"Cô gái Samsung" nhận thêm cú sốc trên mạng xã hội

PV
30/07/2024 - 11:39
"Cô gái Samsung" nhận thêm cú sốc trên mạng xã hội

"Cô gái Samsung" bị mạo danh trên mạng xã hội

Câu chuyện bị tung tin đồn thất thiệt bôi nhọ danh dự và nhân phẩm chưa qua thì lại đến việc bị hàng loạt tài khoản mạng xã hội mạo danh, lợi dụng bán hàng giả, hàng kém chất lượng, khiến “cô gái Samsung” nhận thêm cú sốc.

Theo phản ánh của chị C.T.D, ở Phổ Yên, Thái Nguyên, sau khi chị bị tung tin vu khống, bôi nhọ trên mạng xã hội là "cô gái bị nhiễm HIV, có quan hệ với nhiều người đàn ông", khiến cuộc sống của cô bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục tiến hành truy xét nguồn phát tán thông tin trên và mở rộng điều tra, xử lý vụ việc theo quy định, thì những ngày qua, chị D. lại tiếp tục phải hứng chịu hàng loạt thông tin tiêu cực, không những làm ảnh hưởng đến chị, còn gây ảnh hưởng rất lớn đến những người tiêu dùng.

Đó là việc hàng loạt tài khoản mạng xã hội facebook, Tiktok, telegram đã mạo danh chị D. thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, lợi dụng bán hàng online trên mạng xã hội.

Chị D. cho biết: “Họ lợi dụng vụ việc lùm xùm của tôi, sau đó lấy các thông tin hình ảnh mà tôi đã đăng trên mạng về kênh giả mạo mà họ tạo ra, để đăng lên thu hút mọi người theo dõi. Khi có hàng chục nghìn lượt theo dõi, thì họ tổ chức quảng cáo bán hàng online. Nhưng đa phần là các mặt hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Khi người tiêu dùng mua phải, thì mọi tội lỗi họ sẽ lại đổ vào tôi, vì họ đâu có biết đây là kênh giả mạo”.

"Cô gái Samsung" nhận thêm cú sốc trên mạng xã hội- Ảnh 1.

Chị C.T.D lên tiếng cảnh báo việc bị hàng loạt tài khoản mạo danh trên mạng xã hội

Những tài khoản mạo danh chị D.để bán hàng trên mạng xã hội thường là lợi dụng sự hiếu kỳ, sự cảm thông chia sẻ của cộng đồng, từ đó bán hàng và trục lợi, nhưng khi những người mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, thì chắc chắn mọi oán trách sẽ lại đổ lên đầu khổ chủ là chị D, người đã bị mạo danh.

Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Hùng Mạnh (Bộ VHTTDL),chia sẻ: “Hiện nay việc mạo danh người nổi tiếng, mạo danh các cơ quan,đơn vị tổ chức, để bán hàng trên mạng diễn ra khá phổ biến, và các mặt hàng thì chắc chắn là không đảm bảo chất lượng. Thường là đánh lừa người tiêu dùng. Đối với trường hợp “cô gái Samsung” này cũng vậy, khi họ thấy cô ấy có liên quan vì Scandal, thì các đối tượng xấu sẽ lợi dụng để mạo danh bán hàng nhằm mục đích trục lợi, và hậu quả thì người bị mạo danh và người tiêu dùng sập bẫy lừa sẽ phải gánh chịu”.

"Cô gái Samsung" nhận thêm cú sốc trên mạng xã hội- Ảnh 2.

Nhiều người nổi tiếng từng bị lập tài khoản mạo danh để bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng trên mạng xã hội

Trước đó, hàng loạt nghệ sĩ lên tiếng về việc bị mạo danh trên mạng xã hội khiến nhiều người bị hiểu lầm họ là tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Như trường hợp của Hoa hậu Mai Phương Thúy có đến hàng trăm facebook, Tiktok giả mạo, đến nỗi cô không muốn nhắc đến chuyện này. Các trang giả danh người mẫu, hoa hậu thông thường chỉ để bán hàng, quảng bá các sản phẩm nhằm thu hút, hấp dẫn người mua.

Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác như cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân…

Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại sẽ phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, người dân cần cảnh giác với những tài khoản giả mạo trên các nền tảng mạng xã hội, cần tìm hiểu kỹ trước khi tham gia mua bán sản phẩm trên các kênh mạng xã hội, để tránh rơi vào bẫy lừa của những tài khoản mạo danh như trên.

Hành vi giả mạo người khác trên mạng xã hội Facebook để đăng thông tin sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự:

Theo quy định tại khoản 3, Điều 99 Nghị định 15/2020 của Chính phủ về vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, hành vi giả mạo người khác trên mạng xã hội Facebook để đăng thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân sẽ bị xử phạt hành chính từ 20 - 30 triệu đồng.

"Trường hợp tài khoản Facebook giả mạo chưa đăng thông tin có nội dung xuyên tạc, xúc phạm cá nhân, tổ chức, nhưng đăng nội dung ảnh hưởng uy tín, danh dự của người bị giả mạo tài khoản Facebook cũng sẽ bị xử phạt hành chính từ 20 - 30 triệu đồng về cùng hành vi này".

Nếu hành vi giả mạo Facebook người nổi tiếng đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu các tội danh khác nhau. Chẳng hạn, dùng Facebook giả mạo để chiếm đoạt tiền của người khác thì bị truy cứu tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174; hoặc dùng Facebook giả mạo để xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể bị truy cứu tội “làm nhục người khác" theo Điều 155 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm