Chuyên gia lý giải vì sao test nhanh âm tính vẫn cần cách ly đủ 14 ngày

Trang Lê
06/08/2020 - 15:54
Chuyên gia lý giải vì sao test nhanh âm tính vẫn cần cách ly đủ 14 ngày
Theo các chuyên gia y tế, test nhanh có độ nhạy, độ đặc hiệu nhất định, không thể có độ chính xác cao như làm xét nghiệm PCR. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo, tất cả những trường hợp test nhanh âm tính nhưng đi từ vùng dịch về hoặc tiếp xúc với nguồn lây nhiễm vẫn cần tự cách ly, theo dõi sức khoẻ trong 14 ngày.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang nóng lên từng ngày với số ca nhiễm liên tục tăng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Bản tin 6h sáng ngày 6/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận thêm 4 ca mắc mới đều liên quan đến BV Đà Nẵng, trong đó có 1 trường hợp tại Hà Nội là bệnh nhân 714. Điều đáng chú ý, bệnh nhân 714 từng nhận kết quả test nhanh âm tính.

Cụ thể, bệnh nhân 714 đến Đà Nẵng du lịch vào giữa tháng 7 vừa qua, ngày 26/7 bắt đầu khai báo y tế và ngày 31/7 được test nhanh Covid-19 cho kết quả âm tính.

Tuy nhiên đến ngày 5/8, bệnh nhân xét nghiệm lại bằng Realtime RT-PCR lại cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo các chuyên gia dịch tễ, test nhanh chỉ có ý nghĩa đánh giá phạm vi dịch trong cộng đồng, không thể khẳng định ca mắc.

Tại sao test nhanh cho kết quả âm tính nhưng xét nghiệm bằng phương pháp PCR lại dương tính?

Liên quan tới vấn đề này, PGS. TS. BS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ) nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò của phương pháp thực hiện phản ứng RT-PCR trong việc phát hiện bệnh nhân nhiễm Covid-19.

“Khi kết quả xét nghiệm nhanh IgG/IgM dương tính thì có thể nói đối tượng đã từng nhiễm virus, nhưng liệu còn tồn tại virus trong cơ thể hay không thì vẫn phải thực hiện phản ứng RT-PCR để khẳng định.”

“Ngoài ra, giá trị của kết quả dương tính này còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây nhiễu, ví dụ như có phản ứng chéo với các virus khác hay không. Tôi rất lo lắng khi đọc những dòng "người dân mừng rỡ khoe kết quả xét nghiệm nhanh COVID-19". Liệu những người nhận kết quả âm tính này có tiềm tàng nhiễm virus song không được giải thích cặn kẽ của bác sĩ chuyên ngành sẽ chủ quan mà nơi lỏng các liệu pháp phòng hộ hay không?”

Bên cạnh đó, trả lời PV báo Tuổi Trẻ, ông Hoàng Văn Đức - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế giải thích về phương pháp test nhanh như sau: “Việc sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh COVID-19 (test nhanh) giúp phát hiện nhanh những trường hợp nghi ngờ, giúp cơ sở y tế dễ dàng kiểm soát và có phương án phòng dịch kịp thời. Kết quả này không mang ý nghĩa khẳng định mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính là mẫu mắc COVID-19 bởi để khẳng định thì cần phải qua nhiều lần xét nghiệm bằng phương pháp PCR (xét nghiệm ARN).

Ngược lại, nếu kết quả test nhanh âm tính không có nghĩa là người đó không bị nhiễm, và không lây cho người khác. Bởi vì, có thể có virus mới xâm nhập, cơ thể người bệnh chưa sinh ra kháng thể nên cho kết quả âm tính. Do đó, kết quả test nhanh có thể âm tính nhưng khi xét nghiệm bằng phương pháp PCR lại dương tính.

Chuyên gia lý giải vì sao test nhanh âm tính vẫn cần cách ly đủ 14 ngày - Ảnh 1.

Người từ vùng dịch về được test nhanh COVID-19 (Ảnh: báo Nhân Dân)

Còn theo BS. Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương giải thích, xét nghiệm nhanh mà thành phố Hà Nội đang thực hiện là loại xét nghiệm gián tiếp, nhằm tìm kiếm dấu vết của virus để lại trong cơ thể bị nhiễm.

Theo đó, nếu xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính chỉ thể hiện rằng, người đó đã từng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong quá khứ, chứ không thể khẳng định người đó đang bị bệnh, có khả năng lây bệnh.

Ngược lại, xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính không thể khẳng định 100% người đó không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và không lây cho người khác.

“Người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 ở giai đoạn đầu chưa có kháng thể thì xét nghiệm nhanh chắc chắn cho kết quả âm tính, nhưng người này vẫn có thể lây cho người khác”, BS Khiêm nhấn mạnh.

Dựa trên số liệu thống kê trên thế giới cho thấy, chỉ có 23% người nhiễm virus SARS-CoV-2 có kháng thể IgM sau 1 tuần bị nhiễm; 58% người bị nhiễm sau 2 tuần mới có kháng thể; 75% người bị nhiễm sau 3 tuần mới có kháng thể.

Từ đó có thể thấy, việc làm xét nghiệm nhanh tìm kháng thể chỉ có giá trị xác định tỷ lệ người từng nhiễm virus SARS-CoV-2, giúp đánh giá quy mô dịch bệnh trong cộng đồng, giúp các nhà hoạch định chính sách có các biện pháp tổ chức chống dịch phù hợp.

Tại sao test nhanh âm tính vẫn cần cách ly đủ 14 ngày?

Lý giải rõ hơn về vấn đề còn đang gây ra nhiều thắc mắc trong dư luận, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế nhận định, test nhanh không thể có độ chính xác cao như làm xét nghiệm PCR. Ngay cả với xét nghiệm PCR, vẫn có thể xảy ra tình huống lần đầu âm tính, lần thứ 2 làm lại dương tính.

Do vậy, những người đi từ vùng dịch về dù đã làm test nhanh tìm kháng thể âm tính vẫn có thể là người đang nhiễm COVID-19, vẫn có thể lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cho cộng đồng. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo tất cả những trường hợp test nhanh âm tính nhưng có yếu tố dịch tễ vẫn phải tuân thủ cách ly 14 ngày tại nhà.

Còn theo BS.CKII Nguyễn Trung Cấp (Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) lý giải, virus SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể, âm thầm nhân lên đến khi đạt tải lương nhất định thì mới phát tán ra đường hô hấp và gây triệu chứng. Quá trình âm thầm nhân lên của virus gọi là “Thời gian ủ bệnh”.

Trong thời gian này do virus chưa phát tán ra qua đường hô hấp nên các xét nghiệm vẫn có thể âm tính mặc dù cơ thể có virus. Và những người này vẫn có thể trở thành dương tính vào những ngày sau. Thời gian ủ bệnh của hầu hết các bệnh nhân là dưới 14 ngày, nhưng vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ có thể dài hơn.

PGS. TS. BS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ): Xét nghiệm nhanh sẽ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp khi bệnh nhân cần mổ cấp cứu không trì hoãn mà có yếu tố dịch tễ; hay khi có ổ dịch khu trú cần kiểm tra nhanh để dự đoán mức độ nguy hiểm; hay áp dụng khi tiếp nhận bệnh nhân mới tại các bệnh viện để tránh ảnh hưởng đến đội ngũ cán bộ y tế đang cần bảo toàn cho công cuộc chống dịch còn dài... Tuy nhiên, cần ưu tiên làm lại ngay bằng xét nghiệm RT-PCR để chẩn đoán chính xác dương tính trước khi chúng ta tìm kiếm, cách ly tiếp các F1, F2 làm ảnh hưởng đến hàng trăm hay hàng ngàn người, tiêu tốn nhân lực y tế và sinh phẩm, ảnh hưởng đến tâm lý cộng đồng.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm