pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra cách giảm cân chuẩn bằng cần tây
Theo chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ Ngô Thanh Hằng, cần tây tác động đến cân nặng nhờ lượng calo thấp, 100g cần tây cung cấp 47kcal. Rau cần tây giàu chất xơ, ít chất béo. Trong 100g cần tây có 1,5g chất xơ.
Chất xơ tạo cảm giác no lâu, giảm cảm giác thèm ăn. Để thanh lọc, giảm mỡ bằng cần tây phải dùng đúng cách. Cần tây có thể được chế biến chín hoặc sử dụng ăn sống. Cần tây tươi sống thường chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn khi nấu chín. Hấp cần tây trong 10 phút có thể không ảnh hưởng đáng kể đến hàm lượng chất chống oxy hóa.
Cần tây dùng dưới dạng nước ép có thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Theo Anthony William, tác giả cuốn sách "Medical Medium" (xuất bản năm 2015), nên uống khoảng 500 ml nước ép cần tây vào buổi sáng trước khi ăn để quá trình tiêu hóa được thúc đẩy. Nên uống nước cần tây ngay sau khi ép để có thể hấp thụ toàn bộ chất dinh dưỡng.
Nước ép cần tây có thể làm giảm lượng chất xơ tự nhiên sau khi ép. Ngoài ra có thể pha bột cần tây với nước uống như nước ép, bột cần tây vẫn bảo toàn được lượng chất xơ cần thiết. Kết hợp cần tây với dưa leo, táo, rau bina và chanh có thể tạo ra một ly sinh tố ngon và tốt cho sức khỏe. Hoặc có thể thử cần tây, hạt cần tây cùng xà lách trộn, súp, risottos.
"Chúng ta nên ăn đa dạng các loại rau theo mùa để nhận được lợi ích từ các loại rau. Ngoài ra, cần kết hợp luyện tập thể dục với một chế độ dinh dưỡng hợp lý, kiểm soát lượng calo đưa vào, như vậy mới đem lại hiệu quả tối ưu thanh lọc cơ thể, giảm mỡ, giảm cân", bác sĩ Thanh Hằng cho biết.
Tác dụng khác của cần tây
Không chỉ có tác dụng giảm cân, nếu sử dụng đúng cách, cần tây còn có tác dụng ngăn ngừa một số bệnh và cải thiện huyết áp. Acetylenic có trong cần tây giúp ngăn các tế bào khối u phát triển. Axit phonolic giúp kiềm chế hoạt động của prostaglandin, một chất có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển của tế bào ung thư. Cần tây chứa các chất chống oxy hóa và polysaccharide có tác dụng như chất kháng viêm.
Chất 3-n-butylphthalide trong cần tây làm giảm hormone gây căng thẳng và giúp giãn các cơ quanh mạch máu, giúp máu chảy trơn tru và ít gây áp lực lên thành mạch hơn. Cần tây cũng là một nguồn cung cấp chất xơ tốt. Kết quả của một đánh giá Cochrane cho thấy, những người ăn nhiều chất xơ có thể có chỉ số huyết áp thấp hơn những người ăn ít chất xơ.
Hợp chất 3-n-butylphthalide trong cần tây có tác dụng tích cực trong việc giảm cholesterol xấu trong máu. Ngoài ra, cần tây cũng tăng cường bài tiết mật hoặc axit steroid, 2 chất giúp giảm cholesterol. Lưu ý rằng, những người theo chế độ ăn nhiều chất xơ dường như có mức cholesterol toàn phần và LDL thấp hơn so với những người tiêu thụ thực phẩm ít chất xơ hơn. Apigenin có trong cần tây cũng có vai trò kích thích sự tăng trưởng và phát triển của các tế bào thần kinh, kích thích quá trình tạo tế bào thần kinh và cải thiện khả năng ghi nhớ, học tập, làm việc.
Ngoài ra, cần tây còn có những lợi ích khác như ngăn ngừa bệnh gan và vàng da, tắc nghẽn đường tiết niệu, bệnh gout, rối loạn thấp khớp, tốt cho da và tóc. Ngoài ra, người ta dùng hạt cần tây có thể hỗ trợ điều trị viêm phế quản, hen suyễn, bệnh vảy nến và các rối loạn da khác, nôn mửa, sốt...
Những trường hợp phụ nữ nên tránh sử dụng cần tây
Bên cạnh những tác dụng tích cực, khi sử dụng cần tây cần chú ý đến một số rủi ro như cần tây có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng ở một số người. Phụ nữ đang mang thai những tháng đầu nên tránh sử dụng cần tây, vì có thể gây kích thích tử cung. Cần tây có chứa chất hóa học psoralen, phản ứng với ánh sáng mặt trời, có thể làm tăng độ nhạy cảm của da với tia cực tím, làm tăng nguy cơ viêm da và tổn thương da do ánh nắng mặt trời.
40g cần tây chứa khoảng 30mg natri, vì vậy cần lưu ý tới lượng natri mà mình tiêu thụ vì chế độ ăn nhiều natri có thể làm tăng huyết áp và gây tích nước. Không giữ rau cần tây trong tủ lạnh quá 2 tuần vì sẽ làm tăng gấp 25 lần chất furanocoumarin trong cần tây, có thể gây ung thư.