pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyên gia gợi ý cách dọn góc chơi ngày Tết của con, chỉ cần 1 lần, gọn gàng cả năm
Những ngày cuối năm được gọi vui là "Tuần lễ dọn nhà toàn quốc". Dọn dẹp trang trí nhà cửa là một phong tục truyền thống mỗi dịp tết đến đón Xuân sang. Không chỉ để cho sạch sau cả năm bận rộn, dọn nhà đón Tết còn mang ý nghĩa sắp xếp, thanh tẩy, bỏ đi những cái cũ bụi bặm, cũ kỹ, để chào đón một năm mới nhiều may mắn tài lộc, gửi gắm một thông điệp cầu mong năm mới an khang.
Với những gia đình có trẻ con, không thể bỏ qua việc dọn dẹp đồ chơi, góc chơi gọn gàng. Chị Trần Thị Kim Hoa, hướng dẫn viên Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ (Save the children) gợi ý các bước dọn dẹp đồ chơi theo tiêu chí: Dọn 1 lần - Gọn cả năm.
Bước 1: Trước khi dọn dẹp, hãy dành ra 3-5 ngày quan sát xem hiện tại con đang chơi những món đồ chơi gì? Con đang quan tâm hứng thú với những đồ gì? Khoảng thời gian này rất quan trọng, giúp bạn nhận ra món đồ chơi nào mới thực sự quan trọng và phù hợp với con, để từ đó hiểu con và tránh bị dọn dẹp nhầm.
Bước 2: Thời điểm dọn dẹp
Bước này khá quan trọng. Bạn nên chọn lúc tâm trí bạn hoàn toàn thoải mái sẵn sàng nhiều năng lượng. Nên dọn buổi sáng hoặc đầu giờ chiều để đảm bảo bạn có đủ thời gian, tránh lúc mệt mỏi, căng thẳng.
Hãy dọn dẹp lúc con không có nhà. Trong những ngày dịch Covid-19, có thể bố trí 1 phòng đóng cửa để sắp xếp, nhưng đảm bảo các bé không có mặt khi bạn dọn đồ chơi.
Bước 3: Bắt đầu dọn dẹp
- Mang toàn bộ đồ chơi trong nhà bạn để ra 1 khoảng trống/ phòng trống
- Dành thời gian "moi móc", đảm bảo tất cả số đồ chơi tại tất cả các phòng, các vị trí trong nhà được tập hợp ở một chỗ. Việc này rất quan trọng, giúp bạn tránh bị dọn vòng quanh, xong góc này lại có đồ ở góc khác.
Tiếp theo, dựa trên bảng bạn ghi chép hoặc quan sát con bạn mấy ngày qua, bạn sẽ nhặt ra 5-7 món mà con đang chơi hoặc tương tác nhiều nhất.
Lý do chọn 5-7 đồ chơi là vì trẻ em không có khả năng quản lý được quá nhiều đồ dùng. Quá nhiều đồ khiến trẻ bị bấn loạn, bị mất nhiều năng lượng và phân tâm. Cũng như tủ quần áo của người lớn vậy, 80% số quần áo chúng ta thường dùng lại chỉ chiếm 20% tủ đồ. Ít đồ chơi còn khiến trẻ sáng tạo hơn với những món đang có. Chị Kim Hoa giải thích.
Cách làm sạch theo từng chất liệu:
- Nếu đồ chơi bằng gỗ: ghi nhớ không ngâm rửa mà có thể dùng các dung dịch: giấm, nước enzym xịt và lau khô
- Với đồ chơi nhựa: ngâm rửa với các dung dịch an toàn cho trẻ và sau đó phơi khô trước gió, tránh nhiệt độ cao
- Đồ chơi bông/vải: nên cho túi lưới giặt sạch phơi khô
Với chỗ đồ chơi còn lại, bạn xem xét thật kỹ xem có món nào là món đồ mang tính kỷ niệm với con và gia đình để làm sạch, đóng vào thùng cất đi. Còn những món khác, nếu đồ nào độ tuổi con chơi vẫn còn phù hợp, bố mẹ có thể đóng thùng, bên ngoài ghi rõ các món và cất vào nơi lưu trữ. Với trẻ nhỏ, cứ 1 vài tháng các bạn lại đảo đồ chơi 1 lần thì với trẻ những món tưởng đã cũ lại trở thành mới và trẻ vẫn có thể chơi tiếp được.
Những đồ còn dùng được nhưng không phù hợp với con, có thể cho, tặng lại. Đồ không sử dụng được, bạn hãy mạnh tay cho vào thùng rác.
Bước 4: Cuối cùng, bạn hãy tạo cho con một góc chơi thoáng, có nhiều ánh sáng, tránh gió lùa. Đồ chơi xếp trên giá, kệ, thùng đựng tại góc cố định trong nhà, để bé có được nề nếp gọn gàng khi chơi trong những lần sau.