Doanh nghiệp - Doanh nhân

Chuyển đổi số đồng hành cùng nữ doanh nhân khởi nghiệp

Hội LHPN Việt Nam 12/07/2021 - 03:45 PM
Kinh tế số là xu thế tất yếu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đã và đang lan tỏa mạnh mẽ đến kinh tế thế giới. Tại các cấp Hội, hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh ứng dụng công nghệ số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và quá trình chuyển đổi số càng được thúc đẩy trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có thể dễ dàng tiếp cận khối lượng dữ liệu khổng lồ về thị trường, xây dựng và phát triển mạng lưới kinh doanh, tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực và thế giới. Vậy, chuyển đổi số là gì? Làm thế nào để chuyển đổi số thành công?

Trong quá trình làm việc, nếu bạn đang gặp một số vấn đề như dưới đây: khách hàng không còn quay trở lại, khiếu nại giữa các bộ phận ngày càng nhiều, nhân viên yêu cầu các tính năng mới so với những ứng dụng công nghệ lạc hậu đang sử dụng, bạn cảm thấy khó kiểm soát tiến độ công việc, bạn đang khởi nghiệp và mong muốn gia tăng cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành thì có thể chuyển đổi số sẽ giúp được bạn.

Chuyển đổi số là gì? 

Chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp, tác động đến cách thức tổ chức, vận hành của doanh nghiệp và các đối tượng liên quan như khách hàng, đối tác, nguồn lực, kênh phân phối nhằm tạo ra giá trị mới, đáp ứng các yêu cầu kinh doanh và sự thay đổi của thị trường. 

Cần lưu ý chuyển đổi số không đơn thuần là số hóa. Số hóa là bước đầu tiên, là quá trình chuyển đổi thông tin ở dạng vật lý analog data sang dạng kĩ thuật số. Bước thứ hai là ứng dụng số hóa, là việc sử dụng dữ liệu số hóa để đơn giản hóa cách làm việc. Trên cơ sở đó chủ doanh nghiệp sẽ đưa ra được những thay đổi từ hệ thống nội bộ đến các tương tác khách hàng nhằm tạo ra giá trị mới.

Việc chuyển đổi số đang diễn ra từng ngày, từng giờ và đang tạo ra nhiều sự thay đổi trong tâm lý và thói quen của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng dịch Covid-19, có rất ít hoặc không có lựa chọn nào ngoài việc chuyển đổi số, đặc biệt là khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh có thể sẽ tồn tại trong một thời gian hoặc cần phải được tái áp dụng. Nếu không chuyển đổi số doanh nghiệp sẽ trở nên tụt hậu, kém cạnh tranh và có thể bị đào thải.

Chuyển đổi số đồng hành cùng nữ doanh nhân khởi nghiệp  - Ảnh 1.

Việc chuyển đổi số đang diễn ra từng ngày, từng giờ và đang tạo ra nhiều sự thay đổi trong tâm lý và thói quen của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng dịch Covid-19

Tại Việt Nam, theo thông tin từ Chính phủ, 72% doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm cách chuyển đổi số để đưa sản phẩm ra thị trường, tăng 32% so với mức của năm 2019. Với lợi thế về cơ sở hạ tầng viễn thông và tỉ lệ dân số có sử dụng các thiết bị smartphone cao, khoảng 44,9% dân số, phục vụ cho nhiều hoạt động khác nhau từ tìm kiếm thông tin, xem video, tìm đường đi, kiểm tra tình trạng giao thông và quản lý khách hàng. Vì vậy, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có thể dễ dàng tiếp cận khối lượng dữ liệu khổng lồ về thị trường, xây dựng và phát triển mạng lưới kinh doanh, tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số cần có lộ trình sau khi tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng về nhu cầu và khả năng sẵn sàng đáp ứng của doanh nghiệp. Theo báo cáo phân tích năm 2016 của Forrester, có 11% doanh nghiệp được khảo sát thành công trong quá trình chuyển đổi số. 

Làm thế nào để chuyển đổi số thành công? 

Một  quy trình chuyển đổi số là sự tổng hòa của 5 yếu tố bao gồm: văn hóa và chiến lược số, gắn kết khách hàng, quy trình và cải tiến, công nghệ, phân tích và quản lý dữ liệu. Nếu thiếu đi yếu tố nào cũng sẽ khiến cho quá trình chuyển đổi không hoàn thiện và không đạt được kết quả như kì vọng. 

Để thực hiện chuyển đổi số, đầu tiên các doanh nghiệp cần xác định rõ ràng rằng số hóa không phải là một lựa chọn mà là một nhu cầu tất yếu, không phải là một khoản chi phí mà là một khoản đầu tư. 

Thứ hai là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu, có các kỹ năng quan trọng như kỹ năng sáng tạo và đổi mới, kỹ năng dịch vụ khách hàng. 

Thứ ba, thay đổi tư duy lãnh đạo đổi mới và sáng tạo, chủ động xây dựng chiến lược phát triển lâu dài và những bước đi cụ thể, vững chắc, đón nhận những cơ hộ và lợi ích và công nghệ số mang lại.

Hành trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một con đường dài và vô vàn khó khăn, thách thức, tuy nhiên đây là xu thế tất yếu và không thể đi ngược nếu muốn kinh doanh thành công. Chuyển đổi số không chỉ mang đến cơ hội dành riêng cho doanh nghiệp lớn, chuyển đổi số là một cách đi để doanh nghiệp vừa và nhỏ gia tăng sức cạnh tranh nhanh hơn và bền vững hơn.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn