pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyên gia hướng dẫn cách phân biệt viêm phổi và viêm phế quản ở trẻ em
Để rõ hơn về vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ - Bác sĩ Hoàng Văn Huấn – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội.
PV: Thưa BS, viêm phổi và viêm phế quản có điểm gì giống và khác nhau?
Bác sĩ Hoàng Văn Huấn: Viêm phổi và viêm phế quản sẽ được các bác sĩ phân biệt, thậm chí nếu được tư vấn người dân có thể phân biệt được.
Viêm phế quản là một bệnh lý đường hô hấp viêm niêm mạc phế quản, làm cho phế quản bị phù, nề tăng tiết dịch đờm, co thắt cơ trên phế quản gây dày thành phế quản. Trong viêm phế quản lại chia ra thành viêm phế quản cấp tính và viêm phế quản mãn tính.
Viêm phế quản cấp tính: Thường diễn ra đột ngột, rầm rộ, nếu được điều trị tốt thông thường từ 7-10 ngày là khỏi và rất ít khi kéo dài đến quá 6 tuần. Tác nhân gây viêm phế quản cấp như khí lạnh, khói bụi, khói thuốc lá hoặc các khí axit. Nguyên nhân thứ hai của viêm phế quản cấp rất thường gặp là do vi khuẩn chiếm 20% , do virus chiếm 80%.
Viêm phế quản mãn tính: Người cao tuổi, người hút thuốc lá, thuốc lào kéo dài trên 40 tuổi thì rất dễ xuất hiện viêm phế quản mãn tính. Tiêu chuẩn để chuẩn đoán viêm phế quản mãn tính là những người ho khạc đờm trên 3 tháng trong 1 năm và 2 năm liên tục.
Viêm phổi: Là tình trạng tổn thương các tổ chức ở phổi, tổn thương ở phế quản tận, phế nang và các tổ chức kẽ mà chủ yếu là các túi phế nang.
Nguyên nhân là do vi sinh vật, virus, vi khuẩn, đôi khi do nấm và ký sinh trùng nhưng ít phổ biến hơn.
Hầu hết các bệnh này đều gây tổn thương đường hô hấp nên có biểu hiện ho ở các mức độ khác nhau. Ho có thể lúc gần sáng, tối, chiều tùy theo viêm phổi hay viêm phế quản sẽ khác nhau. Ở những trường hợp viêm đường hô hấp trên thông thường do virus bệnh nhân cũng có ho, khạc đờm, nghẹt mũi và đờm màu trong. Nhưng những trường hợp viêm do vi khuẩn thì đờm sẽ chuyển màu. Các bệnh này có có triệu chứng chung là tức ngực, khó thở. Ở cả viêm phế quản và viêm phổi do bệnh lý nhiễm trùng vi khuẩn, virus thì sẽ có triệu chứng chung là sốt từ sốt nhẹ, sốt vừa và sốt cao.
PV: Viêm phổi và viêm phế quản có lây hay không thưa Bác sĩ?
Bác sĩ Hoàng Văn Huấn: Viêm phổi và viêm phế quản thì tác nhân đặc biệt là tác nhân do vi sinh vật đó là vi khuẩn, virus. Khi các tổn thương viêm sẽ gây ra phù nề, tăng tiết viêm trên đường thở. Tất cả các tổn thương viêm cơ thể sẽ bài xuất ra bên ngoài qua đường ho, khạc đờm. Khi các chất tiết ra môi trường xung quanh chứa các vi khuẩn, virus qua môi trường không khí mà người lành hít vào thì rất có nguy cơ phơi nhiễm và nhiễm bệnh.
PV: Khi có dấu hiệu cải thiện bệnh, nhiều người thường dừng thuốc ngay. Bác sĩ có ý kiến gì về vấn đề này?
Bác sĩ Hoàng Văn Huấn: Khi mắc bệnh viêm phổi, viêm phế quản đã được bác sĩ kê đơn thuốc nhưng người bệnh lại sốt ruột vì uống kéo dài có nhiều tác dụng phụ, rồi đang uống chưa hết đợt điều trị nhưng thấy đỡ đã dừng thuốc thì điều này là không đúng. Bởi bản thân vi khuẩn, virus với đơn thuốc của bác sĩ đã kê lúc đó mới giảm được triệu chứng. Khi vi khuẩn, virus chưa được tiêu diệt hoàn toàn đã dừng thuốc sẽ gây nên tình trạng kháng thuốc và sau này dễ bị đi bị lại. Vì vậy cần tuân thủ đúng thời gian và liều lượng bác sĩ đã kê chứ không được bỏ giữa chừng.
PV: Vậy bác sĩ có khuyến cáo gì cho người dân, nhất là vào thời điểm mùa lạnh, nguy cơ viêm phổi, viêm phế quản gia tăng?
Bác sĩ Hoàng Văn Huấn: Như tôi đã nói, các trường hợp viêm phổi, viêm phế quản do vi khuẩn, virus gây nên thì rất nguy cơ lây sang người khác. Con đường lây là qua không khí. Do đó, trường hợp có người nhà hoặc trong lớp học, phòng làm việc có người bị viêm phổi, viêm phế quản do virus, vi khuẩn rất dễ lây ra xung quanh nhất là trong mùa đông và trong các vụ dịch cúm.
Để phòng chống bệnh, bản thân người bệnh cũng như người xung quanh cần nâng cao sức đề kháng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Đồng thời đảm bảo tránh lạnh, vệ sinh bàn tay, răng miệng, điều trị tốt các bệnh mãn tính. Đảm bảo dinh dưỡng thật tốt, khoa học cho cả người lớn và trẻ em. Đặc biệt nên giữ môi trường trong lành, không có khói thuốc, than tổ ong.
Ngoài ra nên đi tiêm vắc xin phòng viêm phổi, phòng cúm hằng năm để nâng cao hệ thống miễn dịch. Đồng thời, tôi xin nhấn mạnh: Nâng cao sức đề kháng lúc nào cũng nên coi trọng. Khi cơ thể khỏe bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bác sĩ.