Chuyện về nghệ nhân “chắp cánh” cho đũi Nam Cao vươn ra quốc tế

An Vinh
03/10/2023 - 11:06
Chuyện về nghệ nhân “chắp cánh” cho đũi Nam Cao vươn ra quốc tế

Ông Nguyễn Đình Đại kiểm tra công đoạn cuối cùng của tấm vải trước khi giao cho khách

"Điều khiến tôi đau đáu đến giờ, làm sao có thể bảo tồn và phát triển nghề dệt đũi tơ tằm thủ công tại địa phương để người dân ở đây có thể sống được bằng chính nghề dệt đũi truyền thống", nghệ nhân Nguyễn Đình Đại (68 tuổi, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, Thái Bình) chia sẻ.

Hết lòng vì nghề truyền thống của làng

Về làng dệt đũi Nam Cao ở huyện Kiến Xương (Thái Bình) hỏi thăm ông Nguyễn Đình Đại làm nghề dệt đũi thì ai cũng biết, bởi ông là một trong những nghệ nhân chuyên nghiên cứu sản xuất các mẫu vải đũi chất lượng của xã Nam Cao và tham gia tích cực trong việc bảo tồn, phát triển nghề dệt đũi tơ tằm thủ công tại địa phương. Với những đóng góp của mình, ông Đại nhiều lần được ghi nhận vinh danh trong các giải thưởng của các bộ, ban, ngành nước ta.

Chuyện về nghệ nhân “chắp cánh” cho đũi Nam Cao vươn ra quốc tế - Ảnh 1.

Tiếng khui cửi đã ăn sâu vào tiềm thức của nghệ nhân Nguyễn Đình Đại từ nhỏ

Ông Đại chia sẻ: "Nghề dệt đũi của gia đình ông có từ 100 năm trước, thời bố ông là nghệ nhân Nguyễn Đình Bân, người có công mang nghề và cải biên nghề từ khung cửi thủ công sang máy bán cơ khí. Điều này đã giúp làng nghề có sự chuyển biến mạnh mẽ và đem lại năng suất cao, đây cũng là thời điểm đánh dấu mốc làng Nam Cao trở thành làng nghề dệt đũi chính thức".

Có lẽ đũi Nam Cao là làng nghề dệt đũi thủ công duy nhất ở nước ta còn duy trì đến ngày nay bởi việc sản xuất vải đũi ở đây được làm thủ công hoàn toàn ở tất cả các công đoạn, mỗi người một công đoạn, thậm chí có những gia đình hơn chục năm nay chỉ làm công đoạn kéo kén, có người chỉ phơi kén, có người chuyên dệt sợi… nên đũi Nam Cao vẫn có một đặc trưng mộc mạc, trơn và ánh tự nhiên, khi dùng mùa đông thì ấm, mùa hè thoáng mát, không gây kích ứng da…

Chuyện về nghệ nhân “chắp cánh” cho đũi Nam Cao vươn ra quốc tế - Ảnh 2.

Đũi Nam Cao có đặc điểm sờ mát tay, mềm mịn, khi dùng mùa đông thì ấm mùa hè thì thoáng mát và không gây kích ứng da

Nói về điểm đặc biệt của vải đũi Nam Cao, ông Đại chia sẻ, đũi Nam Cao sờ mát tay, mềm mịn, khi dùng mùa đông thì ấm, mùa hè thì thoáng mát, không gây kích ứng cho da, bởi sợi đũi tơ tằm có cấu tạo là protein tự nhiên, có thành phần chủ yếu là fibroin và được tạo ra từ con sâu tằm. Sợi này được biết đến là nguyên liệu quý trong ngành may mặc, an toàn cho da, có khả năng thấm hút tốt.

Nhiều người duy trì nghề dệt đũi ở Nam Cao yêu quý ông Đại gọi ông là "vua đũi", bởi ông là người truyền cảm hứng và phát triển nghề dệt đũi cho nhiều người trong làng. Với niềm đam mê vải đũi, hiện ông Đại đang là người sở hữu nhiều mẫu vải đũi nhất Việt Nam, có những mẫu vải đũi người làm nghề nhìn vào là nhận ra đó là sản phẩm của ông làm vì chỉ có ông mới đủ kinh nghiệm, sáng tạo và làm ra được mẫu vải đũi chất lượng cao nhưng vẫn giữ nét mộc mạc. Ông Đại tâm sự: "Yêu nghề quá, chắc khi ngừng thở thì tôi mới hết bận tâm với nghề dệt vải đũi của quê hương mình".

Bằng niềm đam mê và tâm huyết với nghề, ông Đại luôn nỗ lực tìm tòi sáng tạo ứng dụng những kỹ thuật mới để làm ra nhiều mẫu vải đũi độc đáo, sang trọng, chinh phục được các thị trường quốc tế khó tính như: Pháp, Hàn, Nhật, Thái Lan, Lào… Trong đó, phải kể đến đất nước Thái Lan đã trở thành thị trường xuất khẩu đũi quen thuộc hơn hai mươi năm qua của gia đình ông Đại.

Các công đoạn sản xuất vải đũi đều được làm thủ công

Tuy nhiên, khi nói về làng đũi Nam Cao, ánh mắt ông Đại có chút trầm tư, ông kể, đã có thời gian nghề dệt đũi của làng phải đi vào hoạt động cầm chừng, thậm chí một số gia đình lâu năm cũng phải bỏ nghề vì hàng làm ra không bán được lại khó cạnh tranh với mặt hàng công nghiệp, đặc biệt vào những năm Covid-19 (2019, 2020) người dân ở đây hiếm khi nghe được tiếng khung cửi hoạt động, tiếng kéo sợi đều tay... Đến nay, cả xã chỉ còn vài chục hộ gia đình còn duy trì khung dệt và vài trăm hộ nhận làm thủ công các công đoạn sản xuất vải đũi.

Điều này khiến một người yêu nghề yêu quê hương như ông Đại càng trăn trở với suy nghĩ làm sao có thể bảo tồn và phát triển nghề dệt đũi tơ tằm thủ công tại địa phương, để người dân ở đây có thể sống được bằng chính nghề dệt đũi truyền thống.

Chuyện về nghệ nhân “chắp cánh” cho đũi Nam Cao vươn ra quốc tế - Ảnh 4.

Ông Đại đón tiếp những vị khách tham quan, tìm hiểu tại làng nghề dệt đũi Nam Cao.

Với mong ước của một nghệ nhân hết lòng vì quê hương, không chỉ mong được bảo tồn nghề đũi quê mình, ông Đại mong các sản phẩm của đũi Nam Cao tiếp tục bay cao, bay xa đến với bạn bè quốc tế.

Đau đáu là thế, nên dù ở cái tuổi được nghỉ ngơi, quầy quần bên con cháu. Nhưng với tình yêu nghề đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, hàng ngày ông Đại vẫn cùng gia đình và người dân trong làng một mặt tìm đầu ra cho vải đũi của quê mình, mặt khác ông trực tiếp đi các nước để học hỏi thêm kinh nghiệm nhuộm vải nhằm cải tiến vải đũi Nam Cao để sản phẩm đũi quê hương mình được hoàn thiện hơn.

Kế tục nghề và "chắp cánh" để đũi Nam Cao bay cao, bay xa

Điều khiến ông Đại vui mừng là giờ đây có thêm người bạn đồng hành và kế tục nghề truyền thống của gia đình, của quê hương mình sẽ là các con, các cháu trong gia đình.

Với ánh mắt của một người phụ nữ hạnh phúc vì được tiếp cận đến vải đũi Nam Cao, chị Đỗ Thị Tâm, con dâu ông Đại, chia sẻ, chị vốn không phải người ở Nam Cao, những năm đầu về làm dâu nhà chồng, chị cũng không quan tâm về nghề, cũng không có ý định kế tục nghề sản xuất vải đũi quê chồng. 

Chuyện về nghệ nhân “chắp cánh” cho đũi Nam Cao vươn ra quốc tế - Ảnh 5.

Tất cả trang phục của chị Tâm đều được làm từ đũi tơ tằm

"Thế nhưng thật sự đến khi được khoác chiếc áo làm từ vải đũi ở đây lên người, mình mới thấy trân trọng và thích đến nhường nào. Điều đó khiến mình phải thôi thúc làm gì đó để bảo tồn được nghề dệt vải đũi Nam Cao, nếu nghề bị mai một rồi mất đi thì phí lắm. Hơn nữa mặc những chiếc áo, chiếc váy được làm từ vải đũi sẽ thấy mình trở nên tự tin hơn. Nhiều chị em bảo sao nhìn chiếc áo đơn giản vậy mà khoác lên người trên nên quý phái thế, quả thực chất liệu vải đũi đã làm nên một điều gì đó không thể lý giải nổi", chị Tâm chia sẻ.

Điều khiến chị Tâm tự hào khi được mang vải đũi của xưởng nhà mình ra giới thiệu cho khách là có một số loại vải đũi mà cả nước chỉ nhà chị mới có, những loại vải đũi này thường sẽ được tặng cho các chính khách. Bởi vải đũi đặc biệt như vậy sẽ được tuyển chọn rất kỹ, phải trải qua 16 công đoạn thủ công khác nhau, như: Chọn kén, húi kén, kéo sợi đũi tơ tằm, chuỗi đũi, xe sợi, đánh suốt, dệt vải, nhuộm vải…. Đặc biệt, khi lên thành phẩm sẽ toát lên khí chất trang trọng, mang đậm nét văn hóa Việt Nam.

Chuyện về nghệ nhân “chắp cánh” cho đũi Nam Cao vươn ra quốc tế - Ảnh 6.

Hiện tại chị Tâm ấp ủ dự định không xa, xưởng của gia đình chị không chỉ chuyên sản xuất đũi thủ công, mà tiếp tục từ những tấm vải đũi đó chị sẽ thiết kế nên những bộ thời trang mang thương hiệu vải đũi tự nhiên, bắt kịp xu thế hiện đại nhưng vẫn giữ nét văn hóa truyền thống, lại đảm bảo an toàn sức khỏe mang trường năng lượng tích cực đến người dùng.

Trong khi nhiều người từ bỏ nghề truyền thống, thì chị Tâm vẫn miệt mài vừa tìm cách nối nghiệp cha ông để lại, vừa xây dựng những hoạt động cộng đồng để lan tỏa, làm sống lại làng nghề của quê hương mình.

Với các thông tin về làng dệt đũi Nam Cao được chị Tâm cập nhật trên webiste Luaduinamcao.com, fanpage Làng nghề dệt đũi Nam Cao Thái Bình. Đây là nơi cung cấp những bài nội dung mang tính chính thống của làng, những thông tin hay những sản phẩm của làng sẽ được cập nhật kịp thời, hứa hẹn sẽ trở thành địa chỉ quen thuộc của những người con làng nghề dệt đũi Nam Cao, hoặc đơn giản là nơi để cho những du khách muốn tìm hiểu về làng nghề truyền thống dệt đũi Nam Cao tìm đến.

Liên hệ: Xưởng dệt đũi tơ tằm Dai Hoa Silk

Website: https://daihoasilk.com

Facebook: https://www.facebook.com/daihoasilk11?ref=embed_page

Địa chỉ: Thôn Cao Bạt Đoài, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình

Địa chỉ giao dịch: Khu đô thị Vinhome Greenbay, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Hotline: 0986 85 85 55

Email: daihoasilk@gmail.com

 


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm