pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Cô gái Quan họ" Minh Ngọc cùng dân ca tỏa sáng tại sân chơi âm nhạc quốc tế

Ca sĩ Minh Ngọc
Quán quân Tuyệt đỉnh song ca nhí 2018 Minh Ngọc vừa trở về từ Liên hoan Nghệ thuật châu Á - Asia Arts Festival 2025 (tổ chức tại Singapore từ ngày 12 đến 19/7) với thành tích Cúp Vàng thanh nhạc. Tại cuộc thi này, nữ ca sĩ sinh năm 2004 được khán giả yêu mến gọi là "Cô gái Quan họ" không chọn tranh tài bằng nhạc thính phòng hay ca khúc quốc tế như hầu hết các thí sinh mà mang ca khúc mang đậm chất dân ca Gửi về Quan họ để tranh tài.
Nữ ca sĩ chia sẻ với PV Báo PNVN về hành trình đáng nhớ tại cuộc tranh tài âm nhạc quốc tế cũng như con đường âm nhạc của mình:
Duyên đến với âm nhạc từ một lần "liều"
+ Minh Ngọc bắt đầu con đường nghệ thuật từ khi nào?
Em đến với âm nhạc rất tình cờ. Dù bố mẹ đều là giáo viên dạy nhạc, nhưng từ nhỏ chưa bao giờ em có mong muốn trở thành ca sĩ. Khi thấy chương trình Tuyệt đỉnh song ca nhí tuyển sinh thông báo rằng nếu thí sinh lọt vào vòng trong sẽ được lo mọi chi phí tham gia tại TPHCM, em thích đi TPHCM quá nên bảo với mẹ muốn được casting. Mẹ em ngập ngừng nhưng rồi cũng đồng ý.
Ngày casting tại Hà Nội, Giám đốc âm nhạc chương trình là nhạc sĩ Minh Vy thử giọng cho em. Em chỉ có chiếc điện thoại bật beat bài Buôn bấc buôn dầu và hát "vo" giữa phòng tuyển chọn. Không ngờ tiết mục dân ca mộc mạc đó lại khiến ban giám khảo thích thú. Cứ từng vòng thi, em nghĩ mình sẽ bị loại, vậy mà lại liên tiếp được chọn, cho đến khi thành Quán quân.
6 tháng thi Tuyệt đỉnh song ca nhí là 6 tháng đáng nhớ với em. Em vẫn học văn hóa ở Bắc Ninh, mỗi tháng lại bay vào TPHCM 1-2 tuần. Thi xong về là lao vào học ngay để kịp ôn thi vào lớp 10. Lúc đó, em chưa hề nghĩ sẽ theo âm nhạc chuyên nghiệp, chỉ xem cuộc thi như một trải nghiệm.
+ Khi nào bạn bắt đầu nuôi mơ ước ca sĩ?
Chính sau cuộc thi đó, em mới nghĩ "Hay là mình thử làm ca sĩ?". Trước đó, em từng mơ những nghề không liên quan gì âm nhạc như ngân hàng, kiến trúc sư, thiết kế thời trang… Nhưng quá trình được các nhạc sĩ chọn bài, phối khí, được chăm chút hình ảnh, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp đã khiến em thay đổi.
Nhờ sự động viên của thầy cô và gia đình, em thi đỗ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, học 4 năm Trung cấp thanh nhạc và giờ đang học năm thứ 3 Đại học.

Minh Ngọc tại Liên hoan Nghệ thuật châu Á 2025
Tự tin với bản sắc riêng
+ Tại Liên hoan Nghệ thuật châu Á 2025, tại sao Minh Ngọc lại chọn "Gửi về Quan họ" để tranh tài?
Em muốn mang âm nhạc dân gian Việt Nam ra thế giới. Gửi về Quan họ của nhạc sĩ Đức Miêng là bài hát em từng thi học kỳ trên lớp, được cô giáo chỉnh sửa từng nốt. Đây cũng là ca khúc khiến mọi người nhớ đến em trên mạng xã hội. Trước khi thi, em có một chút lo lắng vì đa phần thí sinh quốc tế đều chọn nhạc thính phòng hoặc nhạc quốc tế. Em tự hỏi liệu dân ca có phù hợp với tiêu chí cuộc thi không. Nhưng cuối cùng em nghĩ: "Đây là bản sắc riêng, mình phải tự tin với lựa chọn này".
+ Khán giả quốc tế phản ứng thế nào với phần thi của bạn?
Khi em xuất hiện trên sân khấu với bộ áo tứ thân cách tân, vẫn là khăn mỏ quạ truyền thống nhưng tươi trẻ hơn với màu hồng và họa tiết thêu tay, cả khán phòng ồ lên thích thú. Khi MC giới thiệu đây là ca khúc mang âm hưởng Dân ca Quan họ, một thể loại âm nhạc truyền thống của Việt Nam đã được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, mọi người vỗ tay rất lớn.
Ở hậu trường, bạn bè đến từ Singapore, Indonesia còn nhờ em dạy vài câu hát Quan họ. Có bạn nói: "Tôi không hiểu lời bài hát nhưng nghe rất cảm xúc". Em thấy tự hào vô cùng.
Giữ lửa dân gian trong thế giới nhạc trẻ
+ Từ lâu nay, tên tuổi của Minh Ngọc đã gắn liền với hình ảnh "Cô gái Quan họ". Đó có phải lựa chọn có chủ đích của bạn?
Đúng vậy, nhưng nó đến rất tự nhiên. Em sinh ra và lớn lên ở Bắc Ninh, tiếng Quan họ đã ngấm vào mình từ nhỏ. Khi em đăng video trên TikTok, khung cảnh chỉ là bờ mương, vườn rau, con gà…, em vừa làm việc vừa hát, không dàn dựng cầu kỳ, vậy mà có clip lên đến hàng triệu lượt xem.
+ Bạn có thấy áp lực khi giữ hình ảnh này?
Cũng có chút áp lực, nhưng em không muốn đánh mất sự mộc mạc. Em chỉ "làm mới" Quan họ bằng chút trẻ trung trong phối khí, trang phục. Mục tiêu của em là giúp khán giả trẻ cảm thấy Quan họ gần gũi, dễ nghe hơn, chứ không biến nó thành thể loại quá xa lạ.
+ Nhiều ca sĩ trẻ chọn nhạc hiện đại để nhanh nổi tiếng. Vì sao bạn vẫn trung thành với dân gian?
Có lẽ vì tính cách và giọng hát của em hợp với dân gian hơn. Em không có thế mạnh vũ đạo hay nhạc quá sôi động. Khi hát dân ca, em thấy như chạm được vào "mạch cảm xúc" của chính mình. Đó là cảm giác khó tả, giống như bản năng.

Minh Ngọc sinh năm 2004 ở Bắc Ninh, là Quán quân Tuyệt đỉnh song ca nhí 2018
Muốn làm cầu nối để khán giả trẻ đến gần hơn với âm nhạc truyền thống
+ Hiện tại, cuộc sống và công việc của Ngọc ra sao?
Em đang cộng tác với Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, biểu diễn tại các chương trình nghệ thuật chính thống. Thu nhập đi diễn giúp em tự lập, nhưng em dành phần lớn để đầu tư vào thu âm, phối khí, quay MV. Em vẫn ở nhà thuê và hay nói vui: "Tay em chẳng có nhẫn, chỉ có hai vòng chỉ, đó là chỉ bình an".
+ Bạn có dự định nào sau Cúp Vàng Liên hoan Nghệ thuật châu Á?
Em đang ấp ủ dự án video "Quan họ kể chuyện", mỗi tập là một câu chuyện nhỏ gắn với một bài dân ca. Ngoài ra, em cũng muốn thử sức ở mảng đạo diễn, lên kịch bản cho MV và chương trình âm nhạc. Em thấy làm nhạc bây giờ không chỉ hát hay, mà còn phải sáng tạo tổng thể.
+ Bạn có muốn gửi gắm điều gì đến với khán giả trẻ?
Em mong các bạn trẻ hãy thử nghe Quan họ một lần, sẽ thấy nó không hề xa lạ. Quan họ là âm nhạc của ruộng đồng, của tình người, rất giàu cảm xúc. Nếu có thể, em muốn làm cầu nối để khán giả trẻ đến gần hơn với âm nhạc truyền thống, bằng những bản phối mới mẻ nhưng vẫn giữ hồn cốt dân gian.
+ Xin cảm ơn Minh Ngọc!