Cô bé ghép gan đi vào lịch sử ngành y Việt Nam sắp thành dược sĩ

14/05/2017 - 11:49
13 năm trước, ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam kéo dài 16 tiếng của Nguyễn Thị Diệp được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm. Thoát khỏi “cửa tử”, cô bé Diệp ngày nào giờ đã lớn, chuẩn bị trở thành dược sỹ.
Đầu tháng 4, tiết trời Hà Nội khá oi nồng, anh Nguyễn Văn Phòng (SN 1972), quê ở xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, dắt tay con gái Nguyễn Thị Diệp (SN 1997) vào Bệnh viện 103 để tái khám. Anh Phòng kể: “Tháng nào bố con tôi cũng lên Hà Nội để kiểm tra sức khỏe, có tháng khám hai lần”. Trìu mến nhìn con, anh bảo: “Con bé phải uống thuốc hàng ngày, sức khỏe không thể như người bình thường nhưng chưa bao giờ nó bi quan, than thở hay kêu ca mệt mỏi, đau đớn”.
diep.jpg
Anh Nguyễn Văn Phòng và cháu Nguyễn Thị Diệp trong một lần tái khám ở bệnh viện
Anh Phòng cho biết, 13 năm qua, Bệnh viện 103 đã trở thành ngôi nhà thứ hai của 2 cha con. Bác sỹ Trần Văn Mạnh, PGS. TS, Chủ nhiệm bộ môn Hồi sức cấp cứu (Học viện Quân y), người chịu trách nhiệm chính theo dõi, điều trị cho Diệp sau ca mổ, đã nhận Diệp là con nuôi.

Được sự quan tâm của Ban Giám đốc Bệnh viện, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Quân y, Diệp đã nộp hồ sơ và đang hoàn thiện thủ tục để vào công tác tại bệnh viện. “Từ khi được cứu sống sau ca ghép gan 13 năm trước, em luôn mong sau này trở thành dược sĩ, được biết nhiều loại thuốc để chăm sóc tốt sức khỏe cho mình và cho mọi người. Mơ ước của em sắp thành hiện thực”, Diệp nói, ánh mắt lấp lánh niềm vui.

Nhìn cô gái trẻ xinh xắn, ánh mắt rạng rỡ khi nói về tương lai, khó tin rằng 13 năm trước, gia đình đã hết hy vọng về cơ hội được sống của em.

Anh Phòng kể, khi sinh ra, Diệp bụ bẫm như người bình thường nhưng da vàng vọt, rất còi cọc. Đưa con lên Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu điều trị cả tháng, bệnh tình Diệp càng nặng hơn, ăn gì thì đại tiện ra cái đó. Gia đình đưa Diệp lên Bệnh viện Nhi Trung ương, Diệp được chẩn đoán bị chứng teo đường mật bẩm sinh. Ba tháng tuổi, Diệp lên bàn mổ phẫu thuật mở đường mật nhưng sau phẫu thuật, Diệp bị biến chứng dẫn tới xơ gan.
diep-1.jpg
Diệp đã và đang thực hiện ước mơ của mình là trở thành một dược sĩ
“Từ đó, bụng con cứ to dần lên. Gia đình đưa con đi khắp các Bệnh viện Nhi, Bạch Mai, Việt Đức... nhưng lá gan của con đã xơ lại thành một cục nhỏ, thêm biến chứng tăng áp lực tĩnh mạch và liên tục chảy máu tiêu hoá. 10 tuổi, bụng Diệp căng như quả bóng. Các bác sỹ nói, sự sống của con chỉ được tính bằng tháng...”, anh Phòng nhớ lại.

Đúng lúc gia đình đang ở giai đoạn bi quan nhất, Học viện Quân y quyết định chọn bé Diệp thực hiện ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam. Thời điểm đó, ghép gan còn là một khái niệm xa lạ, nên đoàn bác sỹ đến từ Nhật Bản, Học viện Quân y, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tìm về tận huyện Hải Hậu (Nam Định) để thuyết phục anh Phòng. Lúc đó, bé Diệp cùng ông nội vừa rời bệnh viện Nhi Trung ương sang Bệnh viện Việt Đức, nên anh Phòng mời đoàn bác sỹ ăn cơm, rồi anh đưa cả đoàn lên Hà Nội thăm bé Diệp.

Thời điểm đó, có 6 cặp được lựa chọn để thực hiện ghép gan nhưng cuối cùng chỉ mình bố con anh Phòng giữ quyết tâm đến cùng, còn 5 cặp kia đều lần lượt bỏ cuộc. “Tết năm đó, bố con tôi ăn Tết tại Bệnh viện 103 để ăn kiêng, nằm phòng cách ly chờ đợi ghép gan. Đó là một cái Tết vừa nặng nề, có thể hai bố con sẽ chẳng có cơ hội trở về nhà nhưng cũng là cái Tết cho chúng tôi le lói hy vọng cứu sống con”, anh Phòng nhớ lại.

Ngày 31/1/2004, ca phẫu thuật đi vào lịch sử ngành y Việt Nam đã diễn ra trong 16 giờ, với sự trợ giúp của các y bác sĩ Nhật Bản và chuyên gia Việt Nam. Sau ca mổ, anh Phòng hồi phục tốt, cơ thể Diệp thích nghi tốt với 33% lá gan của bố hiến tặng.

Sau 8 tháng nằm viện, cô bé Diệp đã hồi sinh, trở về nhà. Sự kỳ diệu của y học cùng lá gan và tình yêu thương của người cha đã theo cơ thể của bé Diệp mà lớn lên, để hôm nay em sắp trở thành dược sỹ tại chính bệnh viện đã cứu sống em. Con người ai cũng có thăng trầm, điều quan trọng là dũng cảm đối mặt với nó và kiên nhẫn tìm cách giải quyết tốt nhất, may mắn sẽ mỉm cười với người nỗ lực hết mình. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm