Cô ca sĩ nuôi ước mơ từ suất cơm 3 nghìn đồng

22/03/2018 - 08:05
Ít ai ngờ được, nữ ca sĩ giành giải Ba cuộc thi Sao Mai 2017 dòng Dân gian Mai Thương từng trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn, phải tằn tiện đến nỗi chỉ dám ăn suất cơm 3 nghìn đồng để dành tiền học nhạc.
1.jpg


Giấu bố mẹ thi trường nhạc

Năm học lớp 1, cô nhóc Mai Thương bé tí teo đã được chọn đại diện cho học sinh toàn trường lên hát trong ngày hội của trường. Suốt những năm tháng học trò, Mai Thương là cây văn nghệ đình đám cả vùng Gia Bình, Bắc Ninh. Cô hát vì say, vì mê thôi, chứ không bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày mình trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, trải qua đào tạo bài bản. Gia đình không có ai làm nghệ thuật, kinh tế cũng chẳng phải khá giả gì, ánh đèn sân khấu lung linh là một chuyện quá xa vời với Mai Thương.

Chính thầy giáo chủ nhiệm năm lớp 12 là người đã nhen nhóm ước mơ cho Mai Thương khi khuyên cô thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cô làm hồ sơ, nhưng giấu bố mẹ, nói dối là nộp vào trường Cao đẳng Mẫu giáo Trung ương. Cô khăn gói lên Hà Nội thi vào cái nôi đào tạo âm nhạc số 1 và... trượt! Hành trang của cô học trò trường làng chỉ duy nhất là giọng hát bản năng, không biết nốt nhạc là gì, nhìn chỉ thấy như... giá đỗ loằng ngoằng.

Nhưng chính việc tham gia thi tuyển vào Nhạc viện mới thực sự thổi bùng trong Mai Thương khao khát trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, mà lý do thì thật... trẻ con, hồn nhiên: Ban giám khảo chấm thi là những giọng hát mà cô mê mẩn từ lâu như NSND Quang Thọ, Trọng Tấn, Anh Thơ... Vậy nên khi “trượt vỏ chuối” rồi, cô vẫn không nản, quyết tâm thi lại lần nữa. Cô lên một kế hoạch táo bạo: Nói dối bố mẹ là đã thi đỗ Cao đẳng Mẫu giáo và xin bố mẹ lên Hà Nội học.

5.jpg

Bố mẹ Mai Thương “tháp tùng” con gái đi nhập học trường mầm non, ngờ đâu rằng khi ngồi chờ ở ngoài đợi con làm thủ tục thì con gái đã... lén bắt xe ôm sang Nhạc viện đăng ký luyện thi. Suốt cả năm học tiếp đó, hàng tháng họ chắt chiu gửi tiền lên Hà Nội cho con gái ăn học, yên tâm con mình sẽ trở thành cô giáo dạy trẻ trong mấy năm nữa.

Đến khi trúng tuyển vào Học viện Âm nhạc Quốc gia, đối mặt với... khoản tiền học phí quá cao, Mai Thương mới dám khai thật với bố mẹ. Cả gia đình từ cha mẹ cho tới ông bà đều không ủng hộ, thấy chuyện làm ca sĩ sao mà mông lung, bấp bênh, chỉ muốn con cháu mình trở thành một cô giáo cho ổn định. Nhưng rồi, trước đam mê của Mai Thương, họ đành miễn cưỡng gật đầu...

Tằn tiện ăn cơm 3 ngàn đồng để dành tiền học hát

Trong khi phần lớn bạn bè có được nền tảng nghệ thuật, sự hậu thuẫn lớn từ gia đình thì Mai Thương gần như phải một mình tự bơi. Thiếu thốn đủ thứ, từ tiền bạc đến các mối quan hệ, nhưng cô gái từ vùng quê Bắc Ninh không vì thế mà nguội tắt niềm say mê ca hát. Thời gian trốn cha mẹ ở Hà Nội ôn thi vào Nhạc viên, cô bị ngã xe gãy chân, phải bó bột, nằm ở nhà suốt mấy tháng trời.

Những ngày luẩn quẩn trong ngôi nhà của mình ở quê, Mai Thương thèm được học hát, được luyện thanh hơn bao giờ hết. Có những khi, cô ứa nước mắt tuyệt vọng vì nghĩ rằng chân mình đã hỏng, và như thế thì khó mà đứng trên sân khấu. Cô cật lực tập đi, làm mọi cách cho chân bình phục để nhanh chóng quay lại Hà Nội học hát.

Thời gian ôn thi vào Nhạc viện, Mai Thương ở trên tầng 7 ký túc xá của trường. Vào mùa lạnh, cô và các bạn cùng phòng phải mua nước nóng từ tầng 1 xách lên tầng 7 để tắm. Cô xung phong nhận nhiệm vụ xách nước giúp mọi người trong phòng để tập cơ chân cho khỏe. Nhờ kiên nhẫn luyện tập, từ dáng đi “chấm phẩy”, đôi chân của Mai Thương đã trở lại bình thường.

2.jpg 

Thi đỗ vào trường nhạc được một thời gian, Mai Thương bươn ra đi hát. Cô đi diễn không chỉ để rèn luyện khả năng sân khấu mà còn là vì mưu sinh thực sự. Đặc biệt là từ khi bố cô đột ngột qua đời, để lại mẹ cô một mình nuôi 3 đứa con ăn học. Thương mẹ vất vả, Mai Thương cố gắng chạy sô, không nề hà lớn nhỏ, miễn là có thể tự nuôi mình, giảm bớt một gánh nặng cho mẹ ở quê.

Cô nhận hát đám cưới, hát tiệc ở những nhà hàng nhỏ, cát xê từ 100 đến 200 ngàn đồng. Không có xe, cô phải nhảy xe bus hoặc bắt xe ôm, thù lao đi hát có khi chi trả đi lại cũng gần hết. Cô tằn tiện chắt chiu, chỉ dám ăn suất cơm 3 nghìn, dành dụm tiền đi học.

Giờ nhớ lại những ngày tháng đó, đến chính Mai Thương cũng thấy vừa thương mình, vừa... nể mình. Bao nhiêu là khó khăn, nhưng vì tình yêu quá lớn dành cho âm nhạc, cô đã vượt qua tất cả, để có được ca sĩ Mai Thương của ngày hôm nay.

2 lần “chinh chiến” tại giải Sao Mai

Nếu như Mai Thương thi đến năm thứ 2 mới đỗ vào Học viện Âm nhạc Quốc gia thì với giải Sao Mai, cô cũng phải qua 2 lần “chinh chiến” mới giành được vinh quang. Năm 2013, cô nộp hồ sơ dự thi từ Đài Truyền hình Bắc Ninh, và vào đến chung kết của tỉnh thì bị loại. Mai Thương nói, hồi đó chuyên môn của mình chưa tốt, phong cách biểu diễn còn non, nên thất bại cũng là điều dễ hiểu. Nhưng cô vẫn nung nấu quyết tâm chinh phục giải thưởng này.

Đến năm 2017, sau khi tốt nghiệp thanh nhạc xuất sắc và trở thành ca sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam, Mai Thương đã tự tin hơn để tiếp tục tham gia sân chơi ca hát chuyên nghiệp này. Giải Nhất ở vòng thi tỉnh do Đài Truyền hình Bắc Ninh tổ chức đã là một liều thuốc kích thích để Mai Thương bứt phá, từ đó tiến sâu hơn vào vòng trong và giành giải Ba Sao Mai dòng dân gian.

6.jpg 

Mai Thương cho biết, giải Sao Mai đã mang lại cho cô quá nhiều niềm vui, niềm vinh dự. Bắc Ninh là quê hương Quan họ, nhưng từ trước tới nay mới chỉ duy nhất Mai Thương giành được giải thưởng Sao Mai ở dòng dân gian. Bởi thế, khi Mai Thương được ghi danh, đích thân Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh đã gọi cô đến động viên, khen ngợi và tặng Bằng khen cho cô.

Tiếp đó, Đài Truyền hình tỉnh làm phóng sự về cô. Mẹ cô vui quá, mở tiệc mừng ở quê cho con gái to chẳng kém gì đám cưới. Rất nhiều họ hàng, bạn bè, thầy cô rồi cả lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã cũng đến chung vui, khiến làng cô như có hội. Đến cả em trai Mai Thương cũng... nổi tiếng lây khi đi đâu cũng được giới thiệu là có chị gái đoạt giải Sao Mai.

Với Mai Thương, Sao Mai là một giải thưởng âm nhạc chuyên nghiệp mà cô luôn mơ ước được chạm vào. Từ khi còn là một đứa trẻ học trường làng, cô đã say sưa theo dõi cuộc thi này trên sóng truyền hình. Cô còn nhớ trong giải Sao Mai 2003, cô mê mẩn Phạm Phương Thảo khi nữ ca sĩ này hát Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh. Sau đó, Mai Thương cứ... lảm nhảm suốt ngày ca khúc này, và cô không ngờ rằng 14 năm sau, với giọng hát ngọt ngào đậm chất dân gian đã được “tôi” qua nhiều thử thách, cô cũng giành giải Ba Sao Mai như nữ ca sĩ mình hâm mộ.

Mai Thương tâm niệm, Sao Mai là một bệ phóng để từ đó cô bứt phá, khẳng định mình. Cô ý thức được rằng giải thưởng chỉ là một dấu mốc, còn sau đó khán giả sẽ đón nhận như thế nào thì phụ thuộc vào sự nỗ lực của mình.

Ngay sau khi rời cuộc thi, cô đã định cho ra mắt MV để giới thiệu đến khán giả, nhưng rồi lại hoãn vì cô muốn chuẩn bị kỹ càng hơn nữa. “Tôi muốn sản phẩm đầu tiên của mình phải được trau chuốt cẩn thận cả về âm nhạc lẫn hình ảnh để không phụ lòng người yêu mến mình”, Mai Thương nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm