pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cô gái 8X bỏ việc ngân hàng vì muốn... giấy nở hoa
Ngã rẽ
Sản phẩm làm ra để trưng trong nhà và tặng bạn bè, đồng nghiệp. Cùng với thời gian, Hiếu nhận ra mình không chỉ yêu mà say mê những bông hoa giấy. Cô thích những đóa hoa sặc sỡ được tạo hình bởi đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân và thích thú khi tự mình làm ra những đóa hoa tương tự. Rồi một ngày người thân, bạn bè ngỡ ngàng khi Ngọc Hiếu quyết định bỏ nghề, "dấn thân" vào đam mê... hoa giấy.
Ngọc Hiếu lao vào công việc làm hoa giấy một cách nghiêm túc và khoa học. Cô mày mò học hỏi để giấy nở thành hoa. Không dừng lại ở những bông hoa "sao nguyên bản gốc" Thanh Tiên, cô bắt đầu "thổi hồn" vào tác phẩm với những sáng tạo của tuổi trẻ.
Lợi thế của Ngọc Hiếu là có năng khiếu nghệ thuật và sở hữu một quầy hoa tươi nhưng hơn hết, cô có trách nhiệm với quyết định của chính mình. Hiếu tự nhủ: "Đã làm thì phải làm cho tới, phải tìm hiểu kỹ, tìm hiểu sâu mới nâng cao chất lượng", mỗi bông hoa phải là một sản phẩm có giá trị về thẩm mỹ.
Cô dành nhiều thời gian quan sát, phân tích rồi mô phỏng đặc điểm từng loài hoa. Hiếu lần lượt tìm đến những chất liệu mới như vải, giấy nhúng để so sánh tìm ưu điểm lẫn nhược điểm của từng nguyên liệu. Cuối cùng, cô tìm đến với giấy mỹ thuật. Sản phẩm ra đời được bạn bè yêu thích.
Hoa giấy Thanh Tiên không xa lạ với người Huế hay với những người quan tâm, yêu thích hoa giấy. Nhưng làng nghề trên 300 năm lại gặp nhiều khó khăn trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống. Theo Ngọc Hiếu, đó là do nhu cầu sử dụng hoa giấy truyền thống giảm, không phát triển được thị trường mới. Trách nhiệm giữ nghề chỉ là sự băn khoăn của người già.
Kết hợp hoa giấy với hội họa
Phải chăng, đã đến lúc sản phẩm cần được thổi vào tinh thần sáng tạo? Hoa giấy nói chung và hoa giấy Thanh Tiên cần được nở rộ trong cuộc sống hiện đại với những công năng mới, hơn là một loại hoa dùng để thờ cúng dịp lễ Tết?
Ý tưởng này đã giúp Ngọc Hiếu tiến một bước vào nghệ thuật hoa giấy khi cô kết hợp hoa giấy với hội họa. "Tranh - hoa giấy" ra đời là tâm huyết của tác giả. Cô tỷ mẩn trước từng đường vân, nét bút, màu sắc cánh hoa... Tác phẩm thu hút sự quan tâm không chỉ giới chơi hoa giấy mà cả những người có con mắt hội họa.
Từ những thành công này, một tiệm hoa giấy hiện đại ra đời giữa lòng thành phố Huế mang tên "May Paperflower". Cô chủ tự thiết kế để mỗi tác phẩm mang trong mình một câu chuyện riêng, như bức "My first day in DL" là một bức tranh với những bông hoa giấy được "chuyển thể" từ bó hoa tươi khách hàng gửi tặng người yêu trong buổi hẹn hò đầu tiên. Hay bức "Mộng mơ ở Giverny" đậm chất thơ được lấy cảm hứng từ bức "Khu vườn Giverny" của danh họa Monet... Những đứa con tinh thần này nhanh chóng tìm được những người yêu thích "tranh hoa giấy" của Hiếu.
Tập trung tìm kiếm cơ hội mới cho hoa giấy, May Paperflower (số 3 Hùng Vương, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đem lại những sản phẩm ứng dụng trong trang trí nhà cửa. Tác phẩm được cân nhắc từ màu sắc, ý nghĩa loài hoa để phù hợp với ý thích của gia chủ.
Điều lạ mà không lạ, đó là Ngọc Hiếu làm được bao nhiêu bán được bấy nhiêu, không chỉ khách trong nước mà qua mạng xã hội, những bức tranh kết hợp giữa cấu trúc hoa giấy làng Thanh Tiên với hội họa của Ngọc Hiếu đã được khách nước ngoài đón nhận.
Để mở rộng quy mô làm tranh, Ngọc Hiếu đã liên hệ với nghệ nhân làng Thanh Tiên tìm bạn trẻ có cùng sở thích để đào tạo họ trở thành thợ của May Paperflower, giúp họ có công ăn việc làm cũng như theo được nghề ông cha.
Làm hoa giấy với dân làng Thanh Tiên từ xưa chỉ là công việc thời vụ, thu nhập vừa không cao vừa thiếu ổn định, không đủ sức giữ chân thanh niên trong làng. Hành động của Ngọc Hiếu bên cạnh việc phát huy sản phẩm sáng tạo của mình còn là mong muốn duy trì giá trị truyền thống của làng nghề.