pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cô gái bạch biến Lê Hà Thủy Anh: "Tôi đặc biệt chứ không dị biệt"
Thủy Anh tự tin với làn da bạch biến của mình trên sân khấu và trong đời thường
Khoảnh khắc thay đổi cuộc đời
Sinh ra với cơ thể bình thường như bao cô bé khác, đến năm lên 5 tuổi, trên cơ thể Thủy Anh bắt đầu xuất hiện những đốm trắng ở đầu và cổ. Đến khi Thủy Anh học cấp 2, những vết "lang" xuất hiện nhiều hơn và lan đến mặt. Đến tuổi dậy thì, căn bệnh bạch biến của Thủy Anh lan nhanh hơn.
"Cuộc chiến" với nỗi mặc cảm, tự ti để chấp nhận bản thân đối với cô gái mắc bệnh bạch biến này thực sự rất gian nan. Cứ mỗi lần cố gắng để tự tin hơn một chút thì lại có chuyện xảy ra, khiến Thủy Anh thu mình lại. Đó là lần Thủy Anh vừa đỗ một trường THPT, ngày đầu đến lớp, cô bé cũng háo hức như bao bạn khác.
Thế rồi Thủy Anh bắt đầu nghe thấy những tiếng bàn luận về căn bệnh bạch biến của mình. Có bạn cho rằng "bị như thế chẳng bao giờ khỏi được đâu", thậm chí có một học sinh khóa trên còn đặt cho cô biệt danh "1280". Sau này, cô mới hiểu "1280" là "điện thoại đen trắng".
"Lúc đó, tôi không giận các bạn vì các bạn ấy chưa từng trải qua điều tương tự và cũng không hiểu tôi đang trải qua chuyện gì", Thủy Anh chia sẻ.
Để che đi khuyết điểm trên gương mặt, Thủy Anh học cách trang điểm. Cô không phải là người thích tiếp xúc với mỹ phẩm sớm như vậy nhưng lớp trang điểm dày khiến cô tự tin hơn khi đi ra ngoài. Hàng xóm thấy cô bé dùng phấn trang điểm thì cho rằng cô "ăn chơi đua đòi". Gia đình cô cũng vì những lời dị nghị này mà phiền lòng.
Nhưng cũng chính những áp lực đó khiến cô gái sinh năm 1999 này càng quyết tâm thi vào khoa Thanh nhạc, trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Việc Thủy Anh trang điểm đậm mỗi ngày khiến bạn bè nhìn cô bằng con mắt hiếu kì.
"Các bạn cùng lớp đều thắc mắc sao ngày nào tôi cũng phải trang điểm như vậy. Đến cô giáo cũng hỏi vì sao mỗi khi đến lớp, tôi lại trang điểm dày như thế. Đến năm 20 tuổi, tôi quyết định gỡ bỏ lớp "ngụy trang" ấy và công khai căn bệnh bạch biến của mình trên mạng xã hội.
Sau khi công khai câu chuyện của mình, tôi nhận được nhiều lời động viên của bạn bè, thầy cô và cả những người không quen biết. Cuộc sống của tôi cũng thay đổi từ đó", Thủy Anh chia sẻ khoảnh khắc thay đổi cuộc đời mình.
Trở thành một người mẫu cá tính
Với vóc dáng mảnh mai, chiều cao lý tưởng, Thủy Anh nhận được nhiều lời mời làm mẫu ảnh. Cô tự tin đứng trước ống kính và không còn e ngại vì căn bệnh bạch biến của mình. Khi bước chân vào giới người mẫu, đôi lúc, Thủy Anh vẫn nhận được những ánh mắt kì thị của người trong giới nhưng cô luôn nghĩ theo chiều hướng tích cực: Mình đặc biệt chứ không dị biệt.
Quyết định rời Hà Nội vào TPHCM lập nghiệp, cô nhanh chóng hòa nhập vào nhịp sống sôi động nơi đây và dần được công chúng biết đến là một gương mặt người mẫu cá tính.
Theo Thủy Anh, cô bị bệnh bạch biến dạng đối xứng. Các vết lang có xu hướng xuất hiện song song và không ngừng lan rộng. Ở dạng bạch biến này, đa số trường hợp phải dùng thuốc để kiểm soát.
Tuy nhiên, với Thủy Anh, dù cô có uống thuốc thì những vết lang cũng không ngừng lan rộng. Cô không thể ghép da bởi phần da bạch biến nhiều hơn phần da thường. Tuy vậy, cô vẫn lạc quan khi cho rằng, căn bệnh không ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân.
Do tính chất công việc phải di chuyển nhiều, giờ giấc thất thường nên Thủy Anh luôn ý thức trong việc ăn uống, vận động lành mạnh để cơ thể luôn tràn đầy năng lượng.theo học thêm bộ môn pilates.
Không chỉ hoạt động nghệ thuật với tư cách ca sĩ, người mẫu, Thủy Anh còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, chia sẻ tại những sự kiện truyền thông về bệnh bạch biến, góp phần giúp cộng đồng hiểu hơn về căn bệnh này, từ đó thay đổi cách nhìn, xóa bỏ sự kỳ thị với những người mắc bệnh bạch biến.