pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Người Phán Xử" làm gia tăng tội phạm xã hội đen: Dàn diễn viên nói gì?
Tại phiên thảo luận về dự án luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/9, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Thiếu tướng Lê Tấn Tới đã có một số chia sẻ gây xôn xao trên trên mạng xã hội.
Cụ thể, ông Lê Tấn Tới phát biểu: "Điều 11, về nội dung và hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Hiện một số bộ phim có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật, ví dụ phạm tội nhưng ko bị xử lý, lối sống ích kỷ, một số phim phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự diễn biến, tự chuyển hóa, vô hình trung làm cho người xem nhận thức sai và bắt chước làm theo.
Ý kiến "Người Phán Xử làm gia tăng tội phạm xã hội đen" của Thiếu tướng Lê Tấn Tới đã gây nhiều tranh cãi trái chiều trong dư luận.
Điển hình, mới đây, VTV1 chiếu Người phán xử, sau khi chiếu bộ phim đó thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều. Đất nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng luật không giải quyết được, mà đưa cho ông trùm làm người phán xử, kể cả phán xử cả lực lượng công an. Phán xử tất cả mà đưa vào phim chiếu trên giờ vàng thì ai chịu trách nhiệm về vấn đề này?".
Phát ngôn này đã làm nảy sinh nhiều tranh cãi trong cộng đồng yêu phim ảnh, và gây ra phản ứng trái chiều với giới làm phim.
Dàn diễn viên Người Phán Xử: Không có báo cáo nào nói phim gây tác động xấu đến xã hội
Nam diễn viên Việt Anh cho rằng ví dụ của thiếu tướng không công bằng với Người Phán Xử. Anh nhận xét: "Nói tỷ lệ tội phạm tăng chỉ vì một bộ phim là quá đề cao vai trò của phim ảnh. Mỗi kết luận cần dựa trên số liệu điều tra xã hội rõ ràng, cụ thể ở đây là tỷ lệ tội phạm trước và sau khi bộ phim lên sóng."
NSND Trung Anh vai Lương Bổng trong Người Phán Xử thì bày tỏ bất ngờ với ý kiến nêu trên. Ông khẳng định so với nội dung gốc, kịch bản đã được ê-kíp điều chỉnh, cắt bỏ rất nhiều tình tiết bạo lực, tình dục, tội phạm để phù hợp văn hóa Việt. Theo ông, bộ phim đã làm tốt nhiệm vụ của nó, không chỉ là món ăn tinh thần giải trí đơn thuần mà còn giúp người xem nhận ra cái xấu, cái ác, từ đó tránh được sai lầm.
Bằng chứng rõ nhất nằm ở kết thúc của chính Lương Bổng, dù nhân vật này được nhiều khán giả yêu thích nhưng vẫn chết ở tập cuối. NSND Trung Anh chia sẻ: "Trước khi tự sát, Lương Bổng đưa cuốn sổ chứa nhiều tài liệu quan trọng cho cảnh sát. Việc này cho thấy ông ta bế tắc và đó cũng là sự trả giá cho việc chọn lầm đường".
Trước đó, ở thời điểm phim mới hạ màn, đại diện Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam cũng từng đưa ra thông cáo tương tự về kết thúc của Người Phán Xử. Ekip khẳng định: "Ngoài tình cảm dành cho nhân vật, vai diễn, chúng ta cũng cần nhớ về nội dung phim. Họ đều là tội phạm tham gia hoạt động trái luật pháp, đã gây ra nhiều tội ác, giết người, buôn lậu…
Cái kết bi kịch cho Phan Quân, cho tập đoàn Phan Thị là cái tất yếu. Phan Quân, một ông trùm đề cao giá trị gia đình, mong muốn bảo vệ được gia đình nhưng bản thân lại đi nhầm đường, và chính con đường tội phạm đó đã khiến ông không thể giữ vững được chân lý, niềm tin mà mình đặt ra về ‘Gia đình là thứ tồn tại duy nhất’.
Đối với Phan Quân, cái chết hay những năm tháng ở tù không đáng sợ bằng sự ám ảnh về hình ảnh những người thân bị thanh trừng, đặc biệt là việc đứa cháu nội chạy theo chiếc xe cảnh sát, tuyệt vọng gọi với theo ông một cách bất lực. Chúng tôi nghĩ, thông điệp phim được chuyển tải mạnh mẽ nhất ở cách thức này chứ không phải chỉ dừng ở việc công án truy bắt tội phạm, giang hồ trừng phạt nhau."
Giới làm phim trong nước: Chức năng đầu tiên của phim ảnh là giải trí
Ở góc độ người trong giới làm phim, các đạo diễn và biên kịch nổi tiếng cũng bày tỏ quan ngại về phát biểu của thiếu tướng Lê Tấn Tới. Nhà sản xuất - đạo diễn Charlie Nguyễn hài hước đặt câu hỏi: "Chẳng lẽ khi tội phạm bị bắt, ai cũng nói vì họ coi phim Người Phán Xử?". Đồng thời, anh dẫn chứng ra 1 loạt phim đình đám thế giới như Oldboy của Park Chan Wook, hay các đạo diễn tên tuổi như David Fincher, Alfred Hitchcock của Mỹ có loạt tác phẩm đình đám về những kẻ sát nhân.
"Chức năng đầu tiên của phim ảnh là giải trí, các fan của thể loại phim tội phạm tìm đến dòng phim này vì muốn tìm hiểu về thế giới đó. Nếu nói phim ảnh cổ xúy phạm pháp, chẳng lẽ hiện tượng Parasite từng được vinh danh tại Oscar cũng cổ vũ cho việc trục lợi, trả thù?" - đạo diễn Charlie Nguyễn nói.
Nhà sản xuất - đạo diễn Charlie Nguyễn.
Trong khi đó, đạo diễn - NSƯT Phương Điền (Tiếng Sét Trong Mưa, Vua Bánh Mì) thì khẳng định, vấn đề kiểm duyệt phim về giang hồ đã được đưa ra nhiều lần trong các cuộc họp, hội thảo. Anh cho rằng không nên cấm tuyệt đối thể loại phim về xã hội đen, nhưng người làm phim cần cân nhắc cách dàn dựng và hình thức phát hành. Đối với phim truyền hình nói chung, các đài truyền hình cần xếp khung giờ phù hợp với đối tượng khán giả của mỗi tác phẩm. Còn phim chiếu rạp lâu nay vẫn được dán nhãn theo độ tuổi.
Đồng ý với quan điểm này, nữ diễn viên kiêm nhà sản xuất Hồng Ánh cho biết: "Tôi nghĩ không phải phim ảnh đen tối thì xã hội đen tối, phim ảnh màu hồng thì xã hội màu hồng. Phim ảnh có thể phơi bày hiện thực kinh khủng nhưng với mục đích cảnh tỉnh khán giả, khiến mọi người sợ và tránh xa những thứ xấu.
Đối với phim chiếu trên truyền hình, khán giả trưởng thành có quyền quyết định xem hoặc tắt tivi, khán giả nhỏ tuổi thì cần có cha mẹ giám sát. Phim điện ảnh thì phân loại độ tuổi."