Chuyên gia chia sẻ về vai trò của xét nghiệm ở mỗi giai đoạn trong cuộc đời

Thu Phương
15/10/2022 - 17:32
Chuyên gia chia sẻ về vai trò của xét nghiệm ở mỗi giai đoạn trong cuộc đời

Ảnh minh họa: ST

Xét nghiệm là chỉ định không thể thiếu trong chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh. Từ kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ quyết định biện pháp điều trị cho bệnh nhân.

Tại Hội nghị tập huấn Cập nhật xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh 4.0 trong chẩn đoán, điều trị do Hệ thống Y tế MEDLATEC tổ chức ngày 15/10 ở tỉnh Phú Thọ, các chuyên gia y tế đã chia sẻ về vai trò của xét nghiệm ở mỗi giai đoạn trong cuộc đời.

Theo PGS.TS Phạm Văn Trân, Chủ nhiệm Bộ môn - Chủ nhiệm khoa Hóa Sinh, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y), xét nghiệm là chỉ định không thể thiếu trong chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh. 60-70% các quyết định lâm sàng dựa trên kết quả xét nghiệm, ví dụ xét nghiệm SARS CoV-2 Realtime RT PCR dùng để chẩn đoán và theo dõi bệnh Covid-19, xét nghiệm HBsAg có ý nghĩa sàng lọc/quản lý bệnh lý viêm gan B, xét nghiệm HIV để quản lý và theo dõi bệnh HIV...

Từ kết quả xét nghiệm quyết định hình thức điều trị cho bệnh nhân. Với ý nghĩa quan trọng đó, xét nghiệm là chỉ định bắt buộc và cần thiết theo sát từng giai đoạn cuộc đời con người giúp hỗ trợ chăm sức khỏe như: Khi chuẩn bị hình thành, xét nghiệm được chỉ định làm ngay từ giai đoạn tiền hôn nhân, hôn nhân. Ở mỗi giai đoạn này, có những xét nghiệm được chỉ định như giai đoạn tiền hôn nhân làm xét nghiệm tiền hôn nhân và tư vấn di truyền gene vợ, chồng; giai đoạn hôn nhân có xét nghiệm hỗ trợ sinh sản vô sinh, hiếm muộn.

Chuyên gia chia sẻ về vai trò của xét nghiệm ở mỗi giai đoạn trong cuộc đời - Ảnh 1.

PGS.TS Phạm Văn Trân chia sẻ về vai trò của xét nghiệm trong phát hiện và điều trị bệnh

Tiếp đó là giai đoạn "mầm" - thai nhi cần sàng lọc và chẩn đoán trước sinh như xét nghiệm Double test, Triple test, NIP, chọc ối, sinh thiết gai nhau. Sau chào đời, trong giai đoạn sơ sinh nên được chỉ định xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán bệnh sơ sinh như xét nghiệm thiếu men G6PD, suy giáp... Ở giai giai đoạn trẻ em, xét nghiệm để dự phòng bệnh qua xét nghiệm phân tích gene, hoặc dùng để chẩn đoán sớm (gồm xét nghiệm hóa sinh, huyết học, vinh sinh, giải phẫu bệnh), sàng lọc. Trong suốt quá trình trưởng thành của đời người, xét nghiệm được làm có ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh như chẩn đoán xác định, tìm nguyên nhân gây bệnh, hoặc dùng để điều trị bệnh và giám sát tái phát.

Chia sẻ về xét nghiệm trong chẩn đoán, điều trị và theo dõi viêm gan virus B-C, TS Trần Văn Giang, Chuyên gia Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC; Phó Trưởng Bộ môn Truyền nhiễm, trường Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh lý viêm gan virus rất đa dạng, gồm viêm gan A, B, C, D, E, trong có chỉ có viêm virus A, B là có vaccine phòng bệnh, còn lại virus viêm gan C, D, E chưa vaccine. Nhiễm viêm gan virus B, C là vấn đề y tế quan trọng, do viêm gan B, C là nguyên nhân chính gây bệnh gan mạn tính trên toàn thế giới. Trong đó đáng lưu ý, 90% nguyên nhân gây ung thư biểu mô tế bào gan là do virus viêm gan B, C.

Theo TS Trần Văn Giang, phụ nữ có thai, trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm viêm gan B (HBV), người tiếp xúc trực tiếp hoặc có quan hệ tình dục với người nhiễm HBV, người sinh ra ở vùng có tỷ lệ nhiễm HBV cao, người phơi nhiễm với máu và các sản phẩm của máu, người bị nhiễm HIV, người có tăng men gan không rõ căn nguyên… cần xét nghiệm HbsAg nhằm kiểm tra xem có bị nhiễm virus viêm gan B hay không. Nếu bệnh nhân nhiễm viêm gan HBV thì cần làm thêm một số xét nghiệm để đánh giá mức độ viêm gan cấp hay mạn tính, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp.

Chuyên gia chia sẻ về vai trò của xét nghiệm ở mỗi giai đoạn trong cuộc đời - Ảnh 2.

TS Trần Văn Giang chia sẻ về các xét nghiệm phát hiện viêm gan B

Cùng các xét nghiệm trên, các chuyên gia cũng chia sẻ ý nghĩa của xét nghiệm trong sản phụ khoa. Theo BSCKII Nguyễn Thị Thu Nghĩa - Trưởng khoa Sản 3, Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ, tất cả các thai phụ cần được sàng lọc trước sinh. Đó là sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia và sàng lọc một số bất thường bẩm sinh cho thai. Lí do cần sàng lọc bệnh tan máu Thalassemia do đây là bệnh tan máu, thiếu máu mạn tính, bệnh lý của huyết sắc tố. Thalassemia là bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường, đây là một trong các bất thường di truyền phổ biến nhất trên thế giới. Ở Việt Nam, tỷ lệ người mang gene bệnh tan máu chiếm 13,8%. Bệnh Thalassemia không chữa khỏi, mà khi mắc bệnh nhân phải điều trị triệu chứng bằng truyền máu và thải sắt suốt đời, nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và hạnh phúc gia đình.

"Dựa vào kết quả sàng lọc, bác sĩ có thể tư vấn mẹ bầu hướng xử lý kịp thời, trường hợp thai bình thường hoặc thai mang gene bệnh thì tư vấn khám thai định kỳ, nhưng nếu thai bị bệnh Thalassemia nặng thì có thể tư vấn chấm dứt thai kỳ", bác sĩ Nghĩa cho biết.

Trong thai kỳ, bên cạnh sàng lọc bệnh Thalassemia, mẹ bầu cần sàng lọc một số bất thường bẩm sinh cho thai gồm: Sàng lọc nguy cơ thai nhi mắc hội chứng Down; siêu âm thai: gồm 3 mốc thai 12 tuần, tuần 18 - 20 và tuần 30 – 32; xét nghiệm sàng lọc bằng huyết thanh mẹ/ADN rau thai, gồm có các xét nghiệm như Double test, Triple test, Combined test, NIPT.

Về xét nghiệm trong sản phụ khoa, BSCKII Nguyễn Thị Thu Nghĩa cho biết, sàng lọc ung thư phụ khoa, gồm xét nghiệm ung thư phụ khoa, tầm soát ung thư cổ tử cung, xét nghiệm gene di truyền tầm soát ung thư. Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng và cơ hội điều trị thành công cao. Do vậy, chị em nên đi xét nghiệm ung thư phụ khoa định kỳ để tầm soát, sàng lọc, giúp chị em an tâm sống khỏe và xua đi nỗi lo bệnh tật, nhất là ung thư cổ cung.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm