pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyên gia lý giải việc đứng, ngồi bàn hay trải chiếu xuống sàn khi ăn cơm mới là tốt nhất
Việc ngồi bệt xuống sàn ăn cơm không tốt cho trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai - Ảnh minh họa.
Tại Việt Nam, khi ăn cơm, mỗi gia đình, cá nhân có những thói quen, cách thức khác nhau. Có người ngồi bàn nhưng nhiều nhà khác lại trải chiếu ngồi bệt khi ăn.
Nhìn rộng ra các nước trên thế giới cũng có những cách thực hành ăn uống khác biệt, điều này có thể phụ thuộc vào văn hóa của mỗi quốc gia. Ở châu Âu thường xuất hiện những bữa tiệc ăn đứng, ở Nhật Bản và Hàn Quốc thường xuyên ngồi bệt xuống sàn nhà khi ăn cơm.
Vậy câu hỏi đặt ra là khi ăn cơm, việc ăn đứng, ngồi bàn ăn hay ngồi bệt sẽ là tốt nhất? PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có một quy chuẩn nào quy định về cách thức ăn uống. Việc đứng ăn, ngồi bàn ăn hay ngồi bệt xuống sàn nhà tùy thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện kinh tế, văn hóa hoặc thói quen hàng ngày. Xét về khía cạnh sức khỏe, mỗi tư thế ăn này có thể mang lại những ảnh hưởng khác nhau.
Việc đứng ăn sẽ không gây áp lực cho dạ dày, giúp ăn được nhiều hơn. (Ảnh minh họa)
Đứng ăn: PGS Nguyễn Thị Lâm cho rằng việc đứng ăn sẽ có những lợi ích nhất định đối với tiêu hóa. Khi đó, dạ dày sẽ ở chiều xuôi xuống, giúp dễ tiêu hóa hơn và ăn được nhiều hơn. Tuy nhiên, đa số khi ăn đứng thường diễn ra trong các buổi tiệc, vì thế đây không phải là cách thức ăn phổ biến trong các gia đình.
Ngồi bàn ăn: Đây là cách thức ăn được nhiều gia đình ở Việt Nam áp dụng. PGS Lâm cho rằng, việc ngồi bàn ăn là hợp lý. Khi ngồi bàn ăn, chân vẫn có thể duỗi được, không bị quá gò bó. Đặc biệt, dạ dày cũng không bị chèn ép mà vẫn ở theo phương thẳng đứng, nên dễ tiêu hóa và ăn được nhiều hơn.
Ngồi bệt xuống đất: Cách thức này cũng đang được nhiều gia đình áp dụng. PGS Lâm cho rằng, với cách này khi ngồi ăn cơm về mặt khoa học thì dạ dày sẽ bị đẩy lên, nên khó có thể ăn được đủ thành phần, gây cản trở tiêu hóa thức ăn.
Với người thừa cân béo phì, có mục đích giảm cân thì cách thức ngồi ăn này có thể không sao vì nhu cầu của họ là ăn ít hơn. Còn với người gầy và các cháu nhỏ cần ăn đủ thành phần dinh dưỡng thì tư thế ngồi như vậy dạ dày bị đẩy ngược lên, ăn sẽ nhanh no và ăn không đủ được thành phần.
Hơn nữa, khi ngồi bệt xuống đất, nếu mâm cơm có trẻ nhỏ sẽ khó quản lý hơn, thậm chí nếu khâu vệ sinh không tốt, nền nhà, thảm (chiếu trải) không sạch thì dễ nhiễm khuẩn, ký sinh trùng. Đặc biệt, với những nơi ngồi chật chội thì tư thế ngồi không thoải mái có thể ảnh hưởng đến dạ dày, thậm chí cả tâm lý khi ăn. Phụ nữ mang thai không nên ngồi bệt khi ăn uống.
Từ những phân tích trên, PGS Lâm cho rằng ăn đứng vẫn là tốt nhất, tuy nhiên áp dụng cách thức nào còn phụ thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình, cá nhân. “Một gia đình có đông người, nhà chật, kinh tế còn khó khăn thì không thể bắt ép họ phải mua một chiếc bàn ăn rộng được. Bởi có mua về kê vào đâu cũng là vấn đề lớn, khi đó buộc họ phải lựa chọn ngồi bệt xuống nền nhà ăn, xong dọn dẹp sạch sẽ”, PGS Lâm chia sẻ.
PGS Lâm cho rằng, trong thực hành ăn uống điều quan trọng nhất là phải bổ sung cân đối và đa dạng thực phẩm theo nhu cầu của từng đối tượng. Ngoài ra, cần tuân thủ một số nguyên tắc như không nên ăn lâu quá 2 tiếng, không nên nuốt vội, phải nhai kỹ thức ăn để dễ tiêu hóa, giảm áp lực cho dạ dày. Đặc biệt, khi ăn uống nên tập trung ăn, không nên đùa nghịch, pha trò nói chuyện quá nhiều vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn.