Nhiều giải pháp đột phá để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia

Nhật Lam
28/01/2021 - 14:33
Nhiều giải pháp đột phá để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham luận tại Đại hội XIII của Đảng sáng nay (28/1). Ảnh: Website Đảng Cộng Sản

Tham luận tại Đại hội XIII của Đảng ngày 28/1 về chủ đề chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu nhiều giải pháp đột phá để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia.

Làm chủ không gian mạng quốc gia

Tham luận tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sáng nay (28/1), Bộ trưởng Bộ  Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, lĩnh vực thông tin và truyền thông tạo nền móng cho chuyển đổi số, phát triển đồng bộ cả ba trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới vào năm 2030.

Do đó, ngành Thông tin và Truyền thông sẽ nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số mọi mặt kinh tế - xã hội trên cơ sở tập hợp, phát huy sức mạnh của toàn xã hội.

Để thích ứng với tình hình mới, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước, đặt ra các mục tiêu: Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Kinh tế số đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh, không ai bị bỏ lại phía sau.

Để đạt được mục tiêu này, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cần có quyết tâm và đột phá với cách làm mới, phù hợp với bối cảnh và thực tiễn. Phát huy nội lực là cách làm của Việt Nam.

Làm chủ công nghệ di động 5G

Nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng độc lập", ông Hùng nhấn mạnh: Trong thời đại số, khi không gian mạng đã trở thành không gian chiến lược thứ năm, chuyển đổi số đặt ra yêu cầu cấp bách về việc tự chủ trên không gian mạng, di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục trở thành kim chỉ nam xuyên suốt cho quá trình chuyển đổi số của Việt Nam: Làm chủ hạ tầng số, làm chủ các nền tảng số từ đó làm chủ không gian mạng quốc gia dựa trên các sản phẩm "Make in Viet Nam".

Trong đó, về làm chủ hạ tầng số, ông nêu rõ, Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghệ di động 5G, làm chủ hạ tầng điện toán đám mây thông qua các nền tảng "Make in Viet Nam". Bên cạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, việc làm chủ hạ tầng số, làm chủ dữ liệu của người Việt là nhiệm vụ chiến lược, cần được ưu tiên hàng đầu.

Nhiều giải pháp đột phá để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia - Ảnh 1.

Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghệ di động 5G theo định hướng đến 2030. Ảnh minh họa

Ngành Thông tin và Truyền thông cũng định hướng hạ tầng bưu chính chuyển đổi từ chuyển phát thư báo thành hạ tầng của dòng chảy vật chất phục vụ cho nền kinh tế số. Bên cạnh dòng chảy dữ liệu, hạ tầng bưu chính sẽ trở thành một huyết mạch của thương mại điện tử. Bưu chính được giao trọng trách phục vụ phát triển chính phủ số, cải cách hành chính, góp phần đưa dịch vụ công lên mức độ 3, 4; đồng thời bảo đảm an toàn tuyệt đối dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng và Nhà nước từ Trung ương tới địa phương.

Về làm chủ các nền tảng số, Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chính phủ số, chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Nhanh hơn ở chỗ các nền tảng đã sẵn sàng đưa vào sử dụng, dùng chung.

Giảm chi phí ở chỗ không cần đầu tư kinh phí và thời gian phát triển mới từng phần mềm. Dịch vụ được cung cấp qua các nền tảng số sẽ ngày càng rẻ như hóa đơn điện nước nếu có lượng người dùng lớn. Và vì vậy, theo ông Hùng, chuyển đổi số dựa trên các nền tảng số sẽ trở nên hiệu quả.

"Ngành Thông tin và Truyền thông định hướng phát triển hệ sinh thái các nền tảng số đáp ứng nhu cầu của người dân Việt Nam và từ đó đi ra thế giới. Mở rộng không gian mạng quốc gia thông qua mở rộng phạm vi hoạt động của các nền tảng số "Make in Viet Nam". Việt Nam cần nhiều hơn nữa các nền tảng số "Make in Viet Nam" có khả năng đi ra toàn cầu để chiếm lĩnh những không gian mới" – Tư lệnh ngành thông tin và truyền thông nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm