Cô gái An Giang bỏ việc ngân hàng để khởi nghiệp từ cây dược liệu

14/09/2019 - 07:20
Ở tuổi 34, Quách Yến Phượng (SN 1984, quê An Giang) quyết định nghỉ việc ở một ngân hàng để dấn thân vào con đường khởi nghiệp từ cây dược liệu ở quê hương dù biết có nhiều thử thách, chông gai chờ phía trước.
Cuối năm 2018, Quách Yến Phượng mới chập chững bước những bước đầu tiên vào con đường khởi nghiệp. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, đến nay, những sản phẩm trà xạ đen của Công ty  TNHH Thương mại – Dịch vụ Thảo An Khang (TP. Long Xuyên, An Giang) do Phượng làm chủ đã được người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành đón nhận. “Tôi chẳng dám nói mình khởi nghiệp thành công. Với tôi, con đường mình quyết định đi bây giờ chỉ có một là thắng, hai là thua. Vì vậy phải nỗ lực hết mình”, Phượng kể.
 
Nói về quyết định khởi nghiệp của mình, cô gái quê An Giang kể: vào khoảng đầu năm 2018, chị gặp một người bạn ở một hội chợ tại An Giang. Lúc này, hai người có trao đổi với nhau về hướng kinh doanh và người bạn mong muốn trồng cây dược liệu. “Thời điểm đó, tôi thấy việc trồng cây dược liệu bán rất tốt, có ích cho sức khỏe của mọi người nên đưa cho bạn một số tiền nhỏ rồi cả hai chung tay thực hiện, cùng lập cơ sở. Người bạn tập trung việc trồng trọt, sản xuất; còn tôi làm thị trường”, chị nhớ lại.
 
Trong thời gian này, chị đem cây xạ đen, là một trong những loại dược liệu về cho gia đình làm nước uống hằng ngày thì thấy được nhiều hiệu quả cho sức khỏe, giấc ngủ ngon hơn. Từ thực tế đó, chị nghĩ, tại sao mình lại không phát triển công việc trồng dược liệu để cung cấp ra thị trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế mà công việc này lại có giá trị lớn hơn nhiều so với công việc mình đang làm hiện tại?  “Ngay sau đó, tôi quyết định viết đơn xin nghỉ việc tại ngân hàng, nơi tôi đã gắn bó 10 năm”, chị kể.
 
 
duoc-lieu-copy.jpg
Chị Quách Yến Phượng hạnh phúc khi sản phẩm trà xạ đen Thảo An được người tiêu dùng đón nhận.

 

 
Thế nhưng, có một “sự cố” xảy đến mà chị không thể ngờ tới. Khi đem ý nguyện của mình với mong muốn phát triển hơn nữa tiềm năng dược liệu của quê hương chia sẻ với người bạn mà chị đang đồng hành thì bị... khước từ. Chị bị “hất văng” ra khỏi cơ sở khi người bạn đứng tên trên mọi giấy tờ. Chị bị sốc và khóc rất nhiều.
 
Lúc này, khó khăn bủa vây khiến chị rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng do hai vợ chồng mới ra riêng, công việc không có. “Hai vợ chồng bàn tính, đứng trước hai lựa chọn. Một là vay thêm tiền để dấn thân vào con đường đã chọn, hai là dừng lại. Cuối cùng, tôi và chồng quyết định đi tiếp. Tôi quyết định vay thêm tiền để tiếp tục con đường khởi nghiệp của mình”, chị Phượng kể.
 
Chị Phượng quyết định thành lập Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thảo An Khang với sản phẩm chủ lực là trà xạ đen. Để có nguồn nguyên liệu, chị kết hợp với ngành kiểm lâm, liên kết với người dân địa phương triển khai mô hình nông lâm kết hợp, trồng cây xạ đen xen ở những cánh rừng. Với ý tưởng này, chị Phượng mong muốn có thể giúp bà con nơi đây có thêm thu nhập từ việc trồng dược liệu dưới tán rừng, vừa giúp bảo tồn dược liệu quý, vừa giúp người tiêu dùng được thưởng thức một sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe. 
 
tra.jpg
Trà xạ đen Thảo An ngày càng đến được với nhiều người tiêu dùng hơn. 
 
Nguyên liệu cây xạ đen được trồng theo hướng hữu cơ, không hóa chất nên rất an toàn. Nguồn nguyên liệu khi nhập về đều được kiểm tra chất lượng một lần nữa. Sản phẩm làm ra cũng được kiểm định, đủ chất lượng mới phân phối ra thị trường. May mắn là có rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh công dụng của cây xạ đen với sức khỏe con người nên chị hoàn toàn yên tâm với chất lượng sản phẩm mình làm ra.
 
Từ những khó khăn ban đầu, với việc đầu tư vào chất lượng và mẫu mã, hiện nay, sản phẩm trà xạ đen của công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Thảo An Khang đã được người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành đón nhận. Trong đó, không chỉ người tiêu dùng ở đồng bằng sông Cửu Long mà còn ở các tỉnh, thành lớn như Hà Nội, TP.HCM…
 
Chị Phượng cho biết, mong muốn của chị là sẽ có thêm nguồn lực để có được quy trình chế biến sản phẩm theo hướng hiện đại. Từ đó, có thể đưa sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng hơn, không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài.
 
Dù con đường khởi nghiệp chưa dài và còn lắm chông gai nhưng chị Phượng đúc kết rằng, khi khởi nghiệp, để đi được xa và thành công thì phải xác định được mình muốn làm điều gì và phải luôn nỗ lực không ngừng.
 

“Khi khởi nghiệp, hãy mơ một giấc mơ thật lớn nhưng phải làm tốt những việc nhỏ nhặt nhất. Một điều quan trọng không kém là phải tìm hiểu thị trường kĩ càng.”

Chị Quách Yến Phượng

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm