Cô gái ước mơ mang bột rau má ra thế giới

09/06/2018 - 08:53
Với những kinh nghiệm trong sản xuất, sự am hiểu sâu sắc về nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như đầu óc nhạy bén về nhu cầu trên thị trường, Nguyễn Ngọc Hương đã mạnh dạn bỏ công việc tại nhiều công ty lớn, quyết tâm khởi nghiệp với cây rau má tại vùng đất ngoại ô Củ Chi, TPHCM.

Hầu hết người Việt Nam đều biết đến cây rau má, thường dùng chế biến làm đồ uống. Ngọc Hương nhận thấy được mức độ rộng lớn của thị trường nội địa đang có sẵn và mong muốn làm ra sản phẩm mang lại sự tiện dụng, an toàn cho người tiêu dùng. Để người dùng không phải mất thời gian và tốn nhiều công sức chế biến rau má như cách xay thông thường. Đồng thời, cũng không phải lo lắng về việc thực phẩm nhiểm khuẩn, giun sán khi sử dụng, Ngọc Hương đã tìm cách sản xuất bột rau má để giản lược các bước trong khâu chế biến.

Chọn lĩnh vực nông nghiệp để khởi nghiệp, Ngọc Hương lường trước những rủi ro như thời tiết, tâm lý người nông dân, giá cả thị trường, sở thích người tiêu dùng, chính sách đất đai của chính quyền tại địa phương, những thông tin tiêu cực đang tràn lan làm ảnh hưởng đến sản phẩm lành mạnh mà Hương đang làm, ….. “Nhưng đến khi bắt tay vào làm mới biết có rất nhiều khó khăn không kể thành tên”, cô cho biết.

bot-rau-ma-quang-thanh1.jpg
Hằng ngày, Ngọc Hương đều ra nông trại để chăm sóc rau má
 

Cái khó lớn nhất là “Làm sao để chuẩn hóa quy trình trồng nguyên liệu cho bà con nông dân để đầu vào đủ tiêu chuẩn của sản xuất?” vì lĩnh vực chế biến nông sản cần phải được làm đúng ngay từ đầu thì mới tạo được một sản phẩm tốt hoàn thiện.

Cuối năm 2015, đầu 2016, Ngọc Hương tiến hành trồng thử nghiệm vùng nguyên liệu tại Củ Chi và mọi thứ đã vượt xa so với dự tính ban đầu. Thay vì tốn khoảng 170 – 220 triệu để khởi tạo trang trại mẫu với diện tích 10.000m2 thì con số thực tế Ngọc Hương phải trả là hơn 300 triệu (cho việc cải tạo đất, quy hoạch rãnh luống, mua giống, thuê nhân công, vận hành và ứng dụng quy trình mới). Với cách canh tác của người nông dân thông thường, thời gian khởi tạo chỉ mất nhiều nhất là 3 – 4 tháng thì với Hương phải mất tới hơn 1 năm trang trại mới cung cấp được nguyên liệu đủ tiêu chuẩn cho sản xuất.

bot-rau.jpg

Bước đầu tạo dựng cơ sở sản xuất tạm ổn thì đến giai đoạn tìm đầu ra cho sản phẩm. Với bản tính là một người thận trọng, trước khi thành lập doanh nghiệp và thiết lập mô  hình kinh doanh, Hương đã từng có thời gian mang sản phẩm của mình gia công ở một cơ sở sản xuất và thử nghiệm sản phẩm trên thị trường tại thành phố Hồ Chí Minh. Trải qua quá trình  hơn 6 tháng, nhận được nhiều phản hồi tích cực của người tiêu dùng cô đã có quyết định lớn hơn là sẽ thiết lập mô hình trang trại mẫu để chuẩn hóa nguồn nguyên liệu, liên tục hoàn thiện quy trình sản xuất và xây dựng đội nhóm kinh doanh. Bước đầu mọi việc Hương đều tự làm, tuy có chậm hơn kế hoạch dự tính nhưng cô hiểu được công việc mình đang làm.

Doanh nghiệp (DN) của Ngọc Hương hiện đang hoạt động dưới sự bảo trợ của Trung tâm Ươm tạo DN nông nghiệp công nghệ cao Tp. HCM và Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC). Ngọc Hương nhận được nhiều hỗ trợ của các kỹ sư nông nghiệp và các kết nối về thương mại, đào tạo chiến lược để phát triển quy mô thị trường và năng lực. Đây cũng là cơ hội tốt để Hương tiếp cận với thị trường dễ dàng hơn trong điều kiện chưa mạnh về vốn, nhân sự ở giai đoạn khởi tạo trong 3 năm đầu tiên.

bot-rau-ma-quang-thanh.jpg
Sản phẩm bột rau má Quảng Thanh

Hiện tại, sản phẩm bột rau má mang thương hiệu Quảng Thanh đang được bày bán rộng rãi tại hơn 50 cửa hàng thực phẩm sạch ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, cùng với hàng trăm đại diện bán hàng online, mỗi tháng đều tổ chức 5 - 7 sự kiện xúc tiến thương mại để tiếp xúc khách hàng.

Ngoài dòng sản phẩm chủ lực là bột rau má, Ngọc Hương còn có thêm 4 dòng sản phẩm khác là bột diếp cá, bột tía tô, bột chùm ngây, bột trà xanh. Điểm chung của những dòng sản phẩm này là các dòng bột của rau ăn lá, khó bảo quản được lâu, có giá trị dinh dưỡng và hoàn toàn có tiềm năng về thương mại quốc tế.

Dù đang tập trung nguồn lực để giải quyết nhu cầu nội địa có sẵn và công suất tại công ty chưa đủ để đáp ứng hết thị trường trong nước, Ngọc Hương vẫn ấp ủ mong ước :”Nếu điều kiện thuận lợi và đúng theo kế hoạch, tôi sẽ áp dụng các quy chuẩn quốc tế vào khâu chế biến nguyên liệu và vận hành sản xuất cũng như quản lý doanh nghiệp để tiếp cận thị trường thế giới vào cuối năm 2019”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm