Chuyên gia chỉ cách chăm sóc trẻ mắc cúm tại nhà

13/02/2018 - 19:40
Thời gian gần đây, các bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc cúm mùa. Căn bệnh này dễ lây lan và có thể phát thành dịch lớn. Do đó, khi trẻ mắc cúm, cha mẹ cần lưu ý khi chăm sóc bé.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh cúm xuất hiện nhiều vào mùa đông xuân, lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Trong vài tuần qua, BV Nhi TƯ đã tiếp nhận hơn 1.000 trẻ mắc cúm đến khám, trong đó có trên 220 trẻ phải nhập viện điều trị nội trú. Trong số những trẻ nằm viện, có không ít bệnh nhi lây cúm từ anh, chị hay em trong gia đình. Thậm chí có gia đình cả 2 con đều mắc cúm, phải nằm viện.

Theo cử nhân điều dưỡng Doãn Thúy Quỳnh, khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TƯ, cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường hô hấp do virus cúm gây ra. Bệnh thường có biểu hiện: Sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh dễ lây lan và có thể phát thành dịch lớn nên khi trẻ mắc cúm, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau. 

Hạ sốt: Khi trẻ sốt trên 38,5oC cần nới rộng quần áo cho trẻ; chườm ấm ở vùng trán, nách, bẹn (nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy ấm là được). Bên cạnh đó, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, mỗi 4-6h uống nhắc lại 1 lần nếu trẻ sốt trên 38,5oC.
anh-11.jpg
Vệ sinh mũi hằng ngày giúp trẻ nhanh khỏi bệnh, nếu mắc cúm
Vệ sinh đường hô hấp: Vệ sinh mũi, miệng theo cách dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng (không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ virus vẫn bám lại trên khăn).

Hằng ngày, nhỏ dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 9‰ vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn. Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch (vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc và cả cho trẻ), tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Về dinh dưỡng: Cần cho trẻ sử dụng thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt như: Cháo, sữa, trái cây và uống nhiều nước; tăng cường bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ.

Cúm là bệnh dễ lây nhưng có thể phòng được. Theo đó, cần cách ly trẻ tương đối như hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ lành, hướng dẫn che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy; đeo khẩu trang khi chăm sóc trẻ. Đồng thời tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió, để tránh nhiễm lạnh.

Bên canh đó, cần tiêm vaccine phòng cúm cho trẻ và các thành viên trong gia đình. Vaccine phòng cúm chỉ có hiệu lực trong 1 năm nên cần tiêm nhắc lại vaccine này hằng năm. Ngoài ra, cần đảm bảo nơi ở thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng và thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa.

Trẻ mắc cúm mà sốt cao liên tục trên 39ºC, không đáp ứng với thuốc hạ sốt; co giật; li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều, bỏ ăn hoặc bỏ bú, chân tay lạnh; trẻ khó thở, thở nhanh, cha mẹ cần đưa ngay bé đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm