Khi nào trẻ cần xét nghiệm Adenovirus?

Linh Trần
10/10/2022 - 14:33
Khi nào trẻ cần xét nghiệm Adenovirus?

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh minh họa

Phụ huynh không nên tự ý cho con xét nghiệm Adenovirus. Trẻ chỉ xét nghiệm khi có chỉ định của bác sĩ với các biểu hiện cụ thể của bệnh.

Hiện nay, bệnh do Adenovirus đang được dư luận quan tâm, bởi số ca mắc được BV Nhi TƯ báo cáo tăng nhanh, trong đó có 9 trường hợp đã tử vong. Do ngại con mắc Adenovirus, nhiều phụ huynh đã tự cho con làm các xét nghiệm chẩn đoán Adenovirus. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người dân không nên tự ý xét nghiệm, xét nghiệm tràn lan Adenovirus cho trẻ khi không có chỉ định. 

TS.BS Đặng Thị Thúy, Trưởng Khoa Nhi (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ), cho biết, Adenovirus có nhiều tuýp, mỗi tuýp lại có thể gây bệnh ở vài cơ quan. Vì vậy, biểu hiện của Adenovirus cũng rất đa dạng. Một số dấu hiệu phải kể đến như: Trẻ có thể sốt cao, kéo dài 5 - 10 ngày; Ho, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng; Mắt đỏ, chảy nước mắt, tiết nhiều nghèn, mắt ngứa, cộm, mi mắt sưng nề; Tiêu chảy, đau quặn bụng...

Theo bác sĩ Thuy, khi trẻ có biểu hiện sốt cao, đau họng, soi họng có 2 amidal sưng to, kèm kết mạc mắt đỏ, ho; trong vùng có nhiều người đang mắc Adenovirus thì khả năng cao con bạn đang mắc Adenovirus. Lúc này, phụ huynh cần đưa con đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm khẳng định Adenovirus.

Còn theo TS. Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (BV Bạch Mai), trẻ chỉ nên xét nghiệm Adenovirus khi có những triệu chứng điển hình như viêm đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa, viêm kết mạc, sốt cao liên tục 3-4 ngày. Trường hợp trẻ có dấu hiệu suy hô hấp, khó thở sẽ được chỉ định nhập viện điều trị ngay.

Cũng theo ông Nam, việc xét nghiệm phải do bác sĩ chỉ định mới thực hiện. Phụ huynh không nên tự ý gọi xét nghiệm tại nhà hoặc cho con đi xét nghiệm mà không có chỉ định của bác sĩ bởi không cần thiết.

Với các bệnh nhi có các triệu chứng bệnh nhẹ, cha mẹ nên chăm sóc và theo dõi con sát sao tại nhà. Tuy nhiên một số trường hợp trở nặng thì phải nhập viện điều trị. Khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau đây, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt: 

- Khó thở: Thở nhanh hơn so với bình thường (khi không sốt); 

- Trẻ có dấu hiệụ nguy hiểm toàn thân: Nôn nhiều, không uống được, co giật, li bì, sốt hoặc hạ nhiệt độ ở trẻ sơ sinh;

- Trẻ có bệnh lý nền như nhu suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, bệnh lý tim mạch, hô hấp mạn tính.

Thời điểm nào trẻ cần xét nghiệm Adenovirus ? - Ảnh 1.

Trẻ nhiễm Adenovirus được điều trị tại BV Nhi TƯ

Về vấn đề xét nghiệm Adenovirrus, trước đó, tại cuộc họp với Bộ Y tế, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc BV Nhi TƯ, cho rằng, người dân không xét nghiệm Adenovirus tràn lan để tránh lãng phí. "Việc phải có chỉ định của bác sĩ chứ không phải theo nhu cầu của người dân. Chỉ định này phải tùy theo từng đặc điểm lâm sàng như ho, sốt, viêm đường hô hấp, tổn thương phổi, bệnh lý nền, đặc biệt là có yếu tố dịch tễ, nguồn lây… của bệnh nhi thì mới nên làm", PGS. Trần Minh Điển lưu ý.

Phòng bệnh là quan trọng

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, cho biết, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị virus Adeno,đa số bệnh nhân nhiễm bệnh đều có thể tự khỏi bệnh. Hơn nữa, cách điều trị bệnh Adenovirus cũng giống như điều trị bệnh viêm hô hấp do virus gây ra. Trẻ chỉ nhập viện khi thực sự cần thiết để tránh xảy ra tình trạng bội nhiễm, lây nhiễm chéo. 

"Những trẻ mắc các bệnh nền như tim bẩm sinh, bệnh não, bệnh phổi mạn tính, hệ miễn dịch yếu, nhiễm vi trùng đặc biệt là vi trùng kháng thuốc rất dễ trở nặng khi nhiễm bệnh. Phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới nhóm trẻ này", bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Theo Bộ Y tê, hiện nay, tại Việt Nam chưa có vaccine phòng Adenovirus, nên việc phòng bệnh cũng tương tự như phòng bệnh lây qua đường hô hấp khác. Cụ thể: 

- Tăng cường hệ miễn dịch: Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết để tăng cường sức đề kháng đặc biệt trẻ nhỏ.

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

- Giữ ấm, giữ ẩm đường hô hấp, vệ sinh mũi họng hành ngày.

- Tránh tiếp xúc nguồn bệnh, không nên đến nơi đông người trong thời gian dịch bệnh, đeo khẩu trang đúng cách.

- Chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng và các loại vaccine phòng các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác có trên thị trường để chủ động tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

- Khi có các biểu hiện nghi ngờ nhiễm virus, người dân cần đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm