Cô dâu Việt xoay xở thích nghi cuộc sống mới ở Hàn Quốc

10/03/2018 - 08:15
10 năm làm dâu xứ người mà chỉ được về Việt Nam thăm quê 2 lần, vợ chồng vẫn còn chưa hiểu được nhau, vẫn đầy bất đồng về ngôn ngữ, việc nuôi dạy con còn quá khó khăn... Những cô dâu Việt đã phải xoay xở như thế nào để thích nghi và hòa nhập?
Cô dâu Việt Nguyễn Thị Mộng Nhung (SN 1977) ở T.P HCM lấy chồng ở huyện Yeongdeok (Gyeongsangbuk-doc, Hàn Quốc) từ năm 2007. Cô cho biết: "Lúc mới qua, người Việt ở đây đếm trên đầu ngón tay nên tôi không được giao lưu, hỗ trợ nhiều. Việc học ngôn ngữ cũng rất khó. Trong một thời gian dài, tôi chỉ biết nói những từ thông dụng như "ăn cơm", "xin chào"… thành ra phải chịu khó khăn, thiệt thòi trong cuộc sống rất nhiều. Khi vợ chồng có mâu thuẫn, bất đồng cũng không thể diễn đạt được ý mình. Việc dạy con cũng bị hạn chế, phải trông cậy vào chồng nhiều".
Gần đây, khi số lượng cô dâu Việt ở Yeongdeok tăng lên hơn 100 người, chị Nguyễn Thị Mộng Nhung bắt đầu có cơ hội được tiếp xúc, gặp gỡ với đồng hương nhiều hơn và được động viên, giới thiệu đến Trung tâm hỗ trợ gia đình Đa văn hóa của huyện để học ngôn ngữ.
Còn tại thành phố Deagu, cô Back Son Mi (đại diện Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa quận Dalseo) cho biết: "Ở trong quận chúng tôi hiện có trên 1.000 cô dâu Việt đang sinh sống, làm việc, làm vợ… Do sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống... các cô dâu đã gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong cuộc sống gia đình, nên họ phải tìm kiếm rất nhiều sự giúp đỡ. Hàng tuần, đều có các cô dâu đến đây để học tiếng Hàn, học nấu ăn các món Hàn Quốc, thăm khám sức khỏe, học yoga, học lái và thi lấy bằng lái xe ô tô, nhờ tư vấn hôn nhân, ly hôn, mâu thuẫn, tư vấn bạo lực gia đình, thủ tục hành chính, pháp lý, tạm lánh, hòa giải, hỗ trợ tìm việc...
Ngoài thời gian chăm sóc gia đình, lo kiếm tiền để vừa gửi về cho gia đình ở Việt Nam, vừa lo cho gia đình riêng bên này, mỗi tuần, các cô dâu Việt còn phải đều đặn tham dự các lớp học tiếng Hàn diễn ra trong 2 giờ (mỗi tuần 3 buổi).
Các cô dâu Việt tham gia các lớp học về văn hóa, lịch sử, truyền thống... của nước sở tại.
Mẹ con "bồng bế" nhau đi tham dự các khóa học làm mẹ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa và chồng là anh Yoon Chun Hee. Trước đó, do anh chồng nghiện rượu (thường xuyên trong trạng thái say xỉn) nên thường xuyên mắng chửi, bạo hành vợ... Để mong thoát khỏi tình cảnh đó, chị Hoa nhiều lần tìm tới Trung tâm Văn hóa Phụ nữ Việt Nam để được giúp đỡ: tham vấn, hỗ trợ chồng điều trị cai rượu...
Gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, cô dâu Việt đến Trung tâm hỗ trợ cô dâu Việt để nhờ phiên dịch và khai báo vào các mẫu đơn.
Chị Trần Thị Hương lấy chồng Hàn Quốc năm 2011 và đã từng 1 lần ly hôn. Chị gặp phải rất nhiều rắc rối liên quan đến thủ tục pháp lý khi ra tòa. Để mong giải quyết vấn đề của mình, chị đã tìm đến Trung tâm Văn hóa Phụ nữ Việt Nam tại thành phố Deagu để nhờ hỗ trợ. Đây là Trung tâm chuyên thực hiện các chương trình giáo dục đào tạo hỗ trợ các cô dâu Việt học ngôn ngữ, nấu ăn, văn hóa thường thức, học luật pháp cơ bản, học cách thích nghi với cuộc sống thường ngày... Chị Hương cho biết: "Sau rất nhiều năm nỗ lực để học tiếng, tìm kiếm việc làm tạo ra thu nhập ổn định, hiểu văn hóa, lối sống, con người Hàn Quốc... gần đây tôi mới có được 1 cuộc sống gia đình ổn định".
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm