Ngày 1/12/2011, sau khi tan trường, Nguyễn Anh Nhi (năm nay 19 tuổi, ở huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) trở về nhà trên chiếc xe đạp. Trên đường về, Nhi bị xe tải chở cát đâm phải văng ra ngoài nằm bất động. Ai cũng nghĩ, cô bé ấy đã chết.
Tuy nhiên, sau giây phút kinh hoàng, mọi người kiểm tra thấy cơ thể cô bé bê bết máu, nhưng vẫn còn thở và cử động nên nhanh chóng chuyển đi cấp cứu tại BV Đa khoa Ngọc Lặc cấp chuyển ra BV Việt Đức.
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ lập tức chuyển thẳng lên phòng mổ. Các bác sĩ xác định bệnh nhận bị đụng dập và mất toàn bộ tổ chức thành bụng; đại tràng và ruột non tổn thương trên nhiều đoạn, mất nhiều máu. Kíp mổ đã tiến hành cắt toàn bộ đại tràng, toàn bộ tử cung, buồng trứng 2 bên, một phần bàng quang và niệu quản.
Ca mổ diễn ra căng thẳng, kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, từ tối hôm trước đến tận sáng hôm sau. Do bệnh nhân đã mất hầu hết thành bụng nên các sĩ đã đặt miếng gạc che tạm các nội tạng bên trong để chăm sóc. Sau ca mổ, bệnh nhân dần tỉnh lại, mở mắt và nhận ra mọi người.
Tuy nhiên, đó mới là thành công bước đầu, bởi con đường chinh phục và chiến đấu với bệnh tật của Nhi phải kéo dài nhiều năm sau đó. PGS.TS Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn (BV Việt Đức) cho biết, đây là ca bệnh phức tạp, bởi bệnh nhân có nhiều tổn thương rất nhỏ phải xử lý cùng lúc. Hơn nữa, bệnh mất toàn bộ thành bụng việc chăm sóc và sửa chữa gần như là điều không tưởng. Vì thế, trong vòng 8 năm, bệnh nhân đã trải qua tổng số 23 ca phẫu thuật các loại với đủ các chuyên gia đầu ngành. Thậm chí, có cả các cuộc hội chẩn xuyên biên giới với các chuyên gia từ Pháp, Mỹ, Đài Loan. “Các bác sĩ Mỹ đến từ những thời gian đầu điều trị cho Nhi họ cũng đều nói ca bệnh khó và khả năng cả cứu sống cũng như phục hồi chức năng là quá khó khăn vì khi đó bệnh nhân còn quá nhỏ”, PGS. Chính chia sẻ.
Bác sĩ Trần Tuấn Anh, một trong những người tham gia phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân cho biết, đây là một ca bệnh rất đặc biệt bởi bệnh nhi mất toàn bộ thành bụng. Vì thế, các bác sĩ đã dùng miếng lưới che phủ nội tạng và đã có hiệu quả. Qua nhiều quá trình chăm sóc tổ chức hạt mọc và tạo thành thành bụng mới như bây giờ. Tuy nhiên, thành bụng này không hề có cơ, gân… và những thành phần giữ như cấu tạo thành bụng bình thường.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, bố Nhi cho biết, sau ca phẫu thuật, khi sức khỏe của con tạm ổn định, gia đình tiếp tục cho con theo học. Quãng thời gian sau đó, Nhi vừa học vừa tiếp tục điều trị. Khi nào chuẩn bị phẫu thuật, gia đình lại xin nhà trường cho con nghỉ ít hôm. Nhà trường cũng tạo điều kiện cho Nhi vừa học, vừa chữa bệnh.
Nhìn các y bác sĩ vất vả chăm sóc trong 8 năm qua, Nhi thầm mong mình sẽ làm một việc gì đó có ích. Nhi cố gắng học và đậu Đại học Y Hà Nội. Những ngày này, Nhi đang háo hức chờ đợi ngày trở thành sinh viên trường y, thỏa nguyện vọng thành nhân viên y tế để sau này phục vụ bệnh nhân. Tuy nhiên, con đường phía trước của cô sinh viên y khoa này còn nhiều vất vả và thử thách. Đó cũng là những thử thách đối với các bác sĩ khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn để hoàn thiện cơ thể cho Nhi, bởi hiện nay em vẫn còn mang hậu môn giả và được theo dõi đánh giá sẽ đóng lại sớm khi điều kiện cho phép.
“8 năm qua, Khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn là chốn đi về quen thuộc của cả nhà. Em cảm thấy như mình được sinh ra thêm 1 lần nữa. Khi biết mình đậu và Đại học Y Hà Nội, em vui mừng khôn xiết bởi đã đạt được một phần ước nguyện của cuộc đời. Em rất xúc động và cảm ơn các y bác sĩ đã tạo một động lực rất lớn để em vào được trường y”, Nhi chia sẻ.