pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chuyện tình cổ tích của chàng trai Pháp và cô giúp việc gia đình người Việt
![Chuyện tình cổ tích của chàng trai Pháp và cô giúp việc gia đình người Việt](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/1098/179072216278405120/2025/2/12/typvv-1739331711816166399643-191-0-629-700-crop-17393317179391896920686.jpg)
Vợ chồng Geogres Blanchar - Phan Thị Ý
Từ bỏ chủ nghĩa độc thân
Geogres Blanchar, người sáng lập và điều hành Liên minh Phòng, chống buôn bán người Alliance Anti-Trafic (có trụ sở tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), là một thanh niên người Pháp theo đuổi chủ nghĩa độc thân. 10 tuổi, khi lần đầu nghe được những câu chuyện về Việt Nam, anh đã ước ao được một lần đặt chân lên đất nước này. Nhưng phải đến năm 30 tuổi, Geogres mới thực hiện được ước mơ của mình.
Tháng 3/1994, khi Geogres Blanchar đến Thành phố Hồ Chí Minh làm việc, anh được một người bạn giới thiệu ở trọ tại căn nhà số 21B Lê Văn Sỹ, Quận 3. Vợ chồng chủ nhà, bà An-ông Hiếu, đã nhận anh làm con nuôi. Gia đình bà An có một cô giúp việc rất xinh xắn tên là Phan Thị Ý. Ý là con lớn của một gia đình nghèo, đông con ở Bến Tre. Sau này, khi nhớ lại đoạn đầu cuộc tình của mình, Geogres thường lắc đầu bất lực, bởi trước khi gặp Ý, anh chưa từng có ý định kết hôn, lập gia đình. "Tính tôi ưa tự do, tôi sợ gia đình sẽ trói buộc mình", anh nhớ lại.
Nhưng rồi, tình cảnh của Geogres lại diễn ra hệt như trải nghiệm của Heidegger, triết gia người Đức nổi tiếng. Trong một lá thư tình gửi cho Hannah Arendt, học trò của mình, Heidegger viết rằng, khoảnh khắc mà sự hiện diện của ai đó bỗng dưng trở thành đặc biệt với ta là một trải nghiệm vô tiền khoáng hậu, hiểu theo nghĩa mới chỉ trước đó một tháng, một ngày, một giờ, một phút, hay thậm chí một giây, người nào đó vẫn còn xa lạ với ta đến thế, vậy mà ngay giờ đây, hình ảnh, giọng nói, ánh mắt, môi cười của người ấy, không hiểu vì sao, bỗng trở nên thân thương và cụ thể xiết bao, tồn tại của họ bỗng trở nên cận kề xiết bao.
![Chuyện tình cổ tích của chàng trai Pháp và cô giúp việc gia đình người Việt- Ảnh 1. Chuyện tình cổ tích của chàng trai Pháp và cô giúp việc gia đình người Việt- Ảnh 1.](https://phunuvietnam.mediacdn.vn/thumb_w/700/179072216278405120/2025/2/12/typv2-17393316548241461719757.jpg)
Nhớ lại khoảnh khắc đầu tiên gặp vợ, Geogres nói anh như bị “tình yêu ám sát”
Trúng tên của thần ái tình, Geogres đã quyết định học tiếng Việt một cách nghiêm túc để trò chuyện với người trong lòng. Khi tình cảm không kìm nén được nữa, anh tỏ tình với cô gái: "Có muốn làm vợ anh không?". Cô trả lời: "Quê em chưa có ai lấy chồng Tây. Em sẽ không phải là người đầu tiên". Câu trả lời của cô khiến Geogres rất buồn bã. Sau nhiều ngày suy nghĩ, anh "bất chấp", viết thư bằng tiếng Việt cho bố của Ý, xin phép được tìm hiểu con gái ông. Bức thư được Geogres xóa đi nháp lại không biết bao nhiêu lần, chỉ hy vọng người đàn ông miền Tây ấy hiểu được thành ý của anh.
Khi chị Ý về thăm quê rồi trở lại thành phố, trong đống quà được bố mẹ chuẩn bị kỹ lưỡng có kèm theo lá thư hồi âm của ba vợ tương lai gửi cho Geogres. Thư viết đơn giản: nếu có thể, Geogres cho ông gặp một lần, sau khi xem mặt rồi trả lời. Gặp mặt, ông đồng ý nhưng kèm điều kiện: phải kết hôn đàng hoàng theo phong tục Việt Nam.
Khi bố vợ là "đồng minh"
Nhớ lại câu chuyện này, Geogres vẫn cảm thán: "Tôi thích ông già lắm, ông gặp tôi không hỏi chuyện tôi giàu nghèo thế nào, ông chỉ quan tâm đến cảm xúc của con gái". Nhờ "đồng minh" là bố vợ tương lai, Geogres Blanchar đã được chị Phan Thị Ý dần dần đồng ý. Lần đầu tiên, anh về Bến Tre ra mắt gia đình, cả làng đến xem mặt rể Tây. Rể Tây cũng không phụ lòng người quê hiếu khách, hòa nhập với cuộc sống ở đây rất nhanh. Hôm trước hôm sau, anh đã thích nghi với việc ngủ nhà lá và nghe cải lương.
Sau khi lấy nhau, để giúp nhà vợ có điều kiện sinh sống tốt hơn, anh Geogres đã giúp cả làng. "Bởi vì tôi sợ người dân cảm thấy không công bằng nếu tôi chỉ giúp cho một gia đình. Tôi đã xây trường cấp 1, cấp 2 cho xã, sau đó xây đường, tặng xe đạp cho học sinh nghèo. Gia đình ba vợ tôi rất vui", anh kể.
Neo đậu cuộc sống ở Việt Nam đến nay đã gần 30 năm, Geogres kể, anh chỉ về Pháp có 5-6 lần. Khi được hỏi, làm rể Việt, sống ở nơi bất đồng ngôn ngữ có khó khăn không, anh cười bảo: "Có khó khăn gì đâu, vui vẻ mà. Ở đây có vợ con, có bạn bè. Nhà chúng tôi mặc dù nhỏ xíu, nóng nữa nhưng mấy người ở quê cũng thích lên. Tôi bị phải lòng Việt Nam rồi".
Những ngày nghỉ hè, anh đưa con về quê ngoại để con đi chăn bò, nuôi gà, lội ruộng bắt cá… như những nông dân thực thụ. Các con anh rất thích cuộc sống ở quê. Bản thân Geogres cũng không gặp khó khăn gì trong việc hòa nhập với cuộc sống của quê vợ. Đến bữa ăn cơm, anh thành thạo cầm đũa như những người Việt khác. Geogres đặc biệt thích những món lẩu miền Tây với rất nhiều rau và hoa. "Trông như một tác phẩm nghệ thuật vậy", anh nhận xét. Ngày Tết, Geogres thích theo anh em đằng vợ ra tảo mộ cho ông bà, rảnh thì anh chạy xe máy đi phượt. Đi qua nơi nào, Geogres cũng lưu lại hàng tá ảnh đẹp, để thỉnh thoảng giở ra xem.
Chia sẻ về gia đình mình, Geogres cho biết, anh thích quan sát vợ dạy con, nhất là về các giá trị truyền thống như kính trọng người già, gắn bó với gia đình. Hai con gái anh đều đang du học ở Pháp, ngày nào cũng gọi điện thoại trò chuyện với cha mẹ. Anh nói: "Đó là sự gắn bó kiểu gia đình Việt Nam mà tôi rất thích. Phong tục Việt Nam rất hay, dạy mỗi người phải nghĩ cho người khác, tôn trọng người đã mất. Tôi muốn nuôi dạy con cái ở môi trường như vậy".
Gần đây, Geogres có xem qua một bộ phim tài liệu về một đầu bếp nổi tiếng thế giới có tên "Roadrunner: Một bộ phim về Anthony Bourdain" (Năm 2016, Anthony Bourdain đã cùng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ngồi ăn một bữa bún chả có giá 6 USD ở Hà Nội, tại thời điểm ông Obama có chuyến thăm Việt Nam). Geogres kể, trong phim có một câu khiến anh cảm giác như Anthony Bourdain nói hộ mình vậy: "Tôi yêu Việt Nam, có lẽ đó là một sức hấp dẫn khó cưỡng. Cảm giác giống như lần đầu ta gặp tình yêu của đời mình và cô ấy tỏa ra một mùi hương mê đắm khiến ta thấy yên lòng vậy. Với cơ hội đó, tôi cảm thấy đây là người phụ nữ khiến tôi muốn ở bên trọn đời suốt kiếp. Tôi có một ước muốn là được ở lại Việt Nam mãi mãi".