pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cô gái biến phế phẩm từ cây dừa thành đồ dùng được yêu thích trên thế giới
Nguyễn Thị Hoàng Ngân (Tracy Nguyen) sáng lập và điều hành Công ty TNHH UpBe
Nguyễn Thị Hoàng Ngân được các đối tác, khách nước ngoài biết đến với tên gọi Tracy Nguyen. Cơ duyên đưa cô đến với các sản phẩm từ dừa bắt đầu từ một lần tham dự một hội chợ triển lãm sản phẩm Châu Á tại Singapore cuối năm 2017. Lúc đó, cô gái trẻ còn đang làm công việc xuất khẩu thực phẩm và tình cờ gặp một đối tác người Pháp đang tìm kiếm mặt hàng coconnut eco-friendly products (sản phẩm thân thiện môi trường từ dừa) để phân phối ở Châu Âu.
"Tôi nghĩ Việt Nam mình có nhiều dừa lắm, tại sao tôi không kết nối? Trở về Việt Nam, tôi cùng đối tác đi khảo sát hầu hết các cơ sở sản xuất dừa ở Bến Tre, Trà Vinh, Bình Định. Đối tác rất vui và hài lòng với những gì được tận mắt thấy và được hỗ trợ nhiệt tình từ nhóm của tôi trong suốt chuyến đi. Ngay sau đó, khách đã mong muốn kí hợp đồng nhập khẩu dừa với nhóm tôi. Tuy nhiên, thời điểm đó 2018, tôi chưa thành lập công ty xuất khẩu, nên đã nhờ công ty của một người bạn đứng pháp nhân xuất khẩu và chia lại phần trăm, cũng như phụ phần phí đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cho công ty họ.
Qua những đơn hàng xuất khẩu trong suốt thời gian này, tôi nhận thấy tôi yêu cây dừa, yêu văn hóa gắn liền với sản phẩm dừa, cũng như thấy được tiềm năng của ngành này với xu hướng thế giới, đầu năm 2019, tôi quyết định thành lập công ty và xây dựng thương hiệu UpBe dưới sự ủng hộ của đối tác trong nước và khách hàng quốc tế". Tracy Nguyen chia sẻ cơ duyên đến với các sản phẩm từ dừa.
Những sản phẩm được sản xuất từ phế phẩm của ngành công nghiệp dừa được chế tạo thành đồ dùng, xuất khẩu đi Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Cyprus, Mỹ, Canada, Úc.
Chặng đường khởi nghiệp tưởng như đã trải hoa hồng, khi có nguồn khách hàng quốc tế ổn định. Nhưng khó khăn lại đến từ một việc nữ start-up không lường trước được. Cô nhớ lại: Khi lập công ty, tôi và một chị bạn quyết tâm và đồng thuận chọn tôi đứng tên là Gíam đốc trên giấy Đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, vốn đầu tư và lợi nhuận thì chia đều.
Sau khi mở giấy phép được một tuần, tôi nhận được thông báo "Thôi, huỷ/tạm ngừng công ty đi. Vì chị cảm thấy chưa ổn để khởi nghiệp ngay lúc này". Trong khi đó, khách hàng Pháp thì đã kí hợp đồng với pháp nhân công ty và đang chuẩn bị chuyển tiền về tài khoản của UpBe, để chúng tôi sản xuất và xuất khẩu hàng cho họ. Tôi đã rất sốc, chỉ muốn đông lạnh không gian ngay lúc đó để có thể kịp hiểu được chuyện gì đang xảy ra vậy? Như vậy thì phải giải quyết như thế nào đây?
Nhưng phong cách sống của tôi là: tôn trọng sự tự nguyện. Tôi chấp nhận và tôn trọng ý kiến của người khác. Vậy là tôi tiếp tục một mình điều hành UpBe. Tự thân lập nghiệp từ một gia đình bình thường về tài chính, không ai làm kinh doanh càng không biết kinh doanh quốc tế là gì, tôi đã phải cố gắng và nỗ lực cân đối thời gian và sức lực trong thời gian đầu tiên đó. Tôi vừa làm công việc văn phòng 8h/ngày và tối về làm cho dựa án của riêng mình. Thời gian đó, tôi đã bị áp lực tâm lý nặng, đến nỗi chia tay bạn trai và phải gặp chuyên gia tâm lý để hỗ trợ. Qua những gì va vấp trên đường khởi nghiệp, tôi mới nghiệm ra rằng, mọi khó khăn, thử thách luôn đi kèm theo bài học trưởng thành, tôi hạnh phúc vì mình đã và đang học hỏi và phát triển hơn mỗi ngày cùng đứa con tinh thần mang tên UpBe.
Khôi phục làng nghề thủ công truyền thống
Lấy việc kinh doanh bền vững dựa trên uy tín và sự tin tưởng của đối tác và khách hàng là kim chỉ nam, nữ start-up cho biết, cô đã nhanh chóng ký được những đơn hàng xuất khẩu tốt và mở rộng thị trường xuất khẩu đến đa dạng các quốc gia trên thế giới hơn sau này.
Đội ngũ của UpBe tìm nguồn và thu gom các loại phế phẩm từ cây dừa như gáo dừa, lá dừa, xơ dừa… để sản xuất nên những món đồ dùng, đồ thủ công thân thiện với môi tường như: chậu cây, ly, chén, thảm, thiệp, túi xách, đồ trang trí… Những chất liệu thiên nhiên khác từ cây tre, trái mướp, lục bình… cũng được đưa vào sản xuất, với mong muốn lan tỏa lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng.
Tracy Nguyen cho biết, cô rất hạnh phúc khi giúp những làng nghề thủ công truyền thống gần như đã bị mai một, có được nguồn tiêu thụ đầu ra, cũng như chị em phụ nữ khu vực đồng bằng sông Cứu Long có công việc đơn giản nhẹ nhàng, có thể nhận về nhà làm, đảm bảo được thời gian cho bản thân, chăm sóc gia đình và thu nhập ổn.
Hiện tại, Covid-19 gây ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, trong đó có ngành xuất khẩu của UpBe. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, con người và môi trường đều có cơ hội được sống chậm lại một chút để nhìn mọi thứ vận hành, rút ra bài học, lựa chọn sản phẩm tốt cho bản thân và cả tốt cho môi trường trong tương lai. Minh chứng là từ đầu năm 2021 tới nay, UpBe đã có lại những đơn hàng từ các khách cũ và khách hàng mới cũng chuyển hướng/ mở rộng sản phẩm xanh nhiều hơn, thay vì họ chỉ phân phối những mặt hàng đã phổ biến trước đây. Đó cũng là động lực để cô gái trẻ tiếp bước trên chặng đường đưa các sản phẩm từ cây dừa Việt Nam đến các thị trường thế giới.
Nguyễn Thị Hoàng Ngân (Tracy Nguyen) là sáng lập và điều hành công ty TNHH UpBe.
Website www.upbe.com.vn
Bí quyết khởi nghiệp của Tracy Nguyen:
- Không ai ngồi yên mà tự nhiên có một sức khỏe dẻo dai một tài chính vừng vàng. Tất cả cần hành động.
- Kết nối - tương hỗ - kết nối
- Sẵn sàng chấp nhận mọi lỗi lầm của bản thân, của nhân viên, của đối tác - khách hàng. Ai cũng có những điều chưa hay, việc của chúng ta sinh ra trên đời này là cải thiện chúng mỗi ngày.