Vũ Như Quỳnh hiện là giám đốc Công ty TNHH MTV Gốm sứ Vạn An Lộc ở Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Quỳnh kể, gia đình cô đã có 4 đời làm nghề gốm sứ ở Bát Tràng. Vì thế, từ nhỏ Quỳnh đã quen với mùi hương của đất sét khi chứng kiến bố mẹ, người thân làm đồ gốm. Nhưng ban đầu, Quỳnh chưa nhận ra tình yêu của mình với gốm sứ. Sau khi tốt nghiệp THPT, Quỳnh đã đăng ký học ngành thiết kế thời trang ở Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
Cho tới 4 năm sau, khi ra trường, Quỳnh mới nghĩ tới việc chuyển nghề, về nối nghiệp gia đình. “Học đại học đã cho mình nhiều kiến thức về mỹ thuật như hình khối, màu sắc, thiết kế sản phẩm… để có thể vận dụng, sáng tạo khi sản xuất gốm”- Quỳnh chia sẻ.
Trước đây, gia đình Quỳnh chủ yếu sản xuất các sản phẩm gia dụng như chén, bát đĩa để phục vụ thị trường trong nước. Tuy nhiên, Quỳnh nhận thấy rằng, những sản phẩm này quá phổ thông, không có tính đặc biệt, nhiều cơ sở khác cũng sản xuất… trong khi đó, đồ gốm sứ phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân chủ yếu lại có xuất xứ từ nước ngoài, những mặt hàng mang đậm nét văn hóa Việt là rất ít.
Quỳnh nghĩ, nếu gia đình mình có thể chuyển hướng sang sản xuất đồ phục vụ tâm linh nhưng có tính thẩm mỹ cao hơn nữa thì có thể sẽ tìm được hướng đi riêng.
Quỳnh đã bắt đầu bằng ý tưởng phục hồi lại họa tiết hoa văn cổ của đời xưa bằng cách làm mới lại rồi đưa vào các sản phẩm gốm đương đại. Bằng cách đó, Quỳnh vừa có thể giữ gìn được hoa văn, bản sắc gốm Việt nhưng sản phẩm vẫn đủ độ hiện đại để tồn tại trong đời sống hiện nay.
Chẳng hạn, với những đồ gốm đặt trong nhà vua chúa, quan lại xưa kia thường in hình họa tiết công đào, mẫu đơn… tượng trưng cho sự phú quý, thịnh vượng, quyền lực nhưng lại thể hiện theo cách đơn giản, trên một mặt phẳng mỏng, bẹt. Quỳnh nghĩ vẫn với những hoạ tiết đó, cô vẫn sẽ bảo tồn dòng men rạn cổ nhưng sẽ cải tiến đắp nổi 3D hình hoa văn cổ trên gốm sứ theo hướng tả thực.
Tuy nhiên, ban đầu, khi Quỳnh chia sẻ ý tưởng đó với bố mẹ - những người lâu nay vẫn quen làm nghề theo các bí quyết gia truyền, thì cô chưa nhận được sự đồng thuận ngay. Bố mẹ Quỳnh còn cho rằng, việc đắp nổi 3D hoa văn cổ là không khả thi. Nhưng Quỳnh không nản chí. Suốt 3 năm liền, Quỳnh đã âm thầm thử nghiệm đắp nổi 3D trên sản phẩm.
“Trong 3 năm đó, mình đã làm hỏng đến hàng nghìn sản phẩm. Thậm chí, số gốm sứ đó khi đập đi, có thể đủ để lát cho nền nhà rộng vài trăm mét”- Quỳnh chia sẻ. Theo Quỳnh, cái khó của việc đắp hổi hoa văn trên đồ gốm sứ là làm sao để họa tiết không bị long, vỡ, đường nét hoa văn vẫn mềm mại, giống thật nhưng vẫn đảm bảo đủ độ cứng, chắc.
Thêm nữa, màu sắc của sản phẩm phải hài hòa, đa dạng chứ không chỉ đơn sắc như trước. Quỳnh đã nghĩ đến việc tạo ra các khối sáng tối đậm nhạt khác nhau trên họa tiết để có hiệu ứng thị giác 3D cho họa tiết đắp nổi.
Sau mỗi lần sản phẩm bị hỏng, Quỳnh lại rút ra kinh nghiệm về đun đốt, pha chế màu men, nguyên liệu… Thương con gái, bố mẹ Quỳnh có lần khuyên cô hay là thôi thử nghiệm và chuyên tâm sản xuất sản phẩm truyền thống của gia đình. Nhưng cuối cùng, sự nỗ lực, kiên trì của Quỳnh đã được đền đáp. Sản phẩm đầu tiên với hoa văn đắp nổi 3D đã ra lò thành công.
Không những thế, Quỳnh còn dát vàng lên họa tiết khiến giá trị sản phẩm nâng lên nhiều lần. Sau khi nắm trong tay bí quyết, Quỳnh bắt đầu bắt tay sản xuất với số lượng lớn hơn, kiểu dáng sản phẩm cũng được Quỳnh cải tiến đa dạng. Quỳnh cho biết, tùy độ cầu kỳ, to nhỏ của từng sản phẩm mà thời gian cho ra lò cũng khác nhau. Chẳng hạn, có những chiếc lọ cỡ lớn có thể phải mất nửa năm mới hoàn thành. Nhưng đổi lại, giá trị sản phẩm cũng tăng lên nhiều. Có những chiếc bình hiện có giá tới 1 tỷ đồng, bình nhỏ hơn có thể bán được vài trăm triệu đồng.
Đến lúc này, bố mẹ Quỳnh rất vui vì có con gái “hơn cha nên nhà rất có phúc". Bố mẹ Quỳnh cũng tin tưởng, có Quỳnh tiếp quản thì nghề gia truyền của gia đình không có lý do gì không ngày một khởi sắc.
Trong tương lai, Quỳnh còn muốn đưa sản phẩm gốm sứ đắp nổi 3D ra giới thiệu nhiều hơn với khách hàng trong nước và đặc biệt là đưa ra thế giới. Quỳnh muốn bạn bè quốc tế thấy rằng, những người thợ Việt hoàn toàn có thể làm ra những chiếc bình gốm sứ tinh xảo, điêu luyện.