pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris khẳng định vị thế Việt Nam
Tối 24/8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Điểm sáng trong hợp tác y tế
Chưa đầy một tháng sau chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, ngày 24/8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tới Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam theo lời mời của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Đây là tín hiệu cho thấy, mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục đạt bước phát triển ấn tượng, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo hai nước nhằm tăng cường hợp tác toàn diện ở tất cả các lĩnh vực trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
"Chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris, diễn ra sau chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hồi tháng 7, cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong chính sách của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á. Chuyến thăm cho thấy Việt Nam đang nổi lên nhanh chóng như một đối tác kinh tế và an ninh lớn của Mỹ", Lucio Blanco Pitlo III, chuyên gia Tổ chức Con đường Tiến bộ Châu Á - Thái Bình Dương tại Philippines, chia sẻ.
Các chuyên gia nhận định, chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ là cơ hội để hai nước củng cố hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện, thúc đẩy chính sách can dự của Mỹ ở Đông Nam Á, đồng thời cho thấy Mỹ đề cao vai trò của ASEAN, trong đó có Việt Nam trong giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam và Mỹ hợp tác nhằm phục hồi kinh tế, chống biến đổi khí hậu và phòng chống dịch COVID-19.
Ngày 25/8, bà Harris sẽ dự lễ khai trương văn phòng Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) tại Hà Nội, trở thành văn phòng chính cho khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là một điểm son cho những thành quả hợp tác y tế công cộng dự phòng giữa Mỹ và Việt Nam trong những năm qua khi Mỹ tín nhiệm Việt Nam trở thành đầu mối chính cho những hoạt động của văn phòng Mỹ tại khu vực Đông Nam Á. CDC Mỹ đã bắt đầu giúp Việt Nam từ năm 1998 để cải thiện năng lực ngăn chặn, phát hiện và đối phó các căn bệnh truyền nhiễm.
"Việc đặt văn phòng khu vực của CDC tại Việt Nam nói lên nhiều điều về mối quan hệ song phương đã thay đổi như thế nào. Đây chính là một phiếu tín nhiệm dành cho Hà Nội và có thể thúc đẩy mong muốn phát triển năng lực y học trong nước, bao gồm cả phát triển và sản xuất đại trà vaccine Covid-19 riêng của Việt Nam", ông Pitlo III chia sẻ.
Theo tiến sĩ Emmerson, việc văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á của Mỹ đặt tại Việt Nam có thể giúp giảm mối đe dọa của các đại dịch trong tương lai, đồng thời giúp tăng cường hệ thống và chính sách trên toàn khu vực. Để ứng phó đại dịch Covid-19, Mỹ đã cung cấp hơn 23 triệu liều vaccine và hơn 158 triệu USD hỗ trợ y tế, nhân đạo khẩn cấp cho các nước thành viên ASEAN.
Có thể nói, hợp tác y tế là điểm sáng của quan hệ hai nước từ năm 2020 đến nay. Hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực y tế và ứng phó với dịch Covid-19, đặc biệt trong việc hỗ trợ lẫn nhau về trang thiết bị y tế, tiếp cận vaccine, chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh và bảo hộ công dân. Mỹ tuyên bố hỗ trợ Việt Nam 20,9 triệu USD trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, Việt Nam đã nhận hơn 4 triệu liều vaccine Pfizer (3 triệu liều qua cơ chế COVAX và hơn 1 triệu liều trong hợp đồng 31 triều liều mua từ Pfizer) và 5 triệu liều vaccine Moderna thông qua cơ chế COVAX.
Việt Nam là đối tác quan trọng
Các học giả Mỹ cũng cho rằng, chuyến thăm lần này của Phó Tổng thống Mỹ là chỉ dấu cho thấy, Mỹ hiện rất coi trọng mối quan hệ đối tác với Việt Nam. Và Việt Nam ngày nay đang trở thành đối tác ngày càng lớn của Mỹ. Chuyến thăm cũng đánh dấu một giai đoạn mới trong sự tham gia của Mỹ ở Đông Nam Á.
Tiến sĩ Donald K. Emmerson, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương Shorenstein thuộc Đại học Stanford, Mỹ, cho rằng, quan hệ Việt - Mỹ đã có những cải thiện rõ rệt và ổn định trong những năm gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh. Chuyên gia này dự đoán quan hệ hai nước sẽ tiếp tục được thúc đẩy bằng các chương trình nghị sự của bà Harris trong chuyến thăm.
Giới chuyên gia cho rằng, thông qua những hỗ trợ và các chuyến thăm cấp cao như của Phó Tổng thống Harris cho thấy mức độ cam kết của Mỹ trong mối quan hệ với Việt Nam. Tiến sĩ Emmerson cho biết, một trong những nhiệm vụ của Việt Nam trong tương lai là tiếp tục duy trì khả năng phục hồi và tự chủ đã có được sau gần 5 thập kỷ thống nhất đất nước. "Chuyến thăm của bà Harris có thể góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu đó", ông nói.
Thương mại là một chủ đề chính trong chuyến thăm Việt Nam của bà Harris. Sau 25 năm bình thường hóa quan hệ, quan hệ thương mại từ 450 triệu USD năm 1995 đã đạt tới gần 76 tỷ USD năm 2019. Hơn 1 năm vừa rồi, đà phát triển này cũng rất ấn tượng. Thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng mạnh với tổng kim ngạch trong 7 tháng đầu năm 2021 là 62,5 tỷ USD, trong đó Mỹ là thị trường xuất khấu lớn nhất của Việt Nam. Về đầu tư, đến năm 2020, Mỹ xếp thứ 11/135 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam và các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tiếp tục duy trì quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam.