Chuyên gia đề xuất cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng

An Khê
23/05/2023 - 20:52
Chuyên gia đề xuất cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng
Ngày 23/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo cung cấp thông tin về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Ngày 23/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo cung cấp thông tin về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) năm nay được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn chủ đề “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá”.

Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá - Ảnh 1.

PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế)

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ đô la Mỹ. Sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới (trong đó có khoảng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động). Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá. Ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.

Tại hội thảo, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), cho biết, hút thuốc lá có những tác hại khôn lường đến sức khoẻ, tạo gánh nặng lên kinh tế cho gia đình và xã hội. Do đó, cần phải có những giải pháp đẩy mạnh phòng chống tác hại thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ người dân, nhất là thanh thiếu niên, thế hệ trẻ tương lai của đất nước và giảm gánh nặng về kinh tế. 

"Hiện nay, ở quốc tế hay trong nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc, đột quỵ liên quan đến thuốc lá. Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng nhận báo cáo của các Trung tâm Chống độc ở các bệnh viện, có những trường hợp là các em nhỏ khi xét nghiệm có cả ma túy, gây nên tình trạng rất đáng báo động đặc biệt trong giới trẻ thanh thiếu niên. Theo nghiên cứu, hiện nay có xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử. Theo các nghiên cứu ở Việt Nam, trước đây phụ nữ Việt Nam hút thuốc lá chỉ khoảng 1-2% nhưng hiện nay đã gia tăng lên đến 7-8%, có nơi 10%. Theo kết quả điều tra, lứa tuổi đáng lo ngại là từ 15 - 17 và các chỉ số xét nghiệm sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy tác hại của nó không kém thuốc lá điếu", ông Khuê thông tin thêm.

Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế)

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các trường hợp thu nhập thấp, chi tiêu thuốc lá chiếm hơn 10% chi tiêu của hộ, lấy đi chi phí cho các nhu yếu phẩm như thực phẩm.

Thêm vào đó, khói thuốc lá làm giảm chất lượng không khí, ảnh hưởng đến sự an toàn của nhà ở, nơi làm việc, hệ thống giao thông và không gian công cộng. 

Để giảm thiểu tình trạng sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hương đề xuất, ủng hộ tăng thuế thuốc lá, đồng thời cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng với mọi hình thức.

Đồng tình với ý kiến trên, nhiều đại biểu cho biết thêm, bên cạnh việc tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm vi phạm; trong đó tập trung xử lý vi phạm địa điểm cấm hút thuốc, vi phạm về quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, kinh doanh buôn bán các sản phẩm thuốc lá lậu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm