Cô gái trẻ đau bụng, ốm vặt suốt 1 năm vì sai lầm khi dùng ống hút

Ngọc Ái
10/04/2023 - 14:15
Cô gái trẻ đau bụng, ốm vặt suốt 1 năm vì sai lầm khi dùng ống hút

Kayla Houlihan bất ngờ khi tìm thấy "thủ phạm" khiến mình đau bụng trong ống hút (Ảnh cắt từ video

Ống hút inox đang ngày càng phổ biến, được nhiều người dùng thay thế cho các loại ống hút một lần. Nhưng nếu không vệ sinh kỹ thì nó cũng có thể gây ra đau bụng cùng nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Một cô gái trẻ sống tại Úc tên Kayla Houlihan đã chia sẻ một video kể về sai lầm của mình khi sử dụng ống hút inox. Cụ thể, Kayla cho biết mình bắt đầu dùng các loại ống hút bằng kim loại để thay thế cho ống hút dùng một lần (ống hút nhựa, ống hút giấy…) được khoảng 3 năm để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây cô thường xuyên cảm thấy đau bụng, ốm vặt, buồn nôn mà không rõ lý do.

Thậm chí, Kayla đã đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe, tầm soát ung thư nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân. Bác sĩ cho rằng vấn đề nằm ở trạng thái tâm lý và thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày nên chỉ kê đơn cho cô vài loại thuốc bổ. Đồng thời, đưa ra các chỉ dẫn để cô thay đổi nếp sống, ăn ngủ nghỉ lành mạnh hơn trong một thời gian rồi quay lại tái khám.

Nghe theo lời bác sĩ, Kayla bắt tay vào việc dọn dẹp nhà cửa và điều chỉnh thực đơn ăn uống. Vì sống cùng gia đình nên môi trường sống của Kayla cũng rất gọn gàng, sạch sẽ. Khi cô nhớ tới lời nhắc uống nước thường xuyên hơn của bác sĩ cũng là khi Kayla đột nhiên nhận ra rằng mình chưa từng vệ sinh kỹ càng những chiếc ống hút inox của mình.

Hóa ra, cô rửa bình nước, cốc uống nước rất kỹ mỗi ngày nhưng lại không chú tâm tới vệ sinh ống hút. Kayla kể lại: tất nhiên tôi vẫn rửa nó mỗi ngày, nhưng tôi chỉ rửa với nước, thường là dưới vòi nước chảy. Tôi cũng không dùng nước rửa chén hay loại hóa chất nào khác vì lo rằng chúng sẽ bám lại trong ống hút.

Khi kiểm tra, cô phát hiện trong chiếc ống hút inox mình thường dùng nhất có cả một cục nấm mốc lớn. Cũng có nhiều nấm mốc li ti bám trong thành ống hút, nhất là các vùng khúc khuỷu, có thể nhìn thấy bằng mắt thường khi soi đèn pin vào bên trong.

Kayla vừa ngạc nhiên vừa xấu hổ. Cô thừa nhận rằng lỗi 100% là do bản thân, bởi vì nhà sản xuất có đính kèm hướng dẫn vệ sinh khi mua sản phẩm nhưng cô lại không để tâm. Khi trao đổi với bác sĩ, ông cũng cho rằng đây rất có thể là nguyên nhân khiến Kayla thường xuyên đau bụng, mệt mỏi và buồn nôn. Bởi vì mặc dù không gây bít tắc nhưng trong quá trình uống nước, cơ thể Kayla đã từ từ hấp thụ lượng nấm mốc này.

Nấm mốc nguy hại hơn chúng ta tưởng

Bác sĩ Rudolph Bedford, chuyên gia tiêu hóa tại Trung tâm y tế Providence Saint John (Mỹ) cho biết, nấm mốc thực tế là những loại nấm cực nhỏ, chúng được phát tán lên thực phẩm nhờ gió, nước hoặc côn trùng. Nấm mốc đa số là vô hại hoặc chỉ gây đau bụng, khó chịu nhẹ, chỉ có một số ít gây hại hoặc gây bệnh nguy hiểm cho con người. Chưa kể tới, lượng nấm mốc hấp thụ cũng phải ở mức độ nhất định.

Ông nói rõ hơn, nếu bạn lỡ ăn phải một chút nấm mốc thì sẽ không gây nguy hại gì cho sức khỏe. Hệ tiêu hóa sẽ tiêu hóa nấm mốc bình thường như bao loại thức ăn khác. Cơ thể vẫn sẽ khỏe mạnh miễn sao hệ miễn dịch hoạt động tốt và đủ sức vô hiệu hóa tác hại của nấm mốc.

Trong một số trường hợp, những người lỡ ăn phải thực phẩm bị mốc cảm thấy hơi khó chịu, đau bụng, đau đầu, buồn nôn. Thật ra, hầu hết cảm giác khó chịu khi ăn phải nấm mốc đến từ mùi vị kỳ lạ và sự khó tiêu hóa của nó thay vì độc tố cụ thể. Tuy nhiên, nếu bạn ăn hay hít phải nấm mốc với số lượng lớn (có thể tích tụ dần theo thời gian) thì có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe từ nhẹ tới nghiêm trọng.

Hay đau bụng và ốm vặt, cô gái trẻ hối hận vì sai lầm khi dùng 1 dụng cụ uống nước phổ biến - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Phổ biến như dị ứng, bệnh hô hấp với các triệu chứng như hắt hơi, nhức ngứa mắt, đau đầu, mệt mỏi, đau khớp, nổi mề đay, ho, hen suyễn, buồn nôn… Thậm chí, nhiều loại nấm mốc có thể gây ngộ độc, suy thận, đột biến gene, nhiều bệnh ung thư cho cả người và gia súc. Chúng thường tồn tại ở các thực phẩm bị nấm mốc nhiều hơn là dụng cụ, môi trường sống… Tiêu biểu phải kể đến các chất độc đã được WHO cảnh báo như: Aflatoxin, Ochratoxin A, Patulin, Fumonisin, Zearalenone và Nivalenol/Deoxynivalenol.

Như trường hợp của Kayla Houlihan, lượng nấm mốc cô hấp thụ qua đường uống tuy nhỏ nhưng tích tụ trong suốt 3 năm. May mắn là độc tố của chúng không quá mạnh, chỉ gây ra các triệu chứng ngộ độc mức độ nhẹ như đau bụng, suy nhược cơ thể.

Cũng qua trường hợp này, chúng ta cần nâng cao ý thức vệ sinh dụng cụ ăn uống hơn nữa để phòng bệnh tật. Sử dụng ống hút kim loại, ống hút inox để bảo vệ môi trường là rất tốt, tuy nhiên cần làm sạch chúng thường xuyên và đúng cách.

Đầu tiên, bạn nên rửa các loại cốc uống nước, ống hút này riêng với bát đĩa đựng đồ ăn, nhất là các món nhiều dầu mỡ. Nên chuẩn bị dụng cụ làm sạch chuyên biệt cho ống hút, càng tuyệt hơn nếu có dung dịch tẩy rửa dành riêng cho chúng. Nếu không, bạn có thể dùng nước rửa chén bát thông thường pha loãng hoặc giấm.

photo-1

Ảnh minh họa

Dùng cọ chuyên dụng chấm dung dịch dùng làm sạch và chải nhiều lần bên trong lòng ống hút. Tiếp đến, làm sạch bên ngoài và rửa sạch chúng dưới vòi nước chảy. Lưu ý cần để nước chảy vào bên trong lòng ống hút nhiều lần và nên dùng nước ấm để tăng hiệu quả làm sạch.

Rửa xong, bạn nên để ống hút dạng đứng, chọn nơi sạch sẽ và thoáng, có ánh nắng càng tốt để chúng khô tự nhiên cả mặt trong lẫn mặt ngoài. Nên rửa ống hút kỹ như vậy mỗi ngày 1 lần hoặc bất cứ khi nào dùng để uống sinh tố, nước ép… đồ uống đặc, dễ bám lại lòng ống hút ngay lập tức.

Nguồn: Topick, New York Post, Health24
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm