Cố đẻ con trai phần lớn do sức ép xã hội

16/06/2016 - 09:00
Có những gia đình vẫn nói rằng “muốn sinh bằng được con trai”, nhưng nhiều khi không phải nhu cầu thực tâm mà chỉ do chịu nhiều sức ép từ dòng họ, bạn bè hay xã hội.
Trước đó, chị Hà Thị Dịu (ở Thị trấn Mai Châu, Hòa Bình), khi được mời xuống Hà Nội tham dự trong một diễn đàn có tên là: “Thế giới sẽ ra sao nếu chỉ có đàn ông?”. Tại đây, chị đã có những chia sẻ rằng: “Vẫn biết sinh con nào cũng là con song trong thực tế nhà mình, việc chỉ sinh toàn con gái từng là “điều không tốt. Mặc dù 2 cô con gái nhà này đều ngoan, xinh xắn, học giỏi nhưng nhiều khi người ta cứ lấy chúng ra chê trách, khiến cho tâm lý của vợ chồng nhiều khi cũng bất ổn”.

Chị kể, mỗi khi trong nhà có giỗ, chạp đình đám lớn, mổ lợn, bắc rạp, người thiên hạ đến cứ chép miệng bảo: “Nếu đẻ được thằng con trai thì khi có việc lớn thế này, nó cũng gánh vác việc nặng thêm cho một tí”. Bên mâm rượu, mỗi khi chồng chị bị ép uống mà anh từ chối, lại có người ngậm ngùi: “Giá mà đẻ được thằng con trai thì giờ có bố có con cùng vui, rồi nó uống đỡ cho vài chén!”. “Chỉ có hai con gái thế này thì ra xã hội sao bằng bạn bằng bè?”...
1.jpg
 Nhiều ông chồng đã bị tác động bởi những lời gièm pha vô tình hoặc kích động.
(Ảnh - Họa sĩ Lý Thu Hà).
Nhiều lần bị nghe những lời gièm pha ấy, chồng chị bắt đầu bị tác động. Về sau, anh tuy không tỏ thái độ rõ ràng như người ta là bỏ bê nhà cửa, dằn vặt vợ con, đe dọa, bắt vợ phải đẻ, đi ngoại tình... nhưng cứ mỗi lần đi ra thiên hạ về, nghe nói về việc sinh con trai, con gái thì anh lại tìm đến rượu, ngồi uống một mình, vẻ mặt rất chán đời. Nhìn chồng như vậy, chị Dịu tuy không hề muốn đẻ nhưng vẫn cứ chặc lưỡi nghĩ “Hay là lại phải sinh thêm thằng cu!”.

Tại Thành phố Sông Công (Thái Nguyên) - một “điểm nóng” về mất cân bằng giới tính khi sinh - năm 2013 là 121 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2014 là 121 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2015 là 119 trẻ trai/100 trẻ gái và riêng 4 tháng đầu năm 2016 này, đã tăng lên thành 132 trẻ trai/100 trẻ gái, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 8,4%...

Các nhà nghiên cứu dự báo rằng, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số của Việt Nam trong tương lai, dẫn tới dư thừa nhiều nam giới trong xã hội. Việc thiếu phụ nữ sẽ làm cho rất nhiều nam giới khó khăn trong việc tìm bạn đời để kết hôn. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh dư thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không thể kết hôn.

 
Cách đây 2 năm, chị Phan Hoài Thư (phường Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) khi ấy đã 48 tuổi, có hai con đang học Đại học, nhưng vẫn tìm đến Trung tâm Công nghệ phôi (Học viện Quân y, Hà Đông, Hà Nội) để nhờ can thiệp về sinh sản, mong được sinh con thêm một lần nữa và mong sao đó là một thằng con trai.

Chồng chị Thư không phải là con trai trưởng trong họ. Dạo vợ chồng còn ở quê dưới Quốc Oai (Hà Nội), thỉnh thoảng chị cũng có nghe chút điều tiếng về việc “sinh toàn vịt giời”. Khi ấy, chị Thư từng hỏi chồng “Có nên đẻ nữa?” nhưng chính chồng gạt đi “Thôi, số mình thế thì chịu thế”. Chị không dám hỏi gì thêm, nửa mừng rỡ vì nghĩ rằng “Lấy được người chồng tiến bộ”, nửa vẫn nghi ngờ:“Chắc anh ấy đang trong diện cán bộ nguồn, sợ vi phạm chính sách dân số!”. Sau đó, vợ chồng chuyển việc, chuyển nhà lên Hà Đông. Kinh tế gia đình dần khá lên, chồng chị dần thành đạt rồi 4 năm trước thì trở thành giám đốc. Kể từ ngày chồng có chức tước cũng là lúc nhu cầu “phải sinh bằng được con trai” xuất hiện ở chị Thư mạnh mẽ.
4.jpg
Nhiều người, dù là giàu có, có học vấn cao, vẫn bị tác động bởi những tư tưởng cũ. Theo Nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA): nhóm 20% dân số nghèo nhất thường có tỉ số giới tính khi sinh rất gần với mức tự nhiên là 105 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Trong khi đó, với nhóm dân số giàu thì con số này lên đến 112. (Ảnh - Họa sĩ Lý Thu Hà).
Chả là mỗi khi có người ở quê lên chơi, nhìn vào căn nhà mặt phố to, 4 tầng của gia đình, họ lại buông lời: “Chồng làm việc quần quật để tạo cơ ngơi khang trang thế này mà không có con trai thì cũng buồn nhỉ? Sau này ai sẽ thừa kế?”. “Xây nhà to để dành cho các thằng con rể nó hưởng. Phí nhỉ!”. Các nữ đồng nghiệp, các cô bạn thì thỉnh thoảng rỉ tai chị: “Họ bảo trai hay gái đều được thì chỉ là nói dối lòng mình thôi!”. “Đàn ông, 100 người thì cả 100 đều thích có con trai!”. “Càng những người giàu có, thành đạt mà không có con trai thì chuyện họ có bồ bịch, mong tìm người nối dõi ở bên ngoài là chuyện đương nhiên!”. “Phải thận trọng, biết đâu có ngày ông ấy lại nhắm ai đó đẻ hộ! Nếu không cố mà sinh cho được con trai, mai kia bỗng đâu có ngày chồng lại đưa một thằng cu về đòi hưởng hết tài sản thì lúc ấy 3 mẹ con gái chỉ trắng tay!”; “Cứ phải đẻ con trai đi cho chắc ăn”...

Thế là chị Thư bất chấp tuổi tác, sức khỏe, bất chấp sự phản đối của chồng, của gia đình, bất chấp việc chữa trị khó khăn, tốn kém.... quyết làm thụ tinh ống nghiệm, mong đẻ bằng được một thằng con trai đúng theo “mong muốn”, “nghi ngờ”, “phán đoán” đầy định kiến từ những người ngoài cuộc...

Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Đề án về “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giai đoạn 2016-2025” với mục tiêu khống chế hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh. Trong đó, phấn đấu giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh xuống dưới mức 115/100 vào năm 2020, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này đạt khoảng 107/100 sau năm 2025, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

Một số giải pháp chính mà Đề án hướng tới, là nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh;  truyền thông  nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, truyền thông cho các cặp vợ chồng, những người đứng đầu dòng họ và gia đình, nam - nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn, những người cung cấp dịch vụ có liên quan về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, lựa chọn giới tính thai nhi, giới và bình đẳng giới…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm