phổi khi trời chuyển lạnh

Ảnh minh hoạ

Rất nhiều phụ huynh, đến khi con bị sốt cao, ho nhiều kèm triệu chứng khó thở, đưa tới viện khám thì mới biết trẻ bị viêm phổi.

Thấy con ho, mệt nên chị Hà (ở Hà Đông, Hà Nội) chủ quan, tự chăm sóc con tại nhà vì nghĩ chắc con chỉ cảm cúm thông thường. Cho đến khi con bị sốt cao, ho càng ngày càng nhiều kèm triệu chứng khó thở, chị vội vàng đưa con tới viện khám thì mới biết, cháu bé đã bị viêm phổi.

Chia sẻ về việc chăm sóc trẻ trong những ngày đầu đông, PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An – nguyên Trưởng khoa Tai Mũi họng Trẻ em của BV Tai mũi họng Trung ương, hiện là Giám đốc Bệnh viện An Việt cho biết, rất nhiều phụ huynh đưa con đến khám cũng có cùng sự chủ quan như chị Hà. Khi thấy con ho, các bậc phụ huynh đều chỉ nghĩ đơn giản là do thay đổi thời tiết, cảm lạnh, cảm cúm…

PGS Hoài An cho biết những ngày vừa qua, dù mới là cuối tháng 10 nhưng nhiệt độ ở miền Bắc đã xuống khá thấp. Nhiều đợt không khí lạnh gây mưa, ẩm và trời lạnh là điều kiện lý tưởng cho nhiều loại vi khuẩn, virus gây ra các bệnh lý đường hô hấp phát triển.

Đặc biệt là các loại virus phát triển rất mạnh trong thời tiết mùa đông như virus cúm với rất nhiều chủng loại khác nhau, virus hợp bào đường thở. Đặc biệt các loại virus cúm gây biến chứng viêm phổi khiến trẻ tử vong. Nghĩa là tỉ lệ tử vong do viêm phổi bắt nguồn từ virus cúm khá cao.

Ở trẻ em khi bị virus cúm hay virus hợp bào đường thở xâm nhập rất dễ gây ra viêm phổi và nếu chúng ta không điều trị tích cực từ sớm thì nó có thể dẫn đến nguy cơ tử vong. Chính vì thế, trong mùa đông các bậc phụ huynh phải hết sức lưu ý bảo vệ sức khoẻ cho con em mình.

Các dấu hiệu phải nhập viện

Dấu hiệu đầu tiên, nhẹ nhất là sổ mũi. Khi đó cần phải can thiệp ngay bằng thuốc. Thuốc lúc đó rất đơn giản chỉ là các thuốc cảm cúm thông thường. Các loại siro cảm cúm ở đâu cũng bán. Các loại thuốc này giúp trẻ khô mũi, hết ngạt mũi.

Khi bị cúm có sốt cần hạ nhiệt cho trẻ, dùng thuốc hạ sốt và đắp khăn. Nếu trẻ xuất hiện triệu chứng ho có thể dùng các loại siro ho đơn giản.

PGS. Hoài An cho biết nếu không điều trị ở giai đoạn sớm để trẻ ho nhiều, chảy mũi, sốt và nhịp thở nhanh thì đó chính là dấu hiệu của viêm phổi cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để điều trị tích cực, tránh những biến chứng xấu xảy ra.

Chuyên gia cảnh báo tình trạng trẻ bị viêm phổi khi trời chuyển lạnh - Ảnh 1.

PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An – nguyên Trưởng khoa Tai Mũi họng Trẻ em của BV Tai mũi họng Trung ương, hiện là Giám đốc Bệnh viện An Việt đưa ra những lời khuyên hữu ích chăm sóc trẻ trong mùa đông để tránh những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ.

PGS. Hoài An cũng đưa ra những lời khuyên hữu ích cho các bậc phụ huynh để chăm sóc trẻ trong mùa đông, tránh những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ.

Giữ ấm

Đầu tiên, bố mẹ cần giữ ấm cho trẻ về hơi thở. Cần cho trẻ mặc đủ ấm, đi tất cho trẻ để trẻ không bị lạnh chân và khi ra đường nhớ đeo khẩu trang cho trẻ. Đeo khẩu trang giúp trẻ không phải hít khí lạnh trực tiếp cũng như một số loại vi khuẩn, virus hay bụi bặm cũng được chặn lại giúp trẻ không bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.

Khi về đến nhà để trẻ ở trong môi trường ấm áp, bật điều hoà ấm hoặc lò sưởi. Lúc này, hãy nới quần áo cho trẻ và cho trẻ hoạt động bình thường.

Vệ sinh mũi họng

Cha mẹ cũng hết sức lưu ý về vệ sinh mũi họng, đây là điều vô cùng quan trọng. Cần xịt mũi cho bé buổi sáng và tối bằng nước mũi biển để các loại bụi bặm hay dị nguyên xâm nhập vào mũi được rửa sạch, tránh nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cho trẻ trong mùa đông.

Uống nước đủ

Cần cho trẻ uống đủ nước, điều này giúp cho toàn bộ hệ thống dịch nhầy luân chuyển của mũi hoạt động bình thường. Nó giúp đẩy hết vi khuẩn, virus ra khỏi đường hô hấp của cơ thể.

Cung cấp đầy đủ vitamin

Một điều nữa bố mẹ cần lưu ý là chế độ ăn phải đầy đủ chất, các yếu tố vi lượng và vitamin. Ăn cả rau và hoa quả bên cạnh thịt, cá… để phòng tránh nhiễm lạnh đường hô hấp trên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm