Chuyển hướng kinh doanh đúng thời điểm

02/10/2016 - 20:30
Một khi cảm thấy lĩnh vực, ngành hàng mình đang kinh đã có dấu hiệu “hết thời”, tốt nhất là bạn nên tìm cách chuyển hướng.
bcth-37.jpg
1. Chị Thái Hà, ngụ tại Q.Bình Thạnh, TPHCM, đã gắn bó với tiệm may mà mẹ chị gầy dựng từ hơn 30 năm nay. Công việc không có gì phức tạp, chỉ cần mỗi ngày có vài ba khách đến may đồ, thêm ít người nữa đến sửa đồ, là chị cũng có khoản thu nhập đủ chi tiêu chợ búa, điện nước và đóng học phí cho 2 đứa con.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, lượng khách cứ thưa dần. Qua tìm hiểu, chị Hà mới biết xu hướng của nhiều người hiện nay là không còn “chuộng” các tiệm may gia đình nhỏ lẻ, với những mẫu cũ kỹ mà thường lựa chọn các tiệm may lớn có thương hiệu, có hẳn những nhà thiết kế thời trang để tư vấn, giới thiệu nhiều “set” đồ hiện đại, cá tính và phong cách. “Để làm được như những tiệm may lớn thì mình không đủ lực, còn buộc phải bỏ cái nghề “mẹ truyền con nối” này để tìm công việc khác có thu nhập cao hơn thì mình cũng không đành. Chẳng biết phải làm gì bây giờ!”, chị Hà bộc bạch.

2. Tương tự, chị Hoàng Hoa, ngụ tại Q.Phú Nhuận, TPHCM, đã bắt tay vào kinh doanh từ khoảng 5 năm trước. “Cơ sở kinh doanh” của chị là 1 quán bán trà chanh ngay trước cửa nhà, được ra đời vào cái thời mà “trà chanh chém gió” đang là mốt của giới trẻ. Hồi mới mở, quán của chị luôn bán được hàng trăm ly mỗi ngày, thu nhập rất cao, đủ cho gia đình chi tiêu thoải mái. Thế nhưng, cũng như nhiều món ăn, đồ uống mang tính “trào lưu” khác, món trà chanh hiện không còn đủ sức hấp dẫn đối với người trẻ thành phố, khi đã có những tiệm trà sữa, matcha và hàng trăm món đồ uống “thời thượng” khác mọc như nấm ở khắp mọi nơi. Từ hơn 1 năm trở lại đây, quán của chị Hoa chỉ bán cầm chừng, chị ngồi bán là “để cho vui”, chứ thu nhập không đáng kể.

Chị Hoa cho biết, thấy “người ta” mở quán bán nhiều loại đồ ăn, thức uống theo “trào lưu mới”, thu nhập cao, chị cũng “ham”, muốn tìm 1 mô hình kinh doanh khác để làm ăn nhưng lại sợ bị bạn bè chê “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, rồi sợ “trâu chậm uống nước đục”, khi nhiều quán khác đã có sẵn lượng khách “ruột”, đã có được vị trí, còn mình lại “lót tót theo sau” e rằng sẽ không trụ lại được với nghiệp kinh doanh nhỏ.

Đó cũng là tình trạng chung của khá nhiều người kinh doanh, buôn bán nhỏ hiện nay, khi xu hướng tiêu dùng của thị trường liên tục thay đổi trước những tác động của các thứ “trào lưu” mang tính “sớm nở tối tàn”, song lại được đa số người trẻ cổ xúy.

Thực tế này đòi hỏi người kinh doanh phải có sự nhạy bén, tinh tường để nắm bắt được những hướng vận động của thị trường, từ đó có những quyết định thay đổi đúng đắn. “Nếu cứ bảo thủ, ôm khư khư lấy cái mình đang có để mong thị trường “đoái hoài” tới, thì đó chẳng khác nào hành động tự sát”- một chuyện gia thị trường đã cảnh báo.

3. Có không ít người rất thành công với những mô hình “kinh doanh nhanh” - tức là liên tục chạy theo để đáp ứng nhu cầu của thị trường, theo những “trào lưu” mang tính ngắn hạn. Có nghĩa họ phải thường xuyên thay đổi mặt hàng, lĩnh vực kinh doanh, thậm chí phải không ngừng đầu tư nâng cấp mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, cũng có không ít người đầu tư phát triển trên cơ sở những gì mình đang có, chỉ cần “gia giảm” một một số yếu tố để phù hợp với xu hướng của thị trường là đủ.

Một khi nhận thấy mô hình, lĩnh vực hay ngành hàng đang kinh doanh có dấu hiệu “hết thời” thì tốt nhất là nên dũng cảm chuyển hướng theo thị trường. Vấn đề còn lại là phải lựa chọn cho đúng lĩnh vực, mô hình mới đảm bảo tính ổn định trong một thời gian nhất định. Không thể cưỡng lại quy luật của thị trường nhưng bạn cũng không nên mạo hiểm chạy theo một cách thiếu tính toán, cân nhắc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm